Có phải mê câu thơ nổi tiếng của Phạm Thiên Thư “Sông này chảy một dòng thôi / Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông” mà tôi mê mải tìm kiếm những dòng sông chốn xa xăm. Ở những nơi đó con người sống bao dung như sông, không khen chê chọn lựa, khát khao lãng du với hành trình vô định. Trong bao miền sông thầm lặng chảy qua ký ức của tôi, không thể không có Tân Châu, biên giới cuối đất cùng trời, nhưng cứ gieo niềm hoài nhớ vào lòng người.
Bờ sông Tân Châu.
Đó là những ngày Tây Nam đầy nắng, chúng tôi điền dã về thị xã biên giới Tân Châu, tỉnh An Giang. Tân Châu nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, sông Hậu giáp với thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), sông Tiền giáp với tỉnh Đồng Tháp. Từ Châu Đốc sang Tân Châu phải qua phà Châu Giang. Đứng trên phà từ từ xa bờ, con sóng quấn mình theo sau, ai cũng thấy tâm hồn trải rộng cùng sông nước. Đằng xa giữa dòng là những cánh lục bình xanh biếc lững lờ, xuồng ghe di chuyển rộn ràng, ghi dấu về một miền quê thanh bình trong lòng những ai lần đầu đặt chân đến.
Theo tỉnh lộ 953, từ phà Châu Giang đến trung tâm thị xã Tân Châu dài 17km. Không khí trong lành, làng mạc yên bình, những cánh đồng vàng màu lúa chín đang đợi ngày thu hoạch… là những lời chào đầu tiên mà Tân Châu dành cho chúng tôi. Càng gần về trung tâm thị xã, phố phường càng sầm uất. Ngôi chợ mới xây dựng khang trang, sung túc, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại của đô thị trẻ. Thị xã nổi tiếng với bờ kè ven sông Tiền ôm một đường cong mềm mại đầy quyến rũ mà ai đến Tân Châu đều phải dừng chân nơi đây. Gió từ bờ sông thổi vào lồng lộng, mát lòng du khách đường xa, đánh tan oi bức sau thời gian ruổi rong trên đường đầy nắng.
Tân Châu và Châu Đốc xét ra hữu duyên. Khi người Chăm đến đây, họ đồng thời gọi Mort Chruk (nghĩa là mõm heo) chỉ làng Chăm của mình và cho cả vùng đất đối diện bên kia sông, mà nay là làng Chăm Châu Giang và thành phố Châu Đốc. Mort Chruk bắt nguồn từ Châu Giang rồi bị dùng cho Châu Đốc, hay ngược lại? Dẫu sao, chúng vẫn hữu duyên khi cùng mang một cái tên. Ở đây nên lưu ý, Mort Chruk (sử triều Nguyễn phiên âm là Mật Luật) là một cách gọi khác cho vùng đất Châu Đốc chứ không phải từ gốc của danh từ Châu Đốc hiện nay.
Năm 1757, đất Tầm Phong Long được Chúa Nguyễn Phước Khoát thu nhận, tạo thành cột mốc cuối cùng trong cuộc Nam tiến trường kỳ của dân tộc Việt. Phần lớn Tầm Phong Long là An Giang ngày nay. Cụ Nguyễn Cư Trinh lập ba đạo binh Châu Đốc, Tân Châu và Đông Khẩu (tên gọi Châu Đốc ra đời là một từ Hán Việt do ông đặt). Tân Châu đạo ban đầu đặt tại cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang) sau dời lên Tân Châu, đối diện Châu Đốc đạo bên kia sông- một lần nữa hữu duyên.
Hai địa danh ấy lại hữu duyên trong bảo vệ Tổ quốc. Bao lần giặc xâm lược biên thùy, Châu Đốc là địa điểm trọng yếu mà ta và địch đều quyết giành kiểm soát. Nhằm giúp quân ta thuận tiện tiếp ứng khi khẩn cấp, năm 1843 Vua Thiệu Trị cho đào kinh nối Châu Đốc với Tân Châu, dưới sự chỉ huy của Tuần phủ Nguyễn Tri Phương và Đốc bộ Nguyễn Công Nhàn. Kinh ban đầu có tên Long An hà, sau đổi thành Vĩnh An hà, để ghi nhớ sự hợp tác của nhân dân hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long trong quá trình đào kinh (chữ “hà” là sông, không phải tỉnh Hà Tiên như một số tài liệu viết).
Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương - Vĩnh Xương.
Nhà văn Mai Văn Tạo- người con của quê hương An Giang đã có những ánh văn đầy cảm xúc: “Kinh Vĩnh Tế như đại trường giang vượt qua ghềnh đá, rừng hoang, gò nổng vươn thẳng tới Hà Tiên. Kinh Vĩnh An nối liền sông Hậu - sông Tiền cũng đâu phải chuyện ngẫu nhiên… Hai dòng nước Vĩnh Tế, Vĩnh An là đường giao thông cấp báo cứu nguy giữ các thành Hà Tiên, Châu Đốc với các đồn bảo Giang Thành, Lạc Quới, Tân Châu. Mồ hôi và máu của lớp lớp người xưa đã quện lại trên những bờ kinh biêng biếc, trên cánh đồng xanh um rau quả xuân hè, vàng rộm lúa thu. Có thể nào quên màu xanh cây bát ngát, màu lúa vàng xao xuyến hôm nay đã trỗi dậy từ những đầm lầy hoang sơ của một thời xa khốn khó”.
Hơn một thế kỷ rưỡi, kinh Vĩnh An làm tròn trách nhiệm của mình với Tổ quốc và nhân dân. Không chỉ cung cấp phù sa cho đồng ruộng, thuận tiện giao thương hàng hóa, kinh còn là đường thủy quan trọng về quân sự. Qua thời gian, đoạn đầu kinh ở trung tâm thị xã Tân Châu đã bị lấp, bia Vĩnh An Hà ghi dấu việc đào kinh cũng bị sạt lở xuống sông Tiền và mất dấu, song hai con đường hai bên bờ kinh vẫn mang tên hai vị tướng lừng danh trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất An Giang: Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Công Nhàn.
Buổi trưa, rời trung tâm thị xã, chúng tôi vẫn tiếp tục chậm rãi theo tỉnh lộ 953, qua phà Tân An để tìm về xã biên giới Vĩnh Xương. Càng về hướng Bắc, cánh đồng càng trải ra bạt ngàn, từng đàn cò đáp xuống mặt ruộng trắng một góc trời biên tái. Nước mới rút nên mặt ruộng còn đầy phù sa, nông dân đang chuẩn bị cho mùa vụ sắp tới.
Tìm hiểu nét văn hóa ở Vĩnh Xương, không thể bỏ qua chùa Bửu Sơn Kỳ Hương - một trong những điểm tựa tinh thần hiếm hoi của cư dân biên giới. Năm 1941, ông Phạm Thanh Quang - cư sĩ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đến Vĩnh Xương truyền đạo và lập chùa bằng tre lá. Năm 1945 chùa được mang tên Bửu Sơn Thiền Lâm tự. Ông mất năm 1947, từ đó đồ đệ là ông Trần Văn Soái (thầy Bảy) tiếp nối. Năm 2008 chùa được trùng tu khang trang như hiện nay. Chánh điện chùa thờ trần điều đắp nổi bốn chữ Hán “Bửu Sơn Kỳ Hương”, phía sau có mộ của ông Phạm Thanh Quang và ông Trần Văn Soái.
Tân Châu có đường biên giới dài hơn 6km với tỉnh Kandal của nước bạn Campuchia, thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ trong phát triển kinh tế biên giới, đặc biệt là có Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương. Dù hiện nay vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, song tin chắc rằng nay mai Vĩnh Xương sẽ phát triển tiềm năng kinh tế của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang.
Sông Tiền từ xã Vĩnh Xương chảy dài xuống trung tâm thị xã Tân Châu, dù mang vẻ ngoài hào phóng của sông nước Tây Nam, nhưng cũng như bao con sông xa xăm cuối trời Tổ quốc - vẫn ẩn hiện nét đẹp bí hiểm. Nét đẹp của miền sông Tân Châu, đâu thể thiếu những nét đẹp văn hóa mà cộng đồng dân cư lập dựng, để mỏm đất xa xôi phía đầu sông Tiền mãi neo vào lòng người niềm thương nhớ dù chỉ một lần ngang qua.
Bài, ảnh: ANH TỪ