27/08/2022 - 09:09

Sứ mệnh của ông Macron trong chuyến thăm Algeria 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 25-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Algeria trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày tới quốc gia Bắc Phi trong nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương sau những căng thẳng gần đây liên quan đến các vấn đề lịch sử.

Tổng thống Pháp Macron (trái) bắt tay người đồng cấp Algeria Tebboune tại phủ tổng thống ngày 25-8. Ảnh: AFP

Đây là chuyến thăm chính thức thứ hai của ông Macron đến Algeria sau chuyến công du hồi cuối năm 2017. Lần này, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã ra sân bay đón ông Macron và hai nguyên thủ đến viếng đài tưởng niệm các binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập của đất nước, kết thúc hơn 130 năm đô hộ của Pháp vào năm 1962.

“Chúng ta có quá khứ chung đau thương, phức tạp và đôi lúc điều này ngăn cản chúng ta hướng tới tương lai”, Tổng thống Macron phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Algeria tại phủ tổng thống ở thủ đô Algiers. Về phần mình, Tổng thống Tebboune cho rằng chuyến thăm của ông Macron mang đến “những kết quả đáng khích lệ” và hy vọng chuyến thăm sẽ “mở ra viễn cảnh mới cho sự hợp tác với Pháp”. Lãnh đạo hai nước cũng đã thảo luận về những giải pháp tạo sự ổn định cho Libya, vùng Sahel và khu vực tranh chấp Tây Sahara.

Chuyến thăm của ông Macron diễn ra trong bối cảnh quan hệ với Algeria đang căng thẳng. Quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi vào cuối năm 2021 sau khi những bình luận của ông Macron về lịch sử của Algeria dẫn đến rạn nứt ngoại giao. Theo tờ Le Monde, chủ nhân Ðiện Élysée được cho là đặt câu hỏi về sự tồn tại của Algeria với tư cách là một quốc gia trước khi người Pháp hiện diện tại nước này vào năm 1830, đồng thời cáo buộc những người nắm quyền viết lại lịch sử và kích động “sự thù hận đối với Paris”. Ðáp lại, Algiers rút đại sứ của mình khỏi Paris, đồng thời cấm các máy bay quân sự của Pháp vào không phận nước này, làm phức tạp sứ mệnh quân sự của Pháp tại vùng Sahel.

Trước đó, Tổng thống Macron cũng đã từ chối đưa ra bất cứ lời xin lỗi chính thức nào vì chiếm đóng Algeria hoặc cuộc chiến 8 năm kết thúc sự cai trị của Pháp. Thay vào đó, ông Macron có “những hành động mang tính biểu tượng” nhằm thúc đẩy việc tái hòa giải.

Thật ra, ông Macron đã nhiều lần nỗ lực “lật sang trang mới” trong quan hệ với cựu thuộc địa này. Ðầu năm 2017, trước khi đắc cử tổng thống, chính khách trẻ tuổi đã mô tả những hành động của Pháp trong cuộc chiến ở Algeria giai đoạn 1954-1962 là “tội ác chống lại loài người”. Tuyên bố này giúp ông Macron được yêu mến tại Algeria nhưng lại gây tranh cãi chính trị ở Pháp, nơi nhiều người phản đối việc thể hiện sự ân hận.

Các nhà sử học Pháp cho rằng 500.000 dân thường và chiến sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến giành độc lập của Algeria, trong đó 400.000 nạn nhân là người Algeria. Giới chức Algeria thì nói số người chết là 1,5 triệu. Năm ngoái, văn phòng của Tổng thống Tebboune cho biết hơn 5,6 triệu người Algeria đã chết trong giai đoạn bị Pháp đô hộ.

Tìm thêm khí đốt ở châu Phi

Mặc dù Paris lưu ý rằng khí đốt không phải là ưu tiên chính trong chuyến thăm của ông Macron, nhưng mức độ liên quan của sự kiện này đối với chính sách năng lượng của Pháp đã được nhấn mạnh bởi sự tháp tùng của Giám đốc điều hành tập đoàn điện lực Engie trong chuyến công du. Theo số liệu từ Bộ Tài chính Pháp, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Algeria đã tăng 87% từ giữa năm 2021 đến quý I/2022. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên thậm chí còn tăng 168% trong cùng kỳ.

Sự quan tâm của Pháp đối với thị trường khí đốt Algeria có thể được giải thích là do Liên minh châu Âu (EU) ngày càng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga sau xung đột ở Ukraine. Giá khí đốt đã đạt mức cao nhất mọi thời đại ngày 23-8, leo lên 290 euro/MWh trên thị trường TTF của Hà Lan.

Ðể giải quyết vấn đề giá khí đốt leo thang, các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Ðức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi, gần đây đã thực hiện một loạt chuyến thăm nhằm ký kết thỏa thuận hợp tác mới với các nước châu Phi hoặc tìm kiếm những thỏa thuận mới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Algeria, nước hiện cung cấp khoảng 10% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu, khó có thể tăng thêm sản lượng lên nhiều lần. Algeria là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất của châu Phi với những đường ống dẫn trực tiếp sang Tây Ban Nha và Ý.

Chia sẻ bài viết