Nói đến Đồng bằng sông Cửu Long là nói đến một thời kỳ lịch sử khai phá đất mới đầy khó khăn gian khổ. Khi đến vùng đất này, những lưu dân gặp cảnh tượng hoang vu, những rừng cây rậm rạp, những đầm bưng lau sậy chằng chịt... phải đối mặt với biết bao thử thách khắc nghiệt. Thực tế đó được phản ánh khá sinh động trong nhiều câu chuyện dân gian.
Trước hết, dịch bệnh là mối hiểm họa mà con người thời bấy giờ chỉ còn biết trông mong vào ông trời. Dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của con người. Trong truyện “Gốc tích địa danh Cao Lãnh” ghi nhận:
“Vào năm Canh Thìn (1820) tại thôn Mỹ Trà, dân chúng bị bệnh dịch tả chết nhiều. Ngày nào cũng có năm bảy người, có khi mười người, có nhiều gia đình chết gần hết. Tiếng kêu khóc vang khắp, cảnh chôn xác người một cách hối hả diễn ra suốt ngày, ban đêm tiếng mõ hồi một cầu cứu nổi lên từng chặp...”.
 |
Người dân Nam bộ xưa thờ Ông Cọp bộc lộ nỗi sợ hãi trước thiên nhiên. Trong ảnh: Đình thần Xà Phiên (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) với hình tượng “Ông Cọp” trước cửa. |
Thời ấy, người dân rất tin vào ma quỷ thánh thần. Họ cho rằng dịch bệnh như thế là do Diêm vương đi bắt lính, người nào tới số thì xem như “bó tay”, không phương cứu chữa. Từ tâm lý chịu thua với dịch bệnh cũng như điều kiện thuốc men còn thiếu thốn nên đây là một nỗi lo canh cánh của người dân. Họ luôn sợ phải đối mặt với hiểm họa này.
Những lưu dân còn phải đương đầu với thiên tai hạn hán, lũ lụt khiến cho đời sống của họ lầm than vô hạn:
“Năm ấy hạn hán kéo dài, ròng rã mấy tháng hè trời chưa đổ một cơn mưa. Các khe suối cạn khô,...”.
(Sự tích núi Bà Đội Om)
“Trước đây ở vùng Trà Vinh, hàng năm cứ đến mùa khô, nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ héo khô, đời sống nhân dân rất cơ cực”.
(Sự tích ao Bà Om)
Người lưu dân trong công cuộc khai hoang còn phải chống chọi với thú dữ. Thú dữ cũng là một thế lực luôn cản trở công việc làm ăn sinh sống và đe dọa con người. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đến nay còn lưu truyền những nhận xét:
Xuống sông hốt trứng sấu
Lên rừng xỉa răng cọp
Và:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua
Những hiểm nguy của thiên nhiên phần nhiều được phản ánh trong các truyện kể dân gian. Đáng sợ nhất là con người phải thường xuyên đối mặt chống chọi với thú dữ: cọp, beo, cá sấu, rắn, rết,... Những lưu dân từ phương xa với thân phận nổi trôi, lưu lạc phải đối mặt với cái vắng vẻ hoang sơ, ẩn chứa biết bao hiểm nguy chết chóc. Vì thế, truyện dân gian Nam bộ nói chung thường nhắc nhiều về những hiểm họa. Tác giả Nguyễn Phương Thảo trong “Văn hóa dân gian Nam Bộ - Những phác thảo” viết: “Bởi vậy thiên nhiên hoang vu của thời khai phá xuất hiện trong các tác phẩm folklore mang tính lịch sử. Đó là thế giới của những loài vật như cọp trên bờ, cá sấu dưới sông, ma trên rừng. Đến với những tác phẩm ấy chúng ta dễ có cảm giác như gặp lại thời khai phá gian lao của những thế hệ tiền nhân...” (trang 65)
