Ở khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, bà con thường trầm trồ, kính trọng khi nhắc đến ông Trần Hoàng Nam. Không phải vì ông Nam là người giàu có hay có địa vị xã hội mà chính bởi lối sống đầy nhân nghĩa, luôn hết lòng vì người khác.
* Nặng lòng với học trò nghèo
Việc học của con em trong khu vực Bình Chánh những năm gần đây có nhiều chuyển biến, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt gần 100%. Bà con ở đây cho rằng: thành quả này có đóng góp rất nhiều của chú Hai Nam - Chi hội trưởng Chi hội khuyến học khu vực.
 |
Vợ chồng ông Trần Hoàng Nam và mẹ già. |
Ông Hai Nam có gần một thập kỷ đứng trên bục giảng. Ông tốt nghiệp Tú tài trước ngày giải phóng. Năm 1979, ông Hai Nam về dạy ở trường Trung học cơ sở Long Hòa. Những năm đầu đất nước hòa bình thống nhất, đời sống bà con trong xã Long Hòa (cũ) còn gặp nhiều khó khăn. Mọi người phải lo cái ăn, cái mặc hằng ngày nên ít quan tâm đến chuyện học của con cái. Ông Hai Nam đã đến từng nhà vận động để các em được đến trường với quan niệm: “Giặc ngoại xâm đã đánh thắng rồi thì giặc dốt nhất định cũng phải tiêu diệt. Lấy học thức để xây dựng cuộc sống mới”. Phần nhiều học sinh thời đó ngoài thời gian học phải vất vả mưu sinh nên không chuyên tâm cho việc học. Là thầy giáo dạy môn Toán, trên lớp, ông Nam tận tình hướng dẫn học sinh từng công thức, con số. Những học trò yếu, ông dẫn về nhà, cho ăn cơm rồi hướng dẫn, phụ đạo thêm, dù kinh tế của gia đình ông lúc bấy giờ cũng rất khó khăn. Có học sinh chưa ngoan, ông Hai Nam không la rầy mà dùng tình cảm thuyết phục, vạch ra cái tốt, cái xấu để các em sửa chữa. “Đã làm nghề giáo thì phải có cái tâm, hết lòng vì học trò thì mới dạy bảo chúng được” - ông Hai Nam tâm sự.
Năm 1989, kinh tế gia đình khó khăn nên ông Hai Nam phải nghỉ dạy học làm thợ mộc, thợ hồ kiếm sống. Tuy vậy, ông vẫn luôn mặn mà với việc khuyến học của địa phương. Nhiều năm liền, ông Hai Nam là Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh của Trường THCS Long Hòa. Ông phối hợp với Ban giám hiệu, phụ huynh học sinh của trường vận động học sinh ra lớp, tìm hiểu những hoàn cảnh học sinh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. Ông chính là sợi dây nối kết giữa nhà trường và gia đình học sinh.
Năm 2008, khi Chi hội Khuyến học khu vực Bình Chánh được thành lập, ông Hai Nam được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Từ đó, ông dành phần lớn thời gian để đi vận động, tuyên truyền khuyến học ở địa bàn. Vào đầu mỗi năm học, ông Hai Nam đến từng hộ gia đình để vận động hỗ trợ học sinh nghèo, lo quần áo, tập vở cho các em. Mỗi năm, Chi hội khuyến học đều tổ chức vận động tặng cho học sinh nghèo tổng cộng gần 2 triệu đồng và gần 300 quyển tập, hơn chục bộ quần áo. Tuy số tiền ấy ở thành phố là không nhiều nhưng với bà con trong khu vực là cả một sự cố gắng bởi đa phần sống bằng nghề nông. Khi ông Nam đi vận động, mỗi người góp 10 ngàn - 20 ngàn đồng. Ông Hai Nam có thể kể nằm lòng: con ai, học lớp mấy, tên gì, hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế nào... Ông Hai Nam tâm sự: “Khu vực còn nhiều học trò nghèo có nguy cơ bỏ học nên tôi tìm cách giúp đỡ chúng bằng hết khả năng của mình”.
Không chỉ khuyến học, đường trên địa bàn ấp hễ thấy sụp, lún hay bong trốc là ông Hai Nam tích cực vận động bà con cùng tu sửa, gia cố để học sinh đi học được an toàn hơn.
Ông Hai Nam đã ở tuổi 65. Bệnh hen suyễn cứ trở trời là lại tái phát nhưng ông vẫn cần mẫn đeo đuổi công tác khuyến học, sẻ chia với học sinh nghèo. Người cựu giáo viên ấy vẫn thầm lặng nâng bước cho học trò nghèo được đến trường bằng cả một tấm lòng...
* Hiếu thuận làm đầu
Nhà của ông Hai Nam nằm trên trục lộ chính khu vực Bình Chánh. Ngôi nhà tường cũ nhưng còn khá tinh tươm. Trong nhà đầy đủ tiện nghi, vật dụng được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Chiếc bàn thờ gia tiên theo đúng kiểu của người Nam bộ xưa, rất trang nghiêm, thành kính luôn nghi ngút khói hương.
