16/10/2008 - 20:56

Thị trường hoa kiểng Bến Tre

Sức hút mới từ kiểng thú, kiểng hình...

Huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các loại trái cây ngon và là vùng nhân giống cây lớn nhất cả nước mà còn được mệnh danh là “vương quốc” các loại hoa kiểng. Không ngừng sáng tạo, các nghệ nhân còn làm say đắm lòng người với những hoa kiểng hình thú được xem là nét độc đáo riêng ở xứ này. Những sản phẩm kiểng hình thú, đồ vật không chỉ được ưa chuộng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà còn là mặt hàng đang được tiêu thụ mạnh cả nước và ở thị trường nước ngoài.

* Hấp dẫn do mới lạ

Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, các nghệ nhân đã nghĩ ra việc làm các loại kiểng thú, kiểng hình. Đây là loại kiểng mà ai nhìn vào đó cũng có thể hình dung ra hình thế của các con thú, đồ vật. Trước đây, kiểng thú ở Chợ Lách được làm chủ yếu bằng cây bùm sụm, do loại cây này có thân dẻo dễ uốn. Nhưng cây bùm sụm có thân nhỏ, chậm phát triển và mau chết. Sau đó một số nghệ nhân ở Chợ Lách đã sử dụng cây mai trắng lá nhuyễn để làm kiểng thú. Song, cây mai trắng cũng “khó nuôi” giống như cây bùm sụm. Lúc đầu các loại kiểng thú được làm chủ yếu là những con vật quen thuộc như: hươu, nai và các con vật trong 12 con giáp. Ngày nay, với việc sử dụng cây si để uốn kiểng thú, Chợ Lách đã có sự đột phá mới cả về quy mô lẫn chất lượng và đa dạng về mẫu mã. Hiện nay, các nghệ nhân dùng cây si có thể làm được hình dáng những con thú rất lớn theo yêu cầu của khách hàng như: hươu, nai, khủng long, cá hóa long: cao 3-4m, rồng dài 30-40m. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn sử dụng cây si để uốn thành các loại kiểng hình như: nhà lục giác, nhà bát giác; hồ lô, bình bông, ấm trà, hình tháp Eiffel,... Điều đặc biệt là các loại kiểng thú, kiểng hình làm từ cây si để được lâu năm và càng lâu năm càng đẹp. Ông Năm Công (Nguyễn Văn Công) ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, là một trong những nghệ nhân đầu tiên sử dụng cây si làm kiểng thú, cho biết: “Trước đây, các bậc tiền bối làm kiểng thú bằng cây bùm sụm nên chỉ làm được những con thú nhỏ và cây dễ bị chết. Sau đó tôi có thử chuyển sang dùng cây mai lá nhuyễn nhưng cây này cũng không bền. Từ khi chuyển sang làm kiểng thú bằng cây si Nhật tôi thấy rất hiệu quả, vì cây si sinh trưởng nhanh, sống tốt trong những điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau, nên dễ chăm sóc và dưỡng chơi được lâu năm. Cây si trồng khoảng 3 năm là có thể dùng làm vật liệu để uốn kiểng thú, kiểng hình. Cây si có lợi thế là phát triển nhanh, dễ chăm sóc hơn các loại khác, không tưới nước vài ngày cây vẫn chịu được. Cây si chịu nắng giỏi mà chịu lạnh cũng hay, ở những vùng gần biển đất bị nhiễm mặn cây vẫn sống tốt”.

  Nhà lục giác được làm bằng cây si.

Hiện sản phẩm kiểng thú, kiểng hình làm bằng cây si ở Chợ Lách có giá thành từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/một sản phẩm nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Cụ thể, bộ kiểng thú 12 con giáp đang ở mức khoảng 25-30 triệu đồng/bộ; nhà lục giác, nhà bát giác giá thấp nhất từ 8-10 triệu đồng/cái. Cá hóa long (cao khoảng 3,5m) 5 triệu đồng/cặp; rồng (3-4m) khoảng 4 triệu đồng/cặp; hồ lô (cao 2m) 3 triệu đồng/cặp; bình bông (cao 3,5m) 8 triệu đồng/cặp; nai 3-3,5 triệu đồng/cặp.

