06/10/2008 - 21:52

Thu hút nguồn vốn FDI vào TP Cần Thơ

Sớm gỡ vấn đề nan giải

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tính hết tháng 9- 2008, thành phố có 47 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 710 triệu USD. Tuy nhiên, vốn thực hiện mới chỉ hơn 115 triệu USD (chiếm 16,2%). Hiện có 24 doanh nghiệp (DN) hoạt động có doanh thu, trong 9 tháng đầu năm 2008, doanh thu đạt 238,6 triệu USD; xuất khẩu hơn 51 triệu USD và nộp ngân sách 2,3 triệu USD. Làm gì để giải ngân nguồn vốn, thu hút dự án FDI hiệu quả? Đây là bài toán khó không chỉ Cần Thơ mà hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều vướng phải...

* Vẫn khó khăn giải phóng mặt bằng và “đất sạch”

Năm 2008, được đánh giá là năm nhiều thuận lợi cho thành phố trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng tỷ lệ nguồn vốn FDI và thứ hạng của thành phố khá thấp so với cả nước (hiện đứng thứ 24/63 tỉnh, thành). Trong 9 tháng đầu năm 2008, nguồn vốn giải ngân tăng 5,7 lần so với cùng kỳ (đạt 23 triệu USD); doanh thu tăng 63%, kim ngạch xuất khẩu tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách cũng tăng 64% nhưng còn nhiều bất ổn. Đến nay, nguồn vốn giải ngân chỉ chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký và trong 47 dự án FDI, mới có 24 DN hoạt động có doanh thu.

Phần lớn dự án FDI nằm trong khu công nghiệp (KCN) tập trung. Thành phố hiện có 5 KCN với diện tích qui hoạch khoảng 1.024 ha, trong đó diện tích đã cho thuê hơn 546,2 ha. Theo Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX &CN), hiện có 168 dự án (149 doanh nghiệp-DN) còn hiệu lực; trong đó 22 dự án FDI, vốn đầu tư hơn 851,1 triệu USD nhưng vốn thực hiện chỉ đạt gần 10% tổng vốn đăng ký. Hiện tại 113 DN hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 21 DN FDI (gồm 17 DN sản xuất, 4 DN dịch vụ). Trong 9 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN FDI đạt hơn 157 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ; xuất khẩu 50,9 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ.

 Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Pataya Việt Nam (vốn Thái Lan) tại KCN Trà Nóc I. Ảnh: thu hà

Từ đầu năm đến nay, theo ghi nhận của các ban, ngành thành phố có rất nhiều đoàn DN, nhà đầu tư nước ngoài đến Cần Thơ tìm hiểu đầu tư, nhưng do thiếu “đất sạch” đã làm vuột cơ hội tiếp nhận những dự án lớn. Hiện nay, ngoài KCN Trà Nóc I (135 ha) đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, còn lại đang trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), xây dựng hạ tầng... Theo BQL KCX &CN Cần Thơ, KCN Trà Nóc II (165 ha) còn 18 hộ chưa nhận tiền bồi hoàn, việc triển khai khu TĐC 10 ha mới hoàn chỉnh dự án, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và tiến hành công bố qui hoạch ra dân. KCN Hưng phú I (262 ha), diện tích cho thuê lại hơn 16,8 ha và đang tiếp tục bồi hoàn cho dân, san lấp mặt bằng, khảo sát khu TĐC; KCN Hưng Phú II (212 ha) hiện chia thành 2 phân khu để đầu tư hạ tầng gồm: KCN Hưng Phú 2A (134 ha) do Công ty TNHH Xây lắp BMC làm chủ đầu tư và KCN Hưng Phú 2B (78 ha) do Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư. KCN Thốt Nốt (150 ha) với 4/6 dự án đang hoạt động, chiếm 64% diện tích đất công nghiệp. Còn KCN nặng Ô Môn (800 ha), diện tích cho thuê lại là 250 ha (dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ), nhưng DN chưa thể tập trung một đầu mối để giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai, GPMB, xây dựng... do chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa KCN nặng Ô Môn vào qui hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng 2020.

Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, cho biết: “Cơ sở hạ tầng (giao thông, sân bay và cảng biển...) của thành phố chưa theo kịp yêu cầu các nhà đầu tư đang hướng về Cần Thơ. Thiếu đất sạch, nhưng khi có đất sạch thì giá thuê quá cao. Lao động có tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu cho những dự án lớn cần trình độ kỹ thuật cao, đồng thời các dịch vụ đi kèm như văn phòng cho thuê, nhà cho người nước ngoài, thị trường chứng khoán, tài chính... chưa phát triển. Vì vậy, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia”. Có thể nói, thành phố đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư nhưng vẫn chưa “bắt” kịp yêu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc công bố qui hoạch sử dụng đất chưa kịp thời làm cho cơ quan thẩm tra và nhà đầu tư lúng túng về địa điểm muốn đầu tư.

* Gỡ khó cách nào ?

