08/08/2014 - 15:45

Sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất

Vừa qua, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại cộng đồng, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng. Tại đây, các diễn giả cung cấp nhiều thông tin thiết thực, bổ ích về tình hình dịch bệnh, phòng, chống bệnh SXH mùa mưa.

* Việt Nam đứng đầu thế giới về bệnh SXH

Mở đầu buổi tọa đàm, bác sĩ CKII Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, bình quân 1 năm, nước ta có 100.000 ca mắc SXH và 100 ca tử vong vì căn bệnh này. Đây là căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất. Trong đó 70% trường hợp mắc và 80% ca tử vong nằm ở khu vực miền Nam. So với các nước trên thế giới, Việt Nam đứng đầu về số mắc SXH. Từ đầu năm 2014 đến ngày 28-7-2014, TP Cần Thơ ghi nhận 200 ca mắc SXH (giảm 97 ca so với cùng kỳ); trừ quận Ô Môn, các quận, huyện còn lại có ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ. Riêng quận Cái Răng ghi nhận 35 ca, không có tử vong (so với cùng kỳ giảm 3 ca). Tuy số ca mắc bệnh giảm so với cùng kỳ nhưng nếu tính trên 100.000 dân thì quận Cái Răng có tỷ lệ số ca mắc bệnh SXH cao nhất thành phố.

Người dân đặt câu hỏi với diễn giả tại buổi tọa đàm.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, SXH do muỗi vằn truyền vi-rút từ người bệnh sang người lành; trước đây, người dân thường gọi là ban đen. Bệnh này không những ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân mà còn gây tốn kém cho gia đình người bệnh và kinh phí của nhà nước chi công tác phòng, chống dịch bệnh SXH (hóa chất, trang thiết bị…). Nếu phòng, chống dịch bệnh SXH không tốt còn ảnh hưởng đến phát triển KT-XH địa phương. Vì sao căn bệnh này thường xảy ra ở trẻ em từ 2-15 tuổi? Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, gia đình chăm sóc kỹ, không để bị muỗi cắn; trong khi trẻ trên 2 tuổi biết đi đứng, chạy nhảy khắp nơi, rất dễ bị muỗi cắn và dễ bị bệnh SXH hơn các đối tượng khác. Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Thắng, Quyền Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP Cần Thơ, cho biết: "Bệnh SXH đặc biệt nguy hiểm do lây truyền nhanh, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Hiện bệnh chưa có thuốc dự phòng và điều trị đặc hiệu".

Đúng với tên gọi, bệnh SXH ban đầu với biểu hiện sốt, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng…Theo bác sĩ CKII Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, nếu trẻ bị SXH nhẹ thì bác sĩ cho trẻ điều trị ngoại trú tại nhà. Gia đình lưu ý cho trẻ mặc đồ mỏng, nằm nghỉ nơi thoáng mát, uống thuốc hạ sốt, lau mát bằng nước ấm, cho trẻ dùng thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội, nước trái cây hoặc dung dịch oresol). Tuy nhiên, không nên cho trẻ dùng thức ăn, uống nước có màu đỏ, đen vì khi trẻ bị nôn ói khó phân biệt thức ăn hay máu. Bác sĩ Bùi Hùng Việt khuyến cáo, các dấu hiệu trẻ có thể bị SXH nặng: mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh, nôn ói nhiều, chảy máu chân răng, đau bụng, đau hạ sườn phải… và cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Sốt thường từ ngày thứ hai đến ngày thứ bảy (ngày 24h) và bệnh có dấu hiệu nặng từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu. Trẻ có thể vào sốc, diễn tiến nặng nên gia đình cần lưu ý, theo dõi trẻ kỹ lưỡng để khi có dấu hiệu nặng, kịp thời đưa đến bệnh viện.

* Phun hóa chất rất tốn kém mà có thể lờn thuốc

Bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng thường vào mùa mưa do muỗi vằn thích đẻ trứng trong nước sạch, nhất là nước mưa. Ngoài ra, những vật dụng quanh nhà như: lu, hũ, vật phế thải…bị đọng nước mưa. Từ đó, muỗi đẻ trứng, phát triển thành lăng quăng, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển mạnh, truyền bệnh SXH. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến người dân cho rằng, cơ quan chức năng nên thường xuyên phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh SXH. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa lý giải: Chi phí mỗi lần phun hóa chất diệt muỗi toàn quận Cái Răng khoảng 10 tỉ đồng. Muỗi sẽ chết nhưng 10 ngày sau, lăng quăng phát triển thành muỗi. Phun hóa chất thường xuyên không những rất tốn kém mà có thể xảy ra tình trạng lờn thuốc nên chỉ phun thuốc khi dịch bệnh SXH xảy ra, để có thể diệt muỗi mang mầm bệnh SXH. Giải pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất là diệt lăng quăng (muỗi đẻ trứng, trứng phát triển thành lăng quăng, nhộng, rồi thành muỗi). Muốn diệt lăng quăng, người dân đậy kín các dụng cụ chứa nước, súc rửa lu, khạp, bình hoa…; thả cá vào lu, khạp, hồ chứa nước. Mặt khác, cần dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, thu gom vật phế thải, khai thông chỗ đọng nước quanh nhà… Người dân có thể diệt muỗi bằng nhiều cách như: dùng vợt điện, nhang muỗi… ; phòng muỗi cắn bằng cách mặc quần áo dài, ngủ mùng (ban ngày và ban đêm), thoa thuốc phòng muỗi cắn…

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết