27/05/2023 - 08:29

Saudi Arabia đưa nữ phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ 

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Saudi Arabia vừa ghi dấu ấn lịch sử trong ngành hàng không vũ trụ khi đưa hai phi hành gia Rayyanah Barnawi và Ali Al-Qarni lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Với chuyến bay này, cô Rayyanah Barnawi đã trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Saudi Arabia bay vào không gian.

Nữ phi hành gia Rayyanah Barnawi.

Công ty hàng không vũ trụ thương mại Axiom Space - đối tác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) - đã triển khai thành công sứ mệnh thứ hai đưa phi hành đoàn tư nhân lên ISS bằng tên lửa Falcon 9 của Công ty vũ trụ SpaceX ngày 21-5. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong mục tiêu hướng tới thương mại hóa du hành không gian, sau chuyến bay đặc biệt đầu tiên được thực hiện vào tháng 4 năm ngoái. Được biết, SpaceX đã lên kế hoạch thực hiện thêm các chuyến bay đưa người lên ISS trong những năm tới. Theo bảng giá mới nhất của NASA, chi phí cho mỗi vị khách bay lên ISS là 2.000 USD/ngày gồm cả thực phẩm nhưng chưa bao gồm tiền thuê túi ngủ 1.500 USD và các thiết bị khác.

Ngoài hai công dân Saudi Arabia, phi hành đoàn Axiom Mission 2 còn bao gồm hai người Mỹ là cựu phi hành gia Peggy Whitson của NASA và phi công John Shoffner đến từ bang Tennessee. Trong thời gian 8 ngày ở trên trạm ISS, phi hành đoàn đặt mục tiêu tiến hành 20 dự án nghiên cứu, trong đó có 14 dự án được phát triển bởi các nhà khoa học Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh lý con người, sinh học tế bào và phát triển công nghệ.

Giới truyền thông cho rằng việc cô Rayyanah Barnawi bay vào vũ trụ không chỉ giúp ích cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Saudi Arabia, mà còn truyền cảm hứng cho phụ nữ nước này hiện thực hóa ước mơ của bản thân. Phát biểu trước khi khi khởi hành lên ISS, nữ phi hành gia 33 tuổi đã thể hiện sự vinh dự khi được đại diện cho Saudi Arabia thực hiện nhiệm vụ lần này. “Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được đại diện cho tất cả những giấc mơ và hy vọng của toàn thể nhân dân Saudi Arabia, cũng như tất cả phụ nữ ở quê nhà” - Barnawi phát biểu trong cuộc họp báo.

Trước khi tham gia sứ mệnh Axiom Mision 2, Barnawi được biết đến như một phụ nữ tài năng và đáng ngưỡng mộ. Trên cương vị là một nhà nghiên cứu y sinh học, cô có kinh nghiệm nghiên cứu tế bào gốc ung thư gần một thập kỷ. Barnawi từng tốt nghiệp Cử nhân Di truyền học, Sinh sản và Phát triển của Đại học Otago (New Zealand). Sau khi lấy bằng Thạc sĩ Khoa học Y sinh tại Đại học Alfaisal (Saudi Arabia), cô làm việc cho phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện Chuyên khoa King Faisal tại thủ đô Riyadh.

Theo Hãng tin Anh The Independent, mục đích Saudi Arabia đưa hai phi hành gia lên ISS là nhằm tăng cường năng lực quốc gia trong “Kế hoạch những chuyến bay vũ trụ có người điều khiển” và đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực như y tế, phát triển bền vững và công nghệ hàng không vũ trụ. Trước đó, vào năm 1985, Hoàng tử Salman bin Salman bin Abdulaziz - cựu phi công của lực lượng không quân Saudi Arabia - đã tham gia một sứ mệnh không gian do Mỹ tổ chức, trở thành người Arab và người Hồi giáo đầu tiên bay vào vũ trụ.

Việc tăng cường cho lĩnh vực công nghệ và thám hiểm vũ trụ cũng cho thấy những nỗ lực của chính quyền Riyadh trong việc rũ bỏ “hình ảnh bảo thủ” và tăng cường bình đẳng giới. Bên cạnh đẩy mạnh cải cách, Saudi Arabia còn đa dạng hóa nền kinh tế và giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman nắm quyền vào năm 2017, nước này có nhiều chính sách thúc đẩy quyền phụ nữ. Những năm gần đây, Saudi Arabia đã tăng hơn gấp đôi tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động, từ 17% lên 37%. Phụ nữ đã cũng được phép lái xe và du lịch nước ngoài mà không cần nam giới giám hộ.

Chia sẻ bài viết