05/11/2022 - 08:21

Sự trỗi dậy của ông Netanyahu và phe cực hữu 

MAI QUYÊN (Theo Aljazeera, BBC)

Cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ảnh) đã có sự trở lại ngoạn mục dựa vào ủng hộ của các đồng minh cựu hữu, một phái chính trị vốn bị giới tinh hoa Israel xa lánh.

Ngày 1-11, Israel tổ chức bầu cử quốc hội lần thứ năm trong vòng chưa đầy 4 năm. Sau kỳ bầu cử năm 2019 được đánh giá là cuộc trưng cầu dân ý chấm dứt “kỷ nguyên” của ông Netanyahu trên cương vị Thủ tướng trong hơn 12 năm liên tiếp, bầu cử diễn ra thường xuyên hơn ở Nhà nước Do Thái nhưng phần lớn đều có chung kết quả là không tạo ra chính phủ ổn định và dẫn tới sụp đổ.

Nhưng lần này thì khác. Với số phiếu đã được kiểm, khối cực hữu của ông Netanyahu giành thế đa số với 64 trên tổng số 120 ghế của Quốc hội Israel trong khi liên minh của Thủ tướng lâm thời Yair Lapid chỉ giành được 51 ghế. Kết quả trên đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất Israel, đồng thời chấm dứt thế bế tắc chính trị khiến Tel Aviv tê liệt 3 năm rưỡi qua. Nó cũng khép lại một trong những chính phủ bất thường nhất trong lịch sử Nhà nước Do Thái khi các đảng cánh tả, cánh hữu và phái trung dung bắt tay nhau vào mùa hè năm ngoái nhằm đẩy ông Netanyahu khỏi quyền lực và buộc chính trị gia 73 tuổi phải hầu tòa vì những cáo buộc mà ông phủ nhận.

Sự trỗi dậy của phe cực hữu

Sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Lapid đã gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Netanyahu, đồng thời chỉ đạo các trợ lý chuẩn bị chuyển giao quyền lực một cách bài bản. “Nhà nước Israel đứng trên mọi toan tính chính trị. Tôi chúc ông Netanyahu thành công vì lợi ích của nhân dân và nhà nước Israel” - ông Lapid khẳng định. Trái với thái độ chấp nhận này, các đối thủ của ông Netanyahu đã bày tỏ cảm xúc thất vọng trên mạng xã hội khi đồng loạt đăng tải dòng thông điệp “Ðất nước không có tương lai”, đến mức cụm từ này trở thành xu hướng trên Twitter ở Israel.

Theo giới quan sát, sự trở lại của người từng lãnh đạo Israel trong hơn một thập kỷ không phải “cú sốc” quá lớn, thay vào đó là thành công đáng kinh ngạc của những người theo chủ nghĩa tối cao Do Thái, chống Arab và kỳ thị đồng tính nằm trong liên minh của ông Netanyahu. Khối này được thành lập từ 3 đảng gồm Quyền lực Do Thái do ông Itamar Ben Gvir lãnh đạo, Liên minh Quốc gia của ông Bezalel Smotrich và đảng Noam chống LGBTQ (đồng tính, song tính, chuyển giới và bản dạng giới khác biệt).

Chiến thắng khiến Mỹ đau đầu

Trong một tuyên bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẵn sàng làm việc với Chính phủ Israel ở bất kỳ hình thức nào dựa trên “mối quan hệ lịch sử và các giá trị chung”. Washington hy vọng “tất cả quan chức nội các dự kiến nhậm chức của Israel tiếp tục chia sẻ các giá trị của xã hội cởi mở và dân chủ, đặc biệt là đối với các nhóm thiểu số”. Tuy nhiên, sự hiện diện của phe cánh hữu cực đoan trong nội các mới của Israel được dự báo làm phân cực hơn nữa quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc, từ đó đặt ra thách thức ngoại giao tiềm tàng đối với Washington, làm căng thẳng quan hệ với người Palestine cùng các đồng minh phương Tây và đối tác Arab của Israel.

Ðáng chú ý trong đó là đảng Quyền lực Do Thái, hậu duệ ý thức hệ của một nhóm cực đoan từng bị Israel và Mỹ đưa vào danh sách theo dõi khủng bố. Chủ tịch đảng Ben-Gvir, người đang muốn giữ chức vụ bộ trưởng an ninh công cộng Israel, cũng từng bị kết án tù vào năm 2007 vì hỗ trợ khủng bố và kích động phân biệt chủng tộc. Cùng với ông Smotrich muốn trở thành bộ trưởng quốc phòng, Ben-Gvir là người mà ngay cả những chính trị gia cánh hữu Israel khác cũng không muốn hợp tác. Trong suốt chiến dịch tranh cử vừa rồi, cả hai ông Ben-Gvir và Smotrich đã thể hiện quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan đáng lo ngại khi một người kêu gọi trục xuất những công dân bị coi là “không trung thành” và ưu tiên nới lỏng các quy tắc giúp quân đội Israel dễ dàng sử dụng vũ lực sát thương chống lại người Palestine, trong khi người còn lại kêu gọi loại trừ tính hợp pháp của các đảng chính trị Arab.

Chia sẻ bài viết