Núi Sam- nơi lưu lại những câu chuyện từ thời mở đất phương Nam- cao 284 mét, có đường trải nhựa vòng quanh núi khoảng 5km. Nơi đây khí hậu trong lành, bốn bề gió lộng, lại hội tụ 5 cụm di tích lịch sử văn hóa được Bộ Văn hóa xếp hạng và công nhận. Tiêu biểu có Lăng Thoại Ngọc Hầu, còn gọi là Sơn Lăng, một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở núi Sam, bên cạnh chùa Hang, chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Nếu tính tuổi kiến trúc thì Sơn Lăng Thoại Ngọc Hầu ngót ngét trên 200 năm. Lăng xây dựng năm 1822 (niên hiệu Minh Mạng thứ 3).
Nhìn tổng thể từ xa, bên triền núi Sam cạnh bờ kinh Vĩnh Tế, khu lăng mộ uy nghi đường bệ, xanh um những tàn cây đại thụ. Đây là nơi đích thân ông Thoại Ngọc Hầu chọn làm nơi an nghỉ. Khuôn lăng đồ sộ nhưng vẫn có nét thanh nhã cổ kính bởi lối kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc hài hòa thuần phác phương Đông. Giữa quang cảnh thiên nhiên u tịch, những ngôi mộ và lăng bia nằm trong những bức tường thành dày dặn và những đại môn quan, có thềm cao tiền sảnh với 9 cấp bậc thang xây bằng đá ong càng làm tăng vẻ tôn nghiêm của lăng- miếu. Ngàn cây và núi đá của đồng bằng Nam Bộ như vây bọc, che chắn cho lăng.
Sơn Lăng là công trình lăng miếu cổ, trang nghiêm, trầm mặc giữa thiên nhiên u tịch, gợi nên hoài cảm với chuyện xưa và công đức của những bậc hiền nhân. Sự trang nghiêm, đẹp đẽ của lăng mộ đã nói lên phần nào lòng tôn kín của nhân dân đối với bậc khai quốc công thần, đồng thời, cũng thể hiện tấm lòng nhân hậu và nét đẹp tinh thần của người phương Nam. Hai người vợ của ông cũng được chôn cất tại đây. Bà nhất phẩm phu nhân Châu Vĩnh Tế được chôn phía tay phải và bà nhị phẩm phu nhân Trương Thị Miệt nằm phía tay trái, lùi xuống một chút, mộ ông nằm giữa. Ở nội lăng và hai bên phải trái vuông lăng còn có hai khu đất rộng, cũng có vòng thành ngăn chắn xung quanh, có trên 50 ngôi mộ, đều vô danh, đa số là những hài cốt của những người đã bỏ mình trong lúc đào kênh Vĩnh Tế được Thoại Ngọc Hầu qui tập.
|
Lăng Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: dulich24h.net |
Phía trước lăng là khoảng sân rộng, thoáng đẹp. Trong Long Đình là bản sao bia "Thoại Sơn" bia "Vĩnh Tế Sơn". Trước Long Đình là hai con nai tạc bằng xi măng. Hai cửa lớn vào lăng rộng, hình bán nguyệt, kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố. Sau lăng là đền thờ, trên nền đất cao. Sau lưng đền thờ là vách núi chập chùng, tạo thành bức bình phong kiên cố và hùng vĩ của lăng.
Vào lăng, du khách sẽ bắt gặp di tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng 2m, những áng văn chương lộng lẫy với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế
gợi lại hình ảnh vang bóng một thời oanh liệt xa xưa của cha ông "từ thuở mang gươm đi mở cõi", với biết bao thành tích hiển hách: khai hoang, an dân, lập làng, đào kinh dẫn nước, xây dựng nhiều công trình bề thế cho đời sống văn hóa, kinh tế con người thời ấy và mai sau.
Năm 2010, trong một lần tu bổ Sơn Lăng, các ngành chức năng phát hiện và khai quật khu vực chôn đồ tùy táng, với 523 hiện vật cùng hàng trăm vật dụng tại hai hố chôn nằm cạnh mộ bà Châu Thị Tế và mộ bà Trương Thị Miệt. Những hiện vật này giúp các nhà nghiên cứu lịch sử làm rõ đặc điểm vật dụng sinh hoạt trong gia đình quan lại nước ta hồi thế kỷ XIX. Từ đó xác định tính chất, đặc điểm của một thời kỳ lịch sử cũng như hình dung được đời sống vật chất, tinh thần thời bấy giờ.
Cuộc đời của Thoại Ngọc Hầu cống hiến cho việc khai phá miền đất "rừng sâu nước độc": tứ giác Long Xuyên của vùng Tây Nam bộ. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm Tân Tỵ (1761), mất năm Kỷ Sửu (1829) thọ 68 tuổi. Ông người huyện Diên Phước (Quảng Nam) được triều đình nhà Nguyễn cử vào khai phá và trấn giữ "An Giang Đạo" (Theo binh chế Việt Nam thời trước, "đạo" được coi tương đương như một Quân khu bây giờ).
Ông đã gắn bó mật thiết với vùng tứ giác Long Xuyên qua việc khai hoang, khẩn đất, tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cù lao Phố Biên Hòa về ở vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn) Châu Đốc, Long Xuyên. Thoại Ngọc Hầu được nhắc đến nhiều nhất khi tổ chức đào kinh Thoại Hà, khởi đào từ năm 1818, sau hơn 2 tháng đã hoàn thành, huy động hơn 2.000 sưu dân. Kinh bề ngang 20 tầm (khoảng 51m, 1 tầm bằng 2m56), chiều dài tới Giang Thành Rạch Giá 12.400 tầm (31.744m). Sau đó ông tiếp tục đào Kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc tới Hà Tiên. Khởi đào từ năm 1819 đến năm 1824, huy động hơn 80.000 sưu dân, dài hơn 90km. Đào hai con kinh ấy trong thời kỳ lao động thô sơ bằng tay chân, quả thật là chuyện thần kỳ. Ngày nay nhìn con kinh thẳng tắp, mới thấy được công phu của tiền nhân. Chuyện rằng thời bấy giờ, ông Thoại Ngọc Hầu cho dùng đuốc lửa cột trên đầu cây sào, rồi rẽ lối rạch hoang, điều chỉnh những cây sào lửa ấy cho tuyến kinh được thẳng tắp.
Việc đào kinh hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ và báo cáo về triều đình Huế, được Vua khen ngợi, ban sắc chỉ cho lấy tên con sông là Thoại Hà (Sông Thoại) và lấy tên vợ chánh ông Châu Vĩnh Tế đặt cho Kinh Vĩnh Tế. Kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế có một vị trí rất quan trọng trong việc giao thông vận tải và phát triển nông nghiệp từ xưa đến nay.
Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc Hầu cho dựng bia làm kỷ niệm: Bia Thoại Sơn (ghi chép việc đào Kinh Thoại Hà), Bia Vĩnh Tế Sơn (ghi chép việc đào Kinh Vĩnh Tế). Đồng thời, trước ngày dựng bia, Thoại Ngọc Hầu cho nhiều toán người đi dọc hai bờ kinh từ Châu Đốc đến Hà Tiên, tìm hài cốt những dân và binh tử nạn mang về cải táng. Ngày dựng bia kỷ niệm, có đọc bài "Tế Nghĩa Trũng Văn" do chính đích thân Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ lễ. "Nghĩa Trũng Văn" là bài văn tế cô hồn tử sĩ, lời lẽ nhắc đến công lao và thương tiếc binh vĩ, sưu dân đã bỏ mình trong cuộc đào kinh. Từng câu, từng chữ bài văn tế kể công đức những người lao động.
"
Đào kinh trước mấy kỳ khó nhớ/ Khoác nhung y chống đỡ biên cương/ Binh mang máu nhuộm chiến trường/ Bọc thây da ngựa gởi xương xứ này".
"
Quê cách trở lấy ai hộ tống/ Sống hùng anh thác cũng hiền thần/ Than ôi! Ai cũng là dân/ Mà sao người lại lãnh phần kinh bang".
"
Mắt chạm thấy lòng càng tưởng nhớ/ Dẫu đưa tay với đỡ được đâu/ Tỏ lòng ghi nhớ ơn sâu
"
Ông còn đắp nhiều con lộ, nay đã mất dấu, chỉ còn con đường nối liền nội ô Châu Đốc đến núi Sam, xây đắp trong 2 năm 1826-1827 được tu bổ sử dụng đến nay còn mang tên ông là Bảo Hộ Thoại.
Trần Trọng Triết