Bà Minh Nguyệt, mẹ vợ ông Hai Nam, năm nay đã hơn 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Hôm chúng tôi đến, bà cụ đang mệt. Vợ chồng ông Hai Nam ân cần xoa dầu, xoa bóp tay chân cho bà cụ. Tuổi đã cao, phải ngồi xe lăn từ 10 năm nay, bà Minh Nguyệt còn bị loãng xương, tăng huyết áp, loét bao tử. Những khi trái gió, trở trời những cơn đau hành hạ bà luôn. Bà Minh Nguyệt kể: “Vợ chồng thằng Hai thương và lo cho tôi nhiều lắm. Những đêm trời lạnh, hay lúc tôi không khỏe, vợ chồng nó túc trực sáng đêm, lo cho tôi từng viên thuốc, ly sữa. Vợ chồng thằng Hai thường làm món này món kia cho tôi ăn...”. Bà Minh Nguyệt xúc động: “Chắc tại nhờ con cháu hiếu thảo mà tôi mới sống thọ như vầy”. Vợ chồng ông Hai Nam nói rằng: chính tấm lòng hiếu thảo của họ là tấm gương sáng để các con noi theo.
Ông Hai Nam lập gia đình năm 1974, lúc 29 tuổi. Lúc mới ra riêng, đời sống của vợ chồng ông gặp vô vàn khó khăn. Cha mẹ nghèo nên chủ yếu là ông bà tự mưu sinh. Ông Hai Nam ngoài đi dạy học còn tranh thủ làm mộc, làm hồ, cắt lúa mướn. Bà Dương Bạch Vân - vợ ông Hai Nam - may đồ thuê rồi tranh thủ làm bánh bò bưng ra chợ Bình Thủy bán. Bốn đứa con lần lượt ra đời, cuộc mưu sinh càng thêm nhọc nhằn. Ông Hai Nam kể: “Hồi đó, nhà tôi còn ở ngoài đồng hoang. Nói là nhà chứ chỉ là căn chòi tạm bợ, bốn bề trống hoắc trống huơ. Các con ham coi ti vi, mỗi tối tôi phải cõng con vượt hàng cây số, băng qua mấy con rạch để đi coi nhờ...”. Vợ chồng ông bà đồng lòng cố gắng làm lụng để chăm lo cho các con. Hiện nay, kinh tế của gia đình ông bà Hai Nam đã tạm ổn với mấy công vườn quanh nhà.
Bốn người con của ông bà Hai Nam đều tốt nghiệp Trung học phổ thông. Riêng cô con út Trần Thị Thanh Trúc tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, đang dạy ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Điều làm ông bà Hai Nam hài lòng nhất là các con đã có cơ ngơi riêng, đời sống kinh tế ổn định. Bà Vân nói với chúng tôi: “Lúc nhỏ vợ chồng tôi lo cái ăn, cái mặc, nhắc nhở chuyện học hành cho con cái. Giờ, khi chúng đã trưởng thành, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con cái đạo ở đời. Sống làm sao cho người ta thương mến, làm việc có ích cho đời”. Ông Hai Nam thì cho biết: “Điều tôi thường nhắc các con là ở đời, phải lấy nhân nghĩa làm đầu...”.
“Cây lành cho quả ngọt”, ở khu vực Bình Chánh này, ai cũng tấm tắc khen ngợi bốn người con của ông Hai Nam đều lễ phép, ngoan ngoãn, chịu khó, chẳng bao giờ làm phiền lòng ai. Hiện ông bà đang sống với người con trai thứ tư và vợ chồng cô con út. Những bữa cơm gia đình, ông bà lại nhắc nhở con sống tốt, hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Nhưng có lẽ, những hành động ân cần của ông bà với mẹ già chính là bài học chân thật mà quý báu để các con ông nhìn mà suy ngẫm làm theo.
Nếp nhà của ông bà Hai Nam có tác động sâu sắc đến những người chung quanh. Mọi người xem gia đình ông Nam - bà Vân như hình mẫu của một gia đình hạnh phúc để bà con học hỏi và phấn đấu noi theo. Ông bà Hai Nam tâm niệm: “Đời người ngắn ngủi lắm, phải sống sao cho thật tốt, xây dựng một mái ấm tràn đầy tình yêu thương- đó là niềm vui viên mãn của đời người”.
* * *
Lối sống nhân nghĩa, sẻ chia với cộng đồng của gia đình ông Trần Hoàng Nam có tác động rất lớn đến phong trào ở địa phương. Ông Lê Thành Thi, Phó chủ tịch UBND phường Long Hòa nói với chúng tôi: “Gia đình ông Trần Hoàng Nam là một gia đình văn hóa tiêu biểu, một điển hình cho lối sống nhân nghĩa mà phường chúng tôi đang phấn đấu xây dựng”.
Tháng 6-2010 vừa qua, gia đình ông Hai Nam được UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen vì là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” cấp thành phố.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH