14/06/2022 - 07:07

Sức khỏe đường ruột ảnh hưởng tới trí não ra sao? 

Theo các chuyên gia sức khỏe, ruột và não có mối liên hệ mật thiết với nhau, trong đó, sức khỏe đường ruột kém tác động đáng kể đến tâm trạng, bao gồm làm tăng mức độ lo lắng, căng thẳng tinh thần (stress) và suy giảm chức năng nhận thức. Nghiên cứu khoa học cho thấy sức khỏe đường ruột ảnh hưởng đến trí não theo 4 cách như sau:

+ Gây stress và lo âu. Đường ruột là một trong những “cửa ngõ” chính mang dưỡng chất từ thực phẩm lên não nên nó có ảnh hưởng nhất định đến cách thức hoạt động của não. Sự tương tác giữa não và ruột diễn ra thông qua dây thần kinh phế vị - vốn đóng vai trò quan trọng chi phối cơ chế nghỉ ngơi và tiêu hóa của cơ thể. Vì thế, tình trạng tăng sinh vi khuẩn có hại trong đường ruột có thể gây viêm dây thần kinh phế vị và khiến nồng độ hoóc-môn cortisol tăng lên, dẫn đến stress và lo lắng nhiều hơn.

Điều này có nghĩa lựa chọn thực phẩm tiêu thụ có thể góp phần dẫn đến tâm trạng lo âu và stress. Chẳng hạn, thực phẩm “siêu chế biến” (như thịt chế biến sẵn, nước ngọt, bánh ngọt, bánh mì trắng và mì ống) thường chứa nhiều đường, tinh bột tinh chế và chất béo bão hòa nhưng lại ít có giá trị dinh dưỡng. Tiêu thụ nhóm thực phẩm này làm suy giảm chức năng ruột và làm tăng mức cortisol. Ngược lại, thực phẩm toàn phần từ thực vật chứa nhiều dinh dưỡng và lợi khuẩn đường ruột, nên giúp chống viêm, giảm stress, lo lắng và kiệt sức.

+ Ảnh hưởng đến chứng “sương mù não”. Khi liên tục cảm thấy đầu óc chậm chạp, mệt mỏi và mơ hồ, mọi người nên nghĩ đến nguyên nhân có thể là do sức khỏe đường ruột suy giảm. Bác sĩ tiêu hóa người Mỹ Eddie L. Copelin II cho biết: “Hệ vi khuẩn đường ruột giúp kết nối giữa môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Sự mất cân bằng hệ khuẩn ruột có thể dẫn đến chứng sương mù não, đau đầu, đầy hơi, ngất xỉu do kém hấp thu dưỡng chất và mất nước do tiêu chảy”.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Annals of Gastroenterology, đường ruột khỏe mạnh là yếu tố bắt buộc để có chức năng nhận thức khỏe mạnh. Các vấn đề tiêu hóa thường gặp có thể dẫn đến tinh thần kém minh mẫn bao gồm: bệnh Celiac, bệnh Crohn, sự phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non (SIBO), hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh viêm ruột (IBD).

+ Suy giảm chức năng nhận thức và sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cureus đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe đường ruột và việc gia tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và rối loạn nhận thức. Chẳng hạn, hệ khuẩn đường ruột tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ và cách trục thần kinh não - ruột hoạt động trong việc kiểm soát một số vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, bệnh liệt dạ dày có thể tổn hại sức khỏe tâm thần, do nó giữ lại thức ăn trong dạ dày lâu hơn bình thường mới đẩy đến ruột non, ảnh hưởng đến trục kết nối ruột - não. Các triệu chứng chính của bệnh liệt dạ dày gồm: buồn nôn, nôn, dễ cảm thấy no hoặc no lâu, ợ hơi, chướng bụng và đau bụng. Bác sĩ Copelin cho biết bệnh liệt dạ dày khiến người bệnh cảm thấy no, không muốn ăn và dễ sụt cân. Ở chiều ngược lại, các bệnh tâm lý - như trầm cảm và sức khỏe tâm thần kém - cũng làm giảm cảm giác thèm ăn và chậm tiêu hóa. 

+ Kích hoạt quá trình thoái hóa thần kinh. Theo báo cáo đăng trên Tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience, viêm ruột mãn tính có thể dẫn đến viêm não và các bệnh thoái hóa thần kinh. Bác sĩ chuyên khoa ung thư Liudmila Schafer giải thích rằng, chức năng đường ruột kém góp phần làm khởi phát chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), rối loạn lưỡng cực, rối loạn trầm cảm nặng, hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson) và tâm thần phân liệt thông qua hàng ngàn tỉ tế bào vi sinh vật sống trong thành ruột. Các tế bào này giải phóng các hóa chất hóa tác động đến hệ miễn dịch, qua đó ảnh hưởng hệ thần kinh.

Bổ sung probiotic giúp đảo ngược chứng trầm cảm

Đây là phát hiện vừa được các nhà khoa học Thụy Sĩ công bố trên Tạp chí Translational Psychiatry, sau khi nghiên cứu tác động của lợi khuẩn probiotic (những vi khuẩn “tốt” có trong thực phẩm lên men) trên bệnh nhân trầm cảm.

Theo đó, các chuyên gia đã chia bệnh nhân trầm cảm điều trị nội trú thành 2 nhóm để quan sát, gồm một nhóm bổ sung probiotic và một nhóm dùng giả dược trong 31 ngày, song song với thuốc chống trầm cảm. Kết quả các lần kiểm tra sau đó cho thấy, mặc dù cả hai nhóm bệnh nhân đều giảm triệu chứng trầm cảm, nhưng nhóm dùng probiotic có sự cải thiện lớn hơn nhóm dùng giả dược. Ngoài ra, kết quả phân tích mẫu phân của nhóm dùng probiotic cho thấy lượng vi khuẩn axít lactic tăng lên thì triệu chứng trầm cảm của họ giảm xuống.

AN NHIÊN (Theo Best Life, SciTechDaily)

Chia sẻ bài viết