07/06/2022 - 12:39

Sự phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản 

Trên thị trường phim ảnh quốc tế, phim hoạt hình Nhật vẫn giữ vị trí khó thay thế. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản duy trì nhịp phát triển và mang về không ít lợi nhuận. Với nhu cầu ngày càng cao từ khán giả toàn cầu, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản đang phải chạy hết công suất.

Ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản rất ít chịu tác động từ bên ngoài. Cụ thể trong đợt dịch COVID-19 năm 2020, nhiều thị trường điện ảnh bị tác động mà điển hình là tổng doanh thu phòng vé của Mỹ giảm 80%, hay thị trường điện ảnh của Nhật Bản cũng sụt giảm 45%; nhưng ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản chỉ giảm 3,5%. Nhiều phim hoạt hình vẫn giữ sức hút phòng vé. Tiêu biểu như “Demon Slayer the Movie: Mugen Train” (ảnh) đã mang về 504 triệu USD doanh thu toàn cầu, cũng là phim điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới năm 2020. Năm 2021, nhiều phim hoạt hình như: “Evangelion: 3.0+1.0: Thrice Upon A Time”, “Detective Conan: The Scarlet Bullet, Belle”, “Jujutsu Kaisen 0”… đều có doanh thu phòng vé cao. Theo công ty tư vấn Parrot Analytics, nhu cầu toàn cầu cho nội dung hoạt hình đã tăng 118% trong 2 năm qua. Nội dung hoạt hình cũng tăng trưởng nhanh nhất trong đại dịch. Tại Nhật, tổng giá trị thị trường của ngành công nghiệp hoạt hình nước này đã tăng gấp đôi so với trước kia, lên đến 22,1 tỉ USD.

Sự tăng trưởng này được lý giải do sự mở rộng thị trường khách hàng thông qua các dịch vụ trực tuyến. Hơn một nửa người dùng đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến xem nội dung hoạt hình. Điều này khiến các hãng chuyển hướng đầu tư. Cụ thể, Netflix sẽ ra mắt khoảng 40 phim hoạt hình chỉ trong năm nay. Còn Disney+ đang trong giai đoạn đẩy mạnh xuất bản các tựa hoạt hình gốc. Hulu và Amazon Prime Video tiếp tục mở rộng danh sách phim hoạt hình Nhật Bản.

Sự bùng nổ về nội dung hoạt hình khiến nhiều công ty cũng ồ ạt đầu tư cho ngành này. Sony Pictures đã mua lại Crunchyroll, một trong những kênh phát trực tuyến của Mỹ chuyên hoạt hình Nhật Bản lớn nhất thế giới. Sau đó, Sony Pictures đã hợp nhất Crunchyroll với Funimation - dịch vụ phát trực tuyến hoạt hình vốn có của công ty đầu tư đa dạng hơn. AMC Networks đã thu mua Sentai Holdings - nhà cung cấp nội dung hoạt hình và vật phẩm liên quan toàn cầu.

Sự bùng nổ nội dung phim hoạt hình mang đến nhiều cơ hội mới cho những người hoạt động trong ngành. Theo đó, kinh phí sản xuất phim hoạt hình đã tăng lên từ 1,5-3 lần so với trước kia; góp phần thúc đẩy các nhà sản xuất, họa sĩ gia tăng sự sáng tạo. Nhà sản xuất phim hoạt hình Genki Kawamura, nói: “Càng ngày càng có nhiều người xem phim hoạt hình, tạo cơ hội cho các họa sĩ sáng tạo”. Trong khi đó, Kohei Obara, Giám đốc sáng tạo hoạt hình Nhật Bản của Netflix, cho biết ước tính hiện nay Nhật Bản có khoảng 5.000 họa sĩ và nhà sáng tạo hoạt hình đang làm việc, nhưng đều quá tải. Quy mô ngành và số lượng nhân công vẫn chưa kịp thích ứng. Bởi vì ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật vốn có quy mô nhỏ, hướng đến thị trường nội địa là chính. Thêm vào đó, ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật vẫn chuộng sản xuất thủ công nên rất khó mở rộng bởi nhân lực không đủ.

BẢO LAM (Theo Hollywood Reporter)

Chia sẻ bài viết