Chủ động, cầu thị và tích cực trau dồi ngoại ngữ, trình độ văn hóa, kỹ năng mềm là phác thảo chung về sinh viên (SV) các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại TP Cần Thơ. Trong xu thế hội nhập, nhiều bạn trẻ ý thức hơn việc học tập, rèn luyện kỹ năng để nâng cao khả năng cạnh tranh, sẵn sàng tham gia thị trường lao động quốc tế. Đồng hành với SV, các cấp bộ Đoàn – Hội triển khai nhiều chương trình, dự án giúp SV giỏi chuyên môn, vững kỹ năng…
Tự tin hội nhập
Góc Hàn Quốc (HQ) Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ ra mắt tháng 8-2017, là nơi học tập và sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm SV tìm hiểu về kinh tế - xã hội, văn hóa đất nước và con người HQ. Với không gian rộng hơn 20m2, nơi đây lưu giữ nhiều ấn phẩm, từ sách, báo, tạp chí đến những bức tượng, vật kỷ niệm do bạn bè nước bạn gởi tặng. Say mê đọc tạp chí giới thiệu về văn hóa HQ, Văn Gia Hân, SV ngành Công nghệ thực phẩm, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn sẽ du học hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm tại HQ. Góc HQ giúp em tìm hiểu xứ sở kim chi, làm hành trang khởi nghiệp tương lai”.
Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ với tiết mục đờn ca tài tử giới thiệu đến bạn bè quốc tế trong lễ tổng kết diễn đàn “Thủ lĩnh sinh viên Đông Nam Á” lần thứ 6 năm 2017. Ảnh: Q. THÁI
Còn Nguyễn Thị Phương Dung, SV ngành Quản lý công nghiệp, từng tham gia hỗ trợ các SV HQ tham gia chương trình tình nguyện tại TP Cần Thơ. Trong 2 tháng, Dung và SV trường hướng dẫn bạn trẻ nước bạn tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, giới thiệu phong tục tập quán người miền Tây, dạy tiếng Việt. Dung cũng có dịp tìm hiểu văn hóa HQ qua những hoạt động bổ ích: học tiếng Hàn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam – HQ ngày càng gắn kết, nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, dẫn đến nhu cầu lao động của các doanh nghiệp HQ khá cao, kể cả xuất khẩu lao động. Vì vậy, theo Dung, những hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật là nền tảng giúp SV nâng cao kiến thức về nước bạn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc sau này.
Anh Vi Nhật Bình, Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Trường luôn tạo điều kiện để SV tham gia các chương trình trao đổi SV, giao lưu quốc tế. 2 năm qua (2016 và 2017), trường xét chọn 15 SV tham gia chương trình trao đổi SV hoặc giao lưu văn hóa. Dự kiến quý I-2018, sẽ có 10 SV của trường tham gia chương trình này tại Thái Lan”. Tháng 3-2016, Hội SV thành lập CLB Tiếng Anh, thu hút gần 300 SV tham gia. CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt, hỗ trợ phiên dịch, hướng dẫn các đoàn SV nước ngoài, qua đó, rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh.
Theo chị Trần Thị Thủy Tiên, Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Cần Thơ, năm 2017, Hội SV trường phối hợp tham gia tổ chức thành công chương trình Diễn đàn “Thủ lĩnh SV Đông Nam Á” lần thứ 6 và Hội nghị mạng lưới công tác SV AUN lần thứ 2 năm 2017 với sự tham gia của 92 đại biểu Ban Thư ký AUN và 22 trường ĐH hàng đầu của 9 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tham gia chương trình, SV trường giới thiệu về văn hóa Việt Nam thông qua các tiết mục văn nghệ, giao lưu và hội trại văn hóa. Song song đó, Hội SV trường củng cố các CLB, đội, nhóm, đến nay, toàn trường có 119 Chi hội SV trực thuộc 13 Liên chi hội SV và nhiều CLB, đội, nhóm SV, thu hút khoảng 13.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, CLB Tiếng Anh thường xuyên sinh hoạt từng chủ đề giới trẻ quan tâm. Đây cũng là sân chơi giúp SV nâng cao trình độ ngoại ngữ, chủ động trang bị kỹ năng mềm để hội nhập quốc tế.
