21/05/2023 - 12:41

Saudi Arabia không còn hào phóng như trước

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Có thời điểm nếu một quốc gia Arab hay Hồi giáo gặp khó khăn thì biết phải tìm đến nước nào ngay lập tức và nước đó không ai khác chính là Saudi Arabia. Nhưng nay đất nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ này không còn hào phóng như trước...

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) trong chuyến thăm Ai Cập hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Telegraph

Thời tài trợ vô điều kiện đã qua

Từ năm 2023, Riyadh đang dần thay thế chính sách cung cấp viện trợ tiền mặt vô điều kiện cho các đồng minh bằng các khoản đầu tư có mục tiêu. Ðó là một phần của chính sách đối ngoại “Saudi Arabia trên hết (Saudi First)”, trong đó đặt lợi ích của đất nước và công dân của vương quốc giàu dầu mỏ này lên trên lợi ích địa chính trị của các đồng minh, cho dù nước đó là Mỹ hay bất kỳ quốc gia Arab nào khác. “Ðầu tư và giao dịch kinh tế là con đường phía trước. Anh em là anh em mà kinh doanh là kinh doanh. Nếu nước chúng tôi bỏ ra hàng tỉ USD, thì chúng tôi với tư cách là người dân Saudi Arabia đều muốn nhìn thấy số lợi nhuận cuối cùng. Thật không may, nhưng tăng trưởng kinh tế là động lực thúc đẩy thế giới ngày nay” - một nông dân 60 tuổi tên Abu Nayef Nayef bày tỏ quan điểm.

Thật vậy, “Saudi First” thể hiện sự thay đổi văn hóa cơ bản đối với giới lãnh đạo của Saudi Arabia cũng như sự chuyển biến trong cách nước này nhìn nhận vai trò của mình tại khu vực. Kể từ khi hoạt động khai thác dầu mỏ nở rộ vào những năm 1960 và 1970, Saudi Arabia đóng vai trò như người “anh cả”, chuyên cung cấp tài chính và mạng lưới an toàn cho các quốc gia Arab và Hồi giáo, sẵn sàng ném “phao cứu sinh” cho các đồng minh gặp khủng hoảng hay chi hàng tỉ USD mà không đưa ra bất kỳ điều kiện hoặc nghi vấn nào. Chỉ trong 12 năm qua, Saudi Arabia đã trao 3 tỉ USD cho Jordan, 5 tỉ USD cho Pakistan và chiếm phần lớn trong số 92 tỉ USD tiền mặt và dầu mỏ mà Ai Cập đã nhận được từ các nước vùng Vịnh kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, khi Saudi Arabia bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman vào năm 2016, nước này tìm cách xây dựng một khu vực tư nhân phi dầu mỏ. Chính quyền Riyadh lần đầu tiên sau nhiều thế hệ đã áp đặt thuế đối với công dân và suy nghĩ lại về chính sách cứu trợ bằng tiền mặt của nước này. Giới chức Saudi Arabia đồng thời đưa ra những gợi ý hoặc tuyên bố cho thấy “thời” của chính sách tài trợ vô điều kiện đã qua. Thay vào đó, Saudi Arabia đã đề nghị rót tiền vào phát triển du lịch, cảng và ngân hàng, những dự án vốn sẽ mang lại lợi tức đầu tư.

Năm 2022, Quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia do Thái tử Bin Salman làm chủ tịch đã đầu tư 24 tỉ USD vào Ai Cập, Jordan, Iraq, Bahrain, Oman và Sudan. Song, Saudi Arabia đã từ chối cung cấp thêm bất kỳ gói cứu trợ hoặc khoản vay không lãi suất nào cho Pakistan. Ðộng thái này đã khiến Chính phủ Pakistan bị sốc và khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Pakistan Ishaq Dar phàn nàn rằng ngay cả các nước thân thiện cũng không muốn giúp đỡ Islamabad thoát khỏi tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Hiện Pakistan đang rất cần duy trì dòng vốn USD để tránh tình trạng vỡ nợ đối với việc hoàn trả khoản vay quốc tế gần 80 tỉ USD trong 3,5 năm tới. Ðáng lo ngại, nước này hiện chỉ có 3 tỉ USD dự trữ ngoại hối.

Cách tiếp cận kiểu IMF

Theo CS Monitor, chính sách đối ngoại “Saudi First” của Saudi Arabia đã bị đại dịch COVID-19 làm chậm lại nhưng nó đã được chính thức công bố trong năm nay. Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan còn vạch ra hướng đi mới dành cho “Saudi First” trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1. “Chúng tôi từng tài trợ trực tiếp mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Và chúng tôi đang thay đổi điều đó. Chúng tôi cần xem xét các cải cách trước khi cung cấp gói hỗ trợ. Chúng tôi đang đánh thuế người dân. Chúng tôi mong những nước khác cũng làm như vậy. Chúng tôi muốn giúp đỡ nhưng chúng tôi muốn bạn cũng làm phần việc của mình” - ông Jadaan nhấn mạnh.

Mansour Almarzoqi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao Hoàng tử Saud Al-Faisal, cho rằng Saudi Arabia có lý do riêng khi triển khai “Saudi First”. “Ý tưởng đằng sau chính sách viện trợ không miễn phí của Saudi Arabia là giúp các quốc gia đó cải thiện hoạt động thể chế của họ. Một cách để khuyến khích các quốc gia giải quyết vấn đề phát triển cơ cấu kinh tế của họ và nói rằng chúng tôi sẽ giúp bạn nhưng đổi lại các bạn cần phải giải quyết vấn đề này, các bạn không thể trì hoãn lâu hơn nữa” - ông Almarzoqi nói.

Với cách tiếp cận trên, tờ New York Times cho biết, Chính phủ Saudi Arabia đã áp dụng mô hình viện trợ và hỗ trợ của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), điều này mang lại cho nước này ảnh hưởng lớn hơn trước đối với chính trị khu vực, với các quốc gia lớn hơn như Pakistan, Ai Cập. Vì thế, dù vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Pakistan, Saudi Arabia vẫn muốn Islamabad ký thỏa thuận tài chính với IMF trước khi Riyadh có thể quyết định bất kỳ dự án đầu tư hoặc cho vay nào vào Pakistan. Saudi Arabia cũng đã chùn bước trước kế hoạch mua các công ty ở Ai Cập vì nước này từ chối cải cách thể chế theo yêu cầu của IMF nhằm giải quyết vấn đề lạm phát, nợ công tăng cao và khủng hoảng tiền tệ.

Dù “Saudi First” được triển khai nhưng chính sách hỗ trợ nhân đạo quy mô lớn của Saudi Arabia vẫn chưa dừng lại. CS Monitor cho hay Riyadh vẫn đang gửi viện trợ, gồm 100 triệu USD cứu trợ động đất cho Syria và 100 triệu USD cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá Sudan. Năm ngoái, Saudi Arabia còn trao 5 tỉ USD để giúp Ai Cập vượt qua cú sốc giá lúa mì do ảnh hưởng bởi “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga phát động tại Ukraine, 600 triệu USD cho các cộng đồng Sudan bị lũ lụt tàn phá cũng như 1 tỉ USD cho Yemen để ổn định tiền tệ nước này. 

Chia sẻ bài viết