08/01/2017 - 17:47

Sôi động thị trường rau củ dịp Tết

Cuối tháng 12-2016, giá nhiều mặt hàng rau củ, trái cây tại thị trường các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tăng mạnh, đặc biệt là sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nguyên nhân được cho là cung hạn chế. Từ sau Tết Dương lịch 2017 đến nay, rau củ đạt tiêu chuẩn GAP vẫn giữ vững phong độ, thị trường hút hàng. Còn giá phần lớn các loại rau củ sản xuất thông thường đang có xu hướng giảm mạnh, có nhiều mặt hàng đã giảm 50-80% so với trước, khiến nhiều nông dân gặp khó trong tiêu thụ. Nhưng mặt bằng giá năm nay cao hơn năm trước, vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người trồng.

Sản phẩm an toàn "lên ngôi"

Tại thị trường tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện giá một số loại trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn tăng so với cuối tháng 12-2016, như: xoài cát chu tăng 5.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ tăng 5.000 đồng/kg, nhãn tiêu da bò tăng 7.000-9.000 đồng/kg, lần lượt ở mức 25.000 đồng/kg (loại I), 60.000 đồng/kg, 25.000 đồng/kg (loại I). Giá một số loại rau ăn lá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tăng 2.000-5.000 đồng/kg so với thời điểm này năm 2015.

Mua bán rau củ quả tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn lên ngôi, do cung không đủ cầu. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện nay, giá rau muống thường là 8.000 đồng/kg, rau an toàn 9.000 đồng/kg, cao hơn so với tháng trước từ 3.000-4.000 đồng/kg. Điều đáng mừng giá rau năm nay giữ ổn định lâu và cao hơn 1.000 đồng/kg so năm trước. Nhờ đó, thu nhập của nông dân tăng khoảng 1 triệu đồng/vụ so với năm trước". Theo ông Trương Văn Hồng, ở khu vực 3, phường 3, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, từ tháng 11-2016 đến nay, các loại rau muống, xà lách, cải xanh... có giá bán trung bình cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2015. Cụ thể, rau muống bán cho thương lái 15.000 đồng/kg; xà lách 25.000 đồng/kg; cải xanh 15.000 đồng/kg... Thương lái mang rau ra chợ bỏ mối lại cho các tiểu thương với giá chênh lệch mỗi ký rau các loại từ 3.000- 5.000 đồng/kg so với giá mua tại vườn. "Nguyên nhân làm cho giá các loại rau vào thời điểm cuối năm 2016 cao hơn năm 2015 là vì thời tiết thay đổi, những tháng gần đây mưa nhiều, diện tích rau màu bị thiệt hại. Do 700m2 trồng rau màu của gia đình tôi được bảo vệ bằng lưới che, nên không bị thiệt hại như các hộ dân khác, cây trồng đang phát triển tương đối tốt. Tết Nguyên đán 2017 đã cận kề, thời gian không đủ để gieo trồng vụ mới, nên hy vọng giá bán các loại rau sẽ tiếp tục tăng cao thời gian giáp Tết"- ông Trương Văn Hồng nhận định. Ông Hồng là 1 trong hơn 10 hộ dân được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang chọn thực hiện thí điểm mô hình sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi. Lẽ đó, đầu ra của sản phẩm an toàn luôn ổn định.

Rau thông thường lo "dội chợ"

Nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vẫn giữ được mức giá cao, nhưng nhiều sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường đang có xu hướng "dội chợ". Nhận định về giá cả thị trường tại tỉnh Hậu Giang, ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho hay, đối với giá cả các loại mặt hàng rau củ trong tháng cũng biến động nhẹ, cụ thể: bí xanh giảm 2.000 đồng/kg, dưa leo giảm 3.000 đồng/kg, bắp cải trắng tăng 3.000 đồng/kg, đậu xanh hạt loại 1 tăng 2.000 đồng/kg... Nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Hậu Giang từ đầu tháng 12-2016 đến nay diễn ra bình thường, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Tuy nhiên, "dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, đặc biệt giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu tăng từ 10-20% so với ngày thường do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao"- ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang nói.

Tại nhiều siêu thị, chợ nội ô ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ nhiều mặt hàng rau củ tại các chợ dù đang ở mức cao so cùng kỳ năm trước, nhưng sau Tết Dương lịch 2017 lại trong tình trạng giảm so với những tháng trước do lượng hàng từ các nơi về chợ tăng. Tại nhiều chợ ở nội ô TP Cần Thơ, giá bán lẻ dưa leo và mướp ở mức khoảng 4.000-5.000 đồng/kg; các loại cải xanh, cải ngọt, rau muống, mồng tơi, bầu bí, khổ qua ở mức phổ biến từ 7.000- 12.000 đồng/kg; cà chua, đậu cô ve, cà rốt và bông cải trắng của nhà vườn ĐBSCL có giá 14.000-16.000 đồng/kg. Cà chua Đà Lạt giá khoảng 20.000 đồng/kg, các loại bông cải trắng Đà Lạt giá khoảng 50.000-60.000 đồng/kg… Riêng giá bán lẻ nhiều loại ớt trên thị trường vẫn đứng ở mức cao từ 80.000-100.000 đồng/kg. Tại vườn, so với cách nay hơn 1 tuần, giá các mặt hàng dưa leo, mướp, bầu, bí, cải xanh, cải ngọt, rau muống… được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức 10.000- 15.000 đồng/kg, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000-7.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá dưa leo và mướp tại nhiều nơi dù chỉ ở mức trên dưới 2.000 đồng/kg nhưng nông dân cũng khó kêu bán do thừa hàng dội chợ. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, nhận định: "Những ngày cận Tết, giá rau muống có thể bị sụt giảm 2.000 đồng/kg do ảnh hưởng nguồn rau từ Đà Lạt về nhiều".

Giá nhiều loại rau củ giảm trở lại do nguồn cung được tăng cường, một phần do thời tiết đã thuận lợi hơn cho việc sản xuất, một phần do thời gian qua giá tăng cao, nông dân đã tăng diện tích trồng nhằm đón đầu nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán 2017. Ông Nguyễn Ngọc Thảo, nông dân sản xuất rau tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Nhiều mặt hàng rau cải như: rau muống, cải xanh… chỉ trồng trong khoảng 18-30 ngày là thu hoạch. Thời gian qua, thấy bán được giá, nông dân nhiều địa phương đã tập trung phát triển sản xuất. Thời điểm này, bắt đầu bước vào thu hoạch rộ nên chuyện giảm giá là rất khó tránh khỏi, nhất là khi tới thời điểm thu hoạch không thể để lâu. Gần đây thời tiết thuận lợi, hầu hết nông dân trồng các loại rau quả đều rất đạt năng suất". Theo nhiều nông dân trồng rau màu, với xu hướng thị trường hiện nay, diện tích trồng rau màu tăng, Tết lượng hàng các nơi đổ về tăng, nhất là nguồn cung từ Đà Lạt, tình trạng "dội chợ" có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, anh Nguyễn Tấn Nghiệp, tiểu thương kinh doanh rau củ quả tại chợ An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho rằng, hằng năm giá rau củ quả thường tăng cao trong khoảng tháng 9 và tháng 10 Âm lịch, bước sang tháng cận Tết Nguyên đán, giá thường giảm mạnh do thời tiết thuận lợi cho sản xuất và có nhiều người phát triển diện tích trồng rau theo thời vụ bán Tết. Đến khoảng 25 tháng Chạp trở lên, giá rau củ lại có xu hướng tăng và qua Tết mới giảm. Gần đây, giá nhiều loại rau củ quả giảm nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn đang cao so với cùng kỳ năm trước. Do đó, dù "dội chợ" nhưng nông dân vẫn đạt lợi nhuận.

Nhóm PV-CTV

Chia sẻ bài viết