Nhiều bạn trẻ chủ động rèn kỹ năng ngoại ngữ thông qua việc làm bán thời gian. Điển hình như Nguyễn Trần Phúc Duy, SV ngành Phiên dịch – Biên dịch tiếng Anh, làm trợ giảng tại trung tâm ngoại ngữ và cộng tác viên hướng dẫn du lịch. Duy chia sẻ: “Khả năng nghe, nói tiếng Anh của tôi tiến bộ hơn và có cơ hội quen biết thêm bạn bè quốc tế và hiểu văn hóa nước bạn”. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn – Hội thành phố thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ về chủ đề chuyển dịch lao động tự do trong khu vực ASEAN: thời cơ, thách thức với người trẻ và giải pháp để SV ứng phó; tập huấn kỹ năng mềm để SV nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Đồng thời, nắm bắt nhiều cơ hội phát triển bản thân, quảng bá để góp phần nâng cao vị thế Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Sức mạnh mềm
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, nhiều cán bộ Đoàn cho rằng, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm tốt, là sức mạnh mềm của SV trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nhiều SV hiện khá hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Trước thực trạng đó, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn – Hội trường ĐH, CĐ tại Cần Thơ chú trọng giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho SV, gắn với triển khai thực hiện phong trào “SV 5 tốt” (đạo đức tốt, học tập tốt, tình nguyện tốt, thể lực tốt và hội nhập tốt), do Hội SV Việt Nam phát động.
Theo anh Tạ Thanh Hồng, Bí thư Đoàn Trường CĐ Y tế Cần Thơ, phong trào “SV 5 tốt” là giải pháp giúp SV tự tin hội nhập. Khi SV tham gia và đạt danh hiệu này, tự rèn luyện 5 tiêu chí, ngoài học tập, đạo đức, chia sẻ cộng đồng còn là kỹ năng giúp SV tự tin hội nhập. Tuy nhiên, SV trường còn yếu kỹ năng ngoại ngữ lẫn kỹ năng mềm. Vì vậy, thời gian qua, Đoàn – Hội SV trường phối hợp giới thiệu nhiều SV tham gia các hoạt động có yếu tố nước ngoài để rèn kỹ năng nghề nghiệp. Hằng năm, khoảng 20 SV trường tham gia lực lượng tình nguyện viên chương trình Mekong Delta. Trong khuôn khổ chương trình, SV tham gia nhiều hoạt động liên quan lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cải tạo chất lượng cuộc sống, môi trường xanh... Đây là hoạt động hữu ích giúp SV ngành Y tìm hiểu, nâng cao kiến thức chuyên ngành, đồng thời, bổ sung kiến thức qua các hội thảo, thảo luận của chuyên gia. Đoàn trường phát động SV tham gia hỗ trợ bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hoặc các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần giáo dục y đức và nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên. Về kỹ năng ngoại ngữ, anh Tạ Thanh Hồng cho biết, hiện trường phối hợp mở 3 lớp tiếng Nhật cho khoảng 100 SV; giới thiệu 3 SV học tiếng Đức miễn phí. Sau khóa học, SV có cơ hội làm việc ở các nước có nền y tế phát triển tiên tiến.
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc tại Góc Hàn Quốc. Ảnh: Q. THÁI
Ban Giám hiệu, Đoàn – Hội SV Trường ĐH Tây Đô xem việc định hướng và giáo dục kỹ năng nghề nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên giúp SV có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Theo anh Lê Trung Thành, Chuyên viên Trung tâm Hỗ trợ SV và Hợp tác doanh nghiệp, mỗi năm, trung tâm phối hợp các đoàn thể trong trường tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ năng xin việc, ngày hội việc làm để kết nối SV với nhà tuyển dụng. Đầu năm học, nhà trường tổ chức hướng nghiệp, kỹ năng phỏng vấn xin việc cũng như giới thiệu SV thực tập tại các doanh nghiệp để nâng cao kiến thức thực tế và khả năng thực hành.
Theo đánh giá của các cán bộ Đoàn, SV hiện nay chú trọng rèn ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Không ít bạn trẻ nhận thức rằng, nếu không thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, từ tin học, ngoại ngữ đến kiến thức về pháp luật, kỹ năng thực hành, sẽ dễ tụt hậu, đào thải trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa…
HỒ THÁI