Đối diện với thực tế, mỗi người mỗi cảnh, mỗi nơi gặp những nguy hiểm khác nhau và điều đó được nhân dân phản ánh khá sâu sắc và sinh động vào trong truyện. Người ở ven rừng thì chạm trán cọp, beo, heo rừng, còn kẻ ở đồng bằng thì phải đối mặt với cá sấu, rắn rết. Những người đi khai khẩn luôn sống trong tâm lý dè chừng, sợ hãi: “Khi vùng Cao Lãnh mới được khai phá, dân chúng chỉ tập trung ở ven sông, phần đất còn lại là rừng hoang, cây cối rậm rạp đầy thú dữ...” (Sự tích miễu Trời Sanh). “Dưới sông có con cá sấu rất lớn thường ăn thịt người nên trong vùng ai cũng sợ...” (Sự tích miếu Ông Cù). Từ tâm lý sợ sệt này khiến: “Mỗi khi làng Phú Nhuận cúng lễ Kỳ Yên hàng năm phải hiến cho bọn rắn mấy con heo trắng mới yên chuyện” (Sự tích rạch Cái Rắn). Mà không thể không sợ khi mà đời sống của người dân thường trực những cảnh: “Hàng năm, vào đầu tháng mười một đến tháng chạp là mùa chúa sơn lâm tụ họp về đây. Những tháng này trong rừng cọp ơi là cọp. Cọp đi thành đoàn từ bảy đến tám con, xóm làng xa gần đều có cọp đến viếng, không sợ gì người. Chúng bắt heo, bò, chó... dấu chân cọp giẫm nát quanh xóm” (Eo Ông Từ). Dường như trên mỗi bước đường mở đất của ông cha ta đều có dấu vết của những loài thú dữ. Buổi đầu thiên nhiên hoang vắng, rừng cây rậm rạp không đẩy lùi được con người thì thú dữ cũng tàn bạo mà thách thức, đe dọa với quyết tâm đánh bật con người ra khỏi lãnh thổ của chúng. Có truyện, sức mạnh của chúng còn được nâng lên thành sức mạnh quỷ thần.
Để mở đất, để có nơi dung thân, người lao động phải đánh đổi cả mồ hôi nước mắt và cả máu. Bởi họ là những người cùng đường, không có con đường nào khác để lựa chọn, đã lâm vào thế “tấn thoái lưỡng nan”. Con người phải đánh cược cả tính mạng của mình để có thể khắc phục được thiên nhiên mà an cư lạc nghiệp. Người bình dân có hàng loạt những câu chuyện kể về những cuộc đấu tranh giữa con người và thú dữ: đó là chuyện cô Cư phải bỏ mạng trong cuộc chiến với bầy cọp hung ác (Sự tích rạch Mồ Thị Cư), hay một ông thầy thuốc rắn từ phương xa vì muốn giúp đỡ dân làng Phú Nhuận mà phải đánh đổi tính mạng (Sự tích rạch Cái Rắn), một bà mẹ vì muốn trả thù cho con mà phải bị sấu ăn thịt (Sự tích rạch Bỏ Lược),... Các cuộc chiến đó, có khi con người chiến thắng, thuần phục được thú dữ, nhưng cũng có nhiều người phải mất mạng. Có thể nói rằng xuyên suốt các truyện dân gian ở Đồng bằng sông Cửu Long nổi rõ lên sự khắc nghiệt, hoang vu và mối hiểm họa tày trời của thú dữ thời mở đất...
Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, mà con người gặp phải trong quá trình khai hoang đồng bằng này thật ghê gớm. Nhưng chúng tôi cho rằng “ghê gớm” hơn cả là bản lĩnh và ý chí kiên cường của ông cha ta đã vượt qua bao hiểm nguy, gian khó để tìm và xây dựng cuộc sống bình yên lưu truyền cho con cháu đến bây giờ.
Hiểu về vùng đất và con người, về những gian lao mà các bậc tiền nhân gặp phải trong quá trình khai phá vùng đất phía Nam Tổ quốc, thế hệ hôm nay thêm biết ơn và trân trọng cha ông.
Bài, ảnh: ĐẶNG DUY KHÔI
........................
Sách trích dẫn:
1. Văn học dân gian Bạc Liêu, Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005.
2. Nam Kì cố sự, Nguyễn Hữu Hiếu, NXB Đồng Tháp, 1997.