* Ngày càng được ưa chuộng

Hiện nay, kiểng thú, kiểng hình làm bằng cây si đang ngày càng được các khu du lịch và nhà hàng, khách sạn, quán cà phê rất ưa chuộng. Gia đình ông Năm Công đang trồng 1 ha cây si để làm vật liệu sản xuất kiểng thú, kiểng hình nhưng vẫn không đủ, phải mua thêm cây si của các hộ dân khác. Năm 2007, ông Năm Công đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 250 sản phẩm kiểng thú, kiểng hình. Năm 2008 này ông dự kiến sẽ sản xuất và tiêu thụ từ khoảng 400-500 sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của ông không chỉ được tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL như TP Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp mà còn ở cả các tỉnh miền Đông, miền Trung như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng. Một số Việt kiều về nước cũng đến tìm mua sản phẩm của ông. Tết năm 2007, ông Năm Công đã thiết kế và làm thử mẫu nhà lục giác bằng cây si (nhà cao 3,5m được làm từ khoảng 80 nhánh cây si ghép lại). Mẫu nhà được thiết kế đủ rộng để đặt bộ bàn ghế, khi trời nắng ngồi trong nhà này có cảm giác rất mát mẻ. Vì vậy, khi đưa ra thị trường mẫu nhà lục giác đã được các khu du lịch và nhà hàng khách sạn rất ưa chuộng và đặt mua. Tiếp theo, ông thiết kế cho ra thêm mẫu nhà bát giác, sau đó là các mẫu kiểng hình bộ ấm trà, bình bông, hoa sen, 12 con giáp... và được các khu du lịch đặt hàng làm liên tục. Ông Năm Công bộc bạch: “Làm kiểng bon-sai bán có giá trị cao nhưng phải làm thời gian lâu, có khi một gốc kiểng phải nuôi và chăm chút mấy chục năm. Còn làm kiểng thú, kiểng hình này ít tốn thời gian hơn, vì nếu có sẵn nguồn cây si có thể làm trong một vài tháng là bán sản phẩm được. Từ 2 năm nay tôi đã chuyển sang làm kiểng thú, kiểng hình, không còn làm bon-sai nữa. Làm kiểng thú có cái khó là đến giờ hầu như vẫn chưa có sách vở và thầy dạy. Muốn làm được kiểng thú và kiểng hình này đòi hỏi phải tốn rất nhiều công phu và phải có năng khiếu. Sản phẩm không chỉ tạo ra hình dáng mà còn phải thiết kế có “hồn”. Đây là điều nói thì dễ nhưng làm rất khó”.

Thấy mô hình ông Năm Công mang lại hiệu quả, hiện một số nghệ nhân khác trong xã và huyện cũng đã làm theo và được nhiều khách hàng đặt mua. Tuy nhiên, hiện số lượng cơ sở làm kiểng thú và kiểng hình trong huyện vẫn còn ít và chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Nguyễn Tấn Thành ở ấp Cái Tắc, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi đã bắt đầu làm kiểng thú và kiểng hình bằng cây si, nhưng do mới khởi đầu nên còn làm ít, khoảng 10-20 sản phẩm. Riêng từ đầu năm 2008 đến nay đã làm và bán được 30 sản phẩm như: Nhà lục giác, bát giác, rồng, cá hóa long, nai, tháp... Trong đó chủ yếu là nhà lục giác. Hiện nay, ba anh em chúng tôi hùn vốn lại, mỗi tháng làm được vài sản phẩm. Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ làm thêm khoảng 20 sản phẩm các loại nữa. Nếu có mẫu, chúng tôi có thể làm được sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết