28/05/2023 - 17:08

Số hóa, giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Số hóa là đòi hỏi cấp thiết trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay. Lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá trị di sản cũng không ngoại lệ.

Các hiện vật trưng bày ở Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ được gắn mã QR. Trong ảnh: Khách tham quan Trưng bày chuyên đề “Thời đại Hùng Vương và Văn hóa Đông Sơn” tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ.

Các hiện vật trưng bày ở Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ được gắn mã QR. Trong ảnh: Khách tham quan Trưng bày chuyên đề “Thời đại Hùng Vương và Văn hóa Đông Sơn” tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ.

Thời gian gần đây, khi tham quan nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn TP Cần Thơ, du khách hay dùng điện thoại quét mã QR để xem thông tin về di tích. Chỉ cần đưa màn hình vào mã QR, những thông tin lý lịch di tích sẽ hiển thị cụ thể, khách có thể đọc hoặc lưu về để làm tư liệu. Ông Lý Hiệu, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, sau khi xem thông tin về Khám Lớn Cần Thơ bằng mã QR, nói: “Thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ, quan trọng là chính xác vì được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn. Tôi đã lưu lại để khi về có thể tìm hiểu thêm”. Đây là công trình thanh niên do Đoàn Khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ thực hiện với tên gọi “Giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa TP Cần Thơ trên nền tảng số”. Ngoài QR Code, tại địa chỉ https://thanhnien.dulichso.cantho.gov.vn, nhiều thông tin về di tích được giới thiệu sinh động bằng các hình thức truyền thông hiện đại để tiếp cận độc giả.

Trong thời đại công nghệ số, việc số hóa di sản để bảo tồn và phát huy giá trị được xem là đòi hỏi bức thiết. Thời gian qua, ngành Văn hóa TP Cần Thơ, đặc biệt là lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, đã quan tâm thực hiện công tác số hóa và tạo được hiệu quả bước đầu. Những năm qua, Bảo tàng TP Cần Thơ đã từng bước đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ như kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hiện vật... Đặc biệt, việc số hóa thông tin lưu trữ: biên bản bàn giao, lý lịch hiện vật... bằng phần mềm quản lý hiện vật đã giúp tạo thuận tiện, dễ dàng trong tìm kiếm, khai thác dữ liệu. Hiện tại, Bảo tàng thành phố đã số hóa gần 13.600 hiện vật.

Từ năm 2017, Bảo tàng TP Cần Thơ thực hiện website tại địa chỉ https://baotangtpcantho.cantho.gov.vn. Việc số hóa nhiều phim tư liệu về di sản cũng được quan tâm thực hiện. Qua đó, công tác bảo tồn di sản được đảm bảo tốt hơn. Đặc biệt, tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ, Bảo tàng thành phố ứng dụng mã QR cung cấp thông tin hiện vật trưng bày tại đây được khách tham quan chú ý.

Có thể nói, số hóa là đòi hỏi cấp thiết trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá trị di sản trong tình hình hiện nay. Những tour tham quan thực tế ảo bảo tàng, di tích đã được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện. Công tác số hóa lĩnh vực di sản, bảo tàng ở TP Cần Thơ dù được quan tâm nhưng công bằng mà nói, vẫn còn chậm so với nhu cầu thực tế. Điều này do nhiều nguyên nhân như hệ thống trang thiết bị phục vụ số hóa, nguồn nhân lực, vật lực...

Phát biểu tại họp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18-5) mới đây, ông Lê Hồng Đông, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2023 và thời gian tới, Bảo tàng thành phố tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá. “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bảo tàng TP Cần Thơ” cũng là khâu đột phá năm 2023 của đơn vị.

Chia sẻ bài viết