Đảng và Nhà nước ta xác định bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm xã hội (BHXH) là hai trụ cột an sinh chính của đất nước. Hiện nay, trụ cột BHYT cơ bản vững chắc, đang tiến gần mục tiêu BHYT toàn dân, nhưng trụ cột BHXH vẫn còn “mong manh, yếu ớt”. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt khoảng 30%. Thực trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH bắt buộc ở các công ty, doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân chính, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động, gây mất cân đối quỹ an sinh xã hội của đất nước. Đã đến lúc ngành chức năng và cả cộng đồng vào cuộc tìm giải pháp xoay chuyển thực trạng trên, nâng tỷ lệ BHXH theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tiến đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Ông Trần Văn Minh, Giám đốc BHXH Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đa số các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đều lập danh sách tham gia và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức, doanh nghiệp trốn đóng, kê khai chưa hết số lao động, nợ BHXH, BHYT, với tổng số nợ BHXH, BHYT trên 48 tỉ đồng.
►Muôn kiểu trốn đóng, nợ đọng
Các hình thức không đảm bảo quyền lợi người lao động chủ yếu là nợ và trốn đóng BHXH. Trong đó, hình thức trốn là phổ biến, cụ thể như không tham gia đầy đủ số lượng lao động làm việc tại đơn vị. Chẳng hạn, đơn vị có 100 lao động thì công ty chỉ tham gia BHXH cho 70 - 80 lao động; có nơi thậm chí chưa được 50% số lao động. Một số đơn vị chỉ tham gia cho người thân trong gia đình để đối phó với cơ quan chức năng, bỏ quên quyền lợi người lao động. Còn hình thức nợ BHXH, chủ sử dụng lao động không đóng hết số tiền BHXH nợ, khi nào cơ quan BHXH làm căng bằng cách thưa kiện thì họ mới chịu đóng.
Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc BHXH Cần Thơ, lãnh đạo một số tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Từ đó ảnh hưởng đến quyền được hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng có một số ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT. Quy định trước ngày 01-01-2018 chỉ xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt còn thấp. Từ đó dẫn đến một số doanh nghiệp để nợ BHXH kéo dài hoặc kê khai đóng BHXH, BHYT chưa đủ số lao động theo quy định của luật BHXH, BHYT.
Ông Nguyễn Tấn Lực, Giám đốc BHXH quận Thốt Nốt, cho biết: Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH khá phổ biến ở các địa phương tùy theo mức độ khác nhau. Cụ thể như Thốt Nốt quản lý 230 doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa. Một số doanh nghiệp có lực lượng lao động trên 2.000 người. Thời gian qua, Thốt Nốt xảy ra tình trạng chậm đóng, như doanh nghiệp không đóng theo từng tháng mà để đến 2, 3 tháng mới đóng, chấp nhận nợ lãi. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm, nợ đến cuối năm mới trả dứt điểm. Có đơn vị nợ số tiền lớn gần 6 tỉ đồng trong vài tháng, ảnh hưởng đến quyền lợi của số lượng lớn người lao động tại đơn vị này.
Tại quận Bình Thủy, năm 2019, đơn vị dựa trên kết quả quyết toán thuế của 2 năm trước, đã rà soát được 88 đơn vị với gần 9.000 người lao động chưa được tham gia BHXH. Đó là số liệu tham khảo, trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo nhắc nhở các công ty phải thực hiện tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động.
►Thực trạng đáng báo động
Không chỉ riêng ở các địa phương có khu công nghiệp, hay số lượng doanh nghiệp nhiều như Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt mới có tình trạng trốn đóng BHXH mà ở tại địa phương có doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng diễn ra việc nợ BHXH. Cụ thể tại huyện Phong Điền, cán bộ phụ trách thu BHXH huyện cho biết: Năm 2019, địa phương rất khó đạt chỉ tiêu BHXH bắt buộc. Hiện chỉ mới đạt hơn 88,6% chỉ tiêu cấp trên giao. Bởi lẽ, địa phương có nhiều doanh nghiệp nhận nhân công theo hình thức khoán thời vụ, nhân công theo ngày, theo tuần ở các cơ sở xây xát, cơ sở du lịch, công ty may… Các đơn vị này nêu nhiều lý do biện giải cho hành vi chậm đóng BHXH.