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí đầu tư hạ tầng KCN ở ĐBSCL khá cao. Hầu hết các dự án được qui hoạch đều lựa chọn với hệ thống giao thông sẵn có, gần nơi cung cấp dịch vụ nên thường nằm gần KDC. Do đó, chi phí bồi hoàn cao, kéo theo chi phí xây dựng hạ tầng cao. Điều này gây khó khăn không chỉ nhà đầu tư hạ tầng mà còn ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Bình quân chi phí đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, giải tỏa bồi hoàn, TĐC 1 héc-ta đất sạch hoàn chỉnh cho DN thuê, tỉnh Long An mất 8 tỉ đồng còn TP Cần Thơ khoảng 5 tỉ đồng... Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài, thời gian trung bình hoàn tất các công đoạn 1 dự án FDI để đưa vào hoạt động mất khoảng 5 năm (GPMB, xây dựng nhà máy), nên ảnh hưởng rất nhiều tiến độ giải ngân của dự án. Đó là chưa nói đến chính sách phát triển và thu hút đầu tư của nhiều địa phương chưa phù hợp. Các tỉnh thường tập trung nhiều vào chính sách ưu đãi đầu tư như: giảm giá thuê đất, giảm thuế... điều này tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa các tỉnh trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư.

Hiện nay, phần lớn những dự án FDI đầu tư vào thành phố tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sử dụng nhiều lao động, trong khi giá trị tăng thêm không nhiều. Cơ sở hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực cho công tác xúc tiến chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, lao động có tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu DN FDI... đang là “rào cản” lớn trong thu hút đầu tư của thành phố. Năm 2007, thành phố đã xúc tiến 4 đoàn công tác nước ngoài và đã ký được 2 biên bản ghi nhớ hợp tác với một nhóm doanh nhân ở Trung Quốc, Mỹ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Khi đối tác đặt vấn đề địa điểm triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ cho thành phố đào tạo nguồn nhân lực... nhưng các sở, ngành vẫn chưa sẵn sàng “nhập cuộc”.

Ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch Cần Thơ, bức xúc: “Hiện nay, thành phố chỉ đưa ra danh mục dự án kêu gọi đầu tư, còn sự chuẩn bị để thuyết minh cụ thể dự án đặt ở vị trí nào, tiềm năng phát triển ra sao, nguồn nhân lực có đáp ứng được nhu cầu không... chưa được chuẩn bị xuyên suốt và dài hơi”. Theo ông Nguyễn Trường Đảnh, nhà đầu tư cần những vấn đề cụ thể để quyết định đầu tư và đây là hạn chế lâu nay của Cần Thơ. Năm 2008, UBND thành phố phê duyệt cho trung tâm 2,8 tỉ đồng để xúc tiến 5 đoàn công tác ra nước ngoài với chương trình mời gọi đầu tư cụ thể, cùng với việc tổ chức hội thảo tại các nước đoàn đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Thái Lan. Nhưng trong bối cảnh lạm phát, công tác này đành gác lại.

TP Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng ĐBSCL cả về công nghiệp, thương mại dịch vụ... nhưng việc thu hút các dự án FDI có qui mô lớn, sử dụng ít lao động, công nghệ cao còn yếu kém so với một số địa phương trong vùng.

Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, nói: “Cầu Cần Thơ, sân bay đi vào hoạt động là tiền đề quan trọng trong việc cải thiện thu hút đầu tư vào thành phố. Tuy nhiên, để có những dự án FDI qui mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, phải huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về giao thông, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện, nước. Phát triển mạng thông tin về kinh tế, qui hoạch kinh tế- xã hội, minh bạch chính sách, qui hoạch, dự án đầu tư, đồng thời thực hiện đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo thành phố và các sở, ngành với DN để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, củng cố lòng tin cho nhà đầu tư”.

Ban BQL KCX &CN Cần Thơ cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm 2008, như: Chỉ đạo Trung tâm Xây dựng hạ tầng Cụm CN- TTCN Thốt Nốt khởi công xây dựng các hạng mục đã đấu thầu (hàng rào, thảm cây xanh, hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát nước, lát gạch vỉa hè...), triển khai công tác giải tỏa bồi hoàn giai đoạn 3 theo phương thức DN ứng trước tiền qua Ban bồi thường GPMB huyện để chi trả cho dân. Phấn đấu đến cuối năm 2008, KCN Hưng Phú I phải có đất sạch từ 57 ha trở lên để cho thuê, đồng thời hoàn thành phương án bồi hoàn khu TĐC 96 ha...

Thời gian qua, vốn FDI vào ĐBSCL chủ yếu là các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với thế mạnh của ĐBSCL nên hướng vào mời gọi đầu tư những tập đoàn lớn có trình độ công nghệ cao ở những nước có thế mạnh về nông nghiệp như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Singapore, Australia. Trong chương trình kêu gọi đầu tư vào TP Cần Thơ giai đoạn 2008 – 2010, thành phố ưu tiên kêu gọi dự án thành lập khu công nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết