Trong hai năm trở lại đây, Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã có nhiều cải tiến trong hoạt động, nhất là cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính. “Đã đến lúc chúng tôi phải nghiêm túc “soi” lại mình, thay đổi cung cách phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quan hệ thủ tục hành chính”, ông Phạm Văn Hiểu, Giám đốc Sở Tư pháp, khẳng định.
Cải cách... cách tiếp dân
Những ngày cuối năm, Phòng Công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp TP Cần Thơ) rất đông “khách”. Phần lớn bà con đến đây để chứng thực hợp đồng tín dụng, chuẩn bị vay vốn làm ăn trong năm mới. Đông “khách”, cán bộ không được tăng cường, nhưng Phòng Công chứng số 1 vẫn đảm bảo trả kết quả kịp thời cho người dân (đa số được giải quyết công chứng ngay tại chỗ, vụ việc nào phức tạp cán bộ mới ra phiếu hẹn). Cung cách tiếp dân, hướng dẫn thủ tục, nhận hồ sơ và trả kết quả của cán bộ bộ phận này vui vẻ, nhiệt tình, đã tạo tâm lý thoải mái cho người dân đến giao dịch.
Chị Nguyễn Thị Hằng, nhà ở khu vực 4, phường An Hội (quận Ninh Kiều), cho biết: “Tôi đến đây chứng thực hợp đồng vay vốn, chờ khoảng 15 phút đã được giải quyết. Ban đầu, tôi nghĩ chắc là sẽ bị hẹn, do số chứng minh nhân dân của tôi có thay đổi so với số chứng minh nhân dân đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây. Tuy nhiên, cán bộ đã linh động vận dụng các giấy tờ khác để xem xét, giải quyết kịp thời. Bây giờ, cán bộ ở đây đã mạnh dạn linh động, không còn cứng nhắc như trước đây, nên người dân cũng đỡ vất vả”.
 |
Cán bộ Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp TP Cần Thơ) hướng dẫn người dân ký các giấy tờ đề nghị công chứng. |
Không chỉ có chị Hằng, nhiều trường hợp khác khi đến đây công chứng, chứng thực cũng có chung nhận xét như vậy. Bác Nguyễn Văn Năm, ở khu vực Lợi Nguyên B, phường An Bình (quận Ninh Kiều), nói: “Vợ chồng tôi lấy nhau đã gần 40 năm, con đàn cháu đống nhưng thời ấy chưa đăng ký kết hôn. Hôm rồi, gia đình thế chấp nhà đất vay vốn nuôi ba ba, cứ nghĩ không có giấy kết hôn chắc lại phải đi đăng ký để hợp thức hóa thủ tục công chứng hợp đồng tín dụng. Thế nhưng, cán bộ Phòng Công chứng số 1 hướng dẫn, sổ hộ khẩu có thể thay thế được giấy kết hôn. Sự linh động này đã giúp vợ chồng tôi không phải ra phường đăng ký kết hôn”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Hữu Thành, Trưởng phòng Công chứng số 1, cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, Phòng Công chứng số 1 đã có một số cải tiến, nhất là cách tiếp dân, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Trong quá trình xem xét giải quyết công chứng, chứng thực, công chứng viên phải chủ động nghiên cứu áp dụng quy định của pháp luật, linh động giải quyết, không để dân phiền hà. Trong tiếp dân, phải tận tình, chu đáo, xem người dân là khách hàng thực sự. Nếu công chứng viên hay cán bộ nào để dân than phiền sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm tùy theo mức độ vi phạm. Đây cũng là tiêu chí để xét thi đua hàng tháng, quý và cả năm của cán bộ, nhân viên cơ quan”.
Nghiêm túc “soi” lại mình
Tuy có nhiều nỗ lực, cố gắng trong cải tiến lề lối làm việc nhưng trong thời gian qua, từng lúc, từng nơi người dân còn than phiền về cung cách phục vụ của cán bộ tư pháp. Thậm chí, nhiều cán bộ tư pháp còn có thái độ thiếu tôn trọng người dân khi tiếp, giải quyết các yêu cầu hành chính. Đơn cử các trường hợp: bà Nguyễn Thị Thu Quyên, cán bộ văn phòng UBND phường An Thới (quận Bình Thủy) đã thiếu tôn trọng khi tiếp dân, vi phạm về tiếp nhận và giải quyết yêu cầu chứng thực của chị Trương Thị Ngọc (công tác tại cơ quan thi hành án Quân khu 9); bà Nguyễn Cẩm Giang, cán bộ tư pháp phường Ba Láng (quận Cái Răng), thiếu tinh thần, trách nhiệm, thậm chí xé bỏ hồ sơ hành chính của người dân khi đến quan hệ giải quyết, bị nhiều người dân phản ứng... Những trường hợp này, ngay sau khi phát hiện, Giám đốc Sở Tư pháp đã ký công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý kỷ luật và báo cáo kết quả về Sở Tư pháp. Cách làm này được cán bộ, người dân đồng tình.
Ông Nguyễn Đức Bình, người dân phường Ba Láng (quận Cái Răng), nhận xét: “Sở Tư pháp kịp thời có văn bản chỉ đạo giải quyết những vụ việc cán bộ tư pháp “hành” dân, sẽ có hiệu quả rõ ràng trong chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong ngành, hạn chế tình trạng sách nhiễu, cửa quyền nơi chốn công quyền. Theo tôi, những vụ việc vi phạm của cán bộ tư pháp, khi Sở Tư pháp đã trực tiếp đề nghị giải quyết thì không có tình trạng “chìm” được”.
Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Hiểu, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Sở Tư pháp đã nhiều lần chỉ đạo phòng tư pháp quận, huyện chấn chỉnh tình trạng tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Những vụ việc vi phạm còn xảy ra là do bản thân cán bộ tư pháp chưa nhận thức đúng để thay đổi hành vi phục vụ theo yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay. Quan điểm của Sở Tư pháp, mọi vi phạm của cán bộ trong ngành, dù nhỏ cũng phải xem xét, xử lý, uốn nắn, chấn chỉnh chung, để những cán bộ khác “soi” lại mình, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn”.
Chủ trương này đã được Sở Tư pháp đẩy mạnh thực hiện trong năm 2007. Trong năm này, Sở Tư pháp đã thiết lập “đường dây nóng”, gồm 2 số điện thoại: 071.210216 và 071. 812533 để tiếp nhận thông tin phản ánh phiền hà thuộc các lĩnh vực: công chứng, chứng thực, đăng ký hộ tịch, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự và bán đấu giá tài sản. Theo đó, trong vòng không quá 5 giờ sau khi tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, lãnh đạo Sở sẽ có ý kiến chỉ đạo hoặc chuyển thông tin đến các đơn vị trực thuộc có liên quan để xử lý kịp thời. Việc xử lý thông tin được thực hiện theo chế độ “khẩn”. Sở Tư pháp sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp đối với trường hợp cung cấp thông tin có giá trị, giúp kịp thời phát hiện xử lý tiêu cực. Thực tế, đã có nhiều vụ việc vướng mắc, người dân gọi vào đường dây nóng đã được Giám đốc Sở can thiệp giải quyết kịp thời. Điển hình là vụ cải chính hộ tịch của em Trịnh Văn Tân (phường Trường Lạc, quận Ô Môn); ông Lâm Văn Lực (ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Hưng, huyện Vĩnh Thạnh).
* * *
Năm 2008, Sở Tư pháp tiếp tục xác định cải cách hành chính, gắn liền với cải cách tư pháp là hai nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của ngành. Các tiêu chí: Đơn giản, nhanh gọn, chính xác, đúng pháp luật vẫn được xác định là mục tiêu hướng đến. Tinh thần nghiêm túc “soi” lại mình, chấn chỉnh kịp thời vi phạm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp của Sở Tư pháp là điển hình cần được phát huy, nhân rộng.
Bài, ảnh: NGUYỄN THANH