07/01/2011 - 21:40

Sớm thay đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015, cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Ngày 6-1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ III (ảnh). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Hội đồng phát triển bền vững quốc gia. Hội nghị được tổ chức truyền hình trực tuyến tới 63 UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ảnh: Chinhphu.vn 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững, trong 5 năm qua (2005-2010), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm trên 7%. GDP theo giá thực tế tính theo đầu người năm 2010 dự kiến đạt khoảng 1.162 USD, đưa nước ta ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp.

Các mặt xã hội cũng có những tiến bộ khi tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến giảm còn dưới 10% (khoảng 1,7 triệu hộ nghèo), giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động. Trong 19 lĩnh vực đề ra trong phát triển bền vững, đều xuất hiện những mô hình nổi bật cần tham khảo.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp còn chưa đúng mức, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực có xu hướng giảm, đóng góp vốn vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, chưa quan tâm đúng mức đến quy hoạch phát triển nhân lực, ô nhiễm môi trường, chênh lệch thu nhập...

Để phát triển bền vững, Việt Nam cần có giải pháp, lộ trình trung, dài hạn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời khắc phục các hạn chế trên đây.

Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển được Phó Thủ tướng nhắc tới để có thể sớm thay đổi mô hình tăng trưởng với tiêu hao đầu vào (vốn, đất đai, năng lượng...) ở mức thấp hơn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng, tiến tới tăng trưởng cao hơn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần có chỉ tiêu giám sát quá trình phát triển bền vững, trong đó chú trọng sản phẩm nội địa xanh, giám sát chỉ tiêu năng suất lao động, tỷ lệ chấp hành luật pháp của các tổ chức, cá nhân, tỷ lệ đạt chuẩn về an sinh xã hội, khả năng tiếp cận các thông tin thông qua hệ thống Internet. Qua đó, có thể đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, các ngành và cả nước, xác định nguyên tắc vận hành của các đơn vị tham gia vào chương trình mục tiêu phát triển bền vững...

Sớm ban hành bộ chỉ tiêu phát triển bền vững

Các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015 được thực hiện có hiệu quả, trước mắt cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Mô hình tăng trưởng phải chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng.

Đồng thời, cần kết hợp các công cụ và biện pháp kinh tế, tài chính, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn để hình thành lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Về mặt xã hội, gắn giảm nghèo với đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển, coi chính sách giảm nghèo không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định mà còn là động lực của sự phát triển và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị trong năm 2011 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Định hướng phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015, ban hành bộ chỉ tiêu phát triển bền vững để theo dõi, giám sát và đánh giá vấn đề này.

TỪ LƯƠNG (Theo Chinhphu.vn)

Chia sẻ bài viết