14/04/2022 - 09:10

Sống có mục đích tốt cho trí não khi về già 

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Ageing Research Reviews, việc cảm thấy bản thân đang sống có mục đích hoặc tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống có thể giúp giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ khi lớn tuổi.

Cảm giác sống có mục đích và ý nghĩa có lợi cho trí não của người cao tuổi.

Kết luận trên được các chuyên gia tại Ðại học Luân Ðôn (Anh) đưa ra sau khi xem lại bằng chứng từ 8 nghiên cứu tiến hành trước đó trên 62.250 người cao tuổi ở 3 châu lục. Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy cảm giác sống có mục đích hoặc có ý nghĩa “có liên quan đáng kể” với việc giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức. Ðáng chú ý, những người cảm thấy sống có mục đích đã giảm 19% rủi ro bị suy giảm chức năng nhận thức về mặt lâm sàng - nghĩa là họ ít có khả năng bị suy giảm năng lực về trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy hơn. 

Các bằng chứng trước đây cho thấy việc cảm thấy bản thân sống có mục đích có thể giúp ích cho quá trình hồi phục sau căng thẳng tinh thần và giảm tình trạng viêm trong não - hai yếu tố  đều có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Hơn nữa, những người có ý thức cao hơn về mục đích sống cũng có nhiều khả năng tham gia vào các hoạt động giúp phòng ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ như tập thể dục và gắn kết với cộng đồng.

Cũng liên quan đến mối liên hệ giữa tính cách cá nhân và sức khỏe trí não, một nghiên cứu chung của các nhà khoa học Canada, Mỹ và Anh vừa chỉ ra rằng những người sống có tính tổ chức và kỷ luật dường như được bảo vệ tốt hơn trước nguy cơ bị sa sút trí tuệ khi lớn tuổi.

Trong công trình khoa học vừa đăng trên Tạp chí Personality and Social Psychology, các chuyên gia đã theo dõi gần 2.000 người có tuổi trung bình là 80 tại Chicago (Mỹ) trong 25 năm để tìm hiểu xem đặc điểm tính cách của họ có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức hay không. Ðầu nghiên cứu, các đối tượng được đánh giá tính cách cá nhân trong các buổi phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, bằng cách tính điểm theo thang đánh giá 48 điểm. Sau đó, họ được kiểm tra chức năng nhận thức tối thiểu 2 lần/năm hoặc 1 lần trước khi qua đời để đánh giá nguy cơ bị suy giảm nhận thức nhẹ.

Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy những người tham gia đạt điểm số cao về tính cách “tận tâm” (tức sống có tổ chức và có động lực) có năng lực trí não mạnh khỏe lâu hơn gần 2 năm trước khi nhận thấy tinh thần sa sút. Tương tự, nhóm có điểm số cao hơn về tính cách “hướng ngoại” (tức hoạt ngôn, quyết đoán và dễ bộc lộ cảm xúc hơn) - cũng duy trì trí não khỏe mạnh thêm 1 năm trước khi bị suy giảm chức năng nhận thức. Trong khi đó, nhóm có điểm số cao hơn về tính cách “tâm lý bất ổn” (thường xuyên buồn bã, ủ rũ và không ổn định về cảm xúc) bị suy giảm nhận thức nhẹ sớm hơn 1 năm.

Tiến sĩ Tomiko Yoneda, thành viên nhóm nghiên cứu tại Ðại học Victoria, giải thích rằng các đặc điểm tính cách ảnh hưởng tương đối lâu dài đến tư duy và hành động, từ đó có thể thúc đẩy người ta thực hiện những hành vi và kiểu suy nghĩ lành mạnh hay không lành mạnh trong đời. Sự tích lũy những trải nghiệm không có lợi cho sức khỏe (như tâm lý bất ổn) về lâu dài có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hay rối loạn tâm thần, cụ thể như suy giảm nhận thức nhẹ, trong khi tính cách tích cực thì có khả năng chịu đựng những thay đổi tâm thần liên quan đến tuổi tác tốt hơn.

Chia sẻ bài viết