BHXH bắt buộc giống như lá bùa hộ mệnh, giúp người lao động giảm thiểu nhiều rủi ro trong cuộc sống. Ảnh: T.S
Người đại diện của một công ty may xuất khẩu ở Phong Điền cho rằng: Do việc làm ăn công ty không thuận lợi nên chậm đóng; chứ làm ăn được công ty cũng sẽ đóng, vì cũng muốn giữ uy tín với công nhân, giữ chân họ phục vụ lâu dài cho công ty. Đằng này, công ty có vài chục lao động, nhiều người vào làm chỉ một thời gian ngắn là nghỉ, nhưng thanh tra vào kiểm tra là yêu cầu phải đóng hết. Chưa kể nhiều lao động nữ khi có chồng, sinh con lại nghỉ. Mỗi tháng công ty phải đóng mấy chục triệu đồng, lúc không có đơn hàng thì tiền đâu mà đóng…
Theo hồ sơ BHXH huyện Phong Điền cung cấp thì công ty may xuất khẩu nói trên nợ BHXH nhiều năm. Năm 2015, BHXH huyện Phong Điền đã làm hồ sơ khởi kiện công ty này ra tòa án, yêu cầu giải quyết các vấn đề về việc công ty này không nghiêm túc chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, để nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính từ năm 2011 đến 2015, công ty nợ đọng trên 166 triệu đồng. Đây thực sự là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động.
Ngay sau khi có hồ sơ khởi kiện tại tòa thì công ty đã khắc phục bằng cách đóng một phần tiền nợ. Chu trình này cứ lặp đi lặp lại, là thực trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Vấn đề là trước giờ trên toàn thành phố chưa hề có vụ xét xử nào liên quan đến doanh nghiệp trốn đóng BHXH, mặc dù hiện nay Bộ luật Hình sự đã có quy định tội danh để xử lý hành vi này.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2018, số lao động thuộc diện tham gia BHXH trên cả nước là 14,724 triệu người (trong đó BHXH bắt buộc là 14,45 triệu người; BHXH tự nguyện 271 nghìn người). Chính sách BHXH đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức: Tỷ lệ bao phủ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu và chất lượng an sinh xã hội; các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 chưa đạt như kỳ vọng. Tính đến hết ngày 31-12-2018, tỷ lệ tham gia mới đạt được 30% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Kết quả này cho thấy, mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW khó có thể đạt tỷ lệ 50% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH vào năm 2020.
Theo quy định, khi người lao động có ký kết Hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên hoặc Hợp đồng không xác định thời hạn sẽ được các đơn vị, tổ chức mua BHXH bắt buộc và được hưởng các chế độ như: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Không chỉ người lao động khi tham gia BHXH sẽ được hưởng các chế độ nói trên, về phía doanh nghiệp, việc tham gia BHXH vừa thể hiện việc tuân thủ pháp luật, vừa thể hiện đạo đức trong kinh doanh. Doanh nghiệp tham gia BHXH thực ra còn được hưởng nhiều quyền lợi bao gồm quyền lợi lớn từ chính sách thuế. Cụ thể khi doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động thì khoản chi phí đóng BHXH cho người lao động doanh nghiệp sẽ được trừ vào khoản chi không phải quyết toán thuế.
Vì thế, với việc trốn đóng BHXH, các doanh nghiệp không chỉ trực tiếp gây tổn hại đến lợi ích của người lao động, mà còn vi phạm pháp luật.
Bài 2: Vì quyền lợi chính đáng người lao động
YẾN- SƯƠNG