02/11/2017 - 20:43

Sao Mai Group khởi động công trình nghìn tỉ 

Xuyên suốt gần 800 ngày đêm tăng tốc thi công, vượt qua giai đoạn biến động lớn về giá cả vật liệu xây dựng, Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai đã hoàn thành. Hàng trăm kỹ sư, công nhân trên đại công trình nghìn tỷ của Sao Mai đã vỡ òa trong niềm vui khôn tả cho một ước mơ chạm tay đến mục tiêu cao cả vì tương lai bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam.

Khi lòng kiên định và ý chí con người vượt qua trở ngại 

Phối cảnh dự án Nhà máy chế biến thức ăn Thủy sản Sao Mai.

Trong chuỗi giá trị cá tra, thức ăn thủy sản chiếm khoảng 60-65%  giá trị toàn chuỗi. Tập đoàn Sao Mai đã quyết định “rót” hơn 800 tỉ đồng để đầu tư xây dựng Nhà máy thức ăn thủy sản, công trình lớn nhất cả nước hiện nay, có công suất 360.000 tấn/năm, với kỳ vọng sản xuất ra thức ăn thủy sản (TATS) có giá cả cạnh  tranh, sản phẩm không chất kháng sinh và các chất cấm theo qui định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Song song đó, nguyên liệu đầu vào được Nhà máy kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo đúng chất lượng như tiêu chuẩn ngành: 10 TCN 864: 2006, 10 TCN 984: 2006. 

Giai đoạn đầu, Nhà máy TATS Sao Mai sẽ sản xuất 2 loại thức ăn hỗn hợp cho cá tra và cá rô phi đạt tiêu chuẩn Quốc gia: TCVN 10300: 2014. Sao Mai Super Feed của Nhà máy có hệ số FCR thấp sẽ mang đến lợi nhuận cao cho các vùng nuôi để cá tra nguyên liệu khi đưa về nhà máy chế biến sẽ đạt định mức tốt.

Với sự tư vấn kỹ thuật của nhóm Giáo sư – tiến sĩ hàng đầu Việt Nam, máy móc thiết bị của nhà máy được nhập khẩu có hệ thống nạp nguyên liệu tự động theo công nghệ mới nhất của châu Âu và Hoa Kỳ cùng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, ham học hỏi, nhiệt huyết, Nhà máy sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, GLOBAL GAP, ASC, BAP. Bộ tiêu chuẩn này cùng với các tiêu chuẩn mà Trại sản xuất giống, trang trại nuôi cá và hai nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đã đạt được sẽ đảm bảo đáp ứng toàn bộ những tiêu chí của các thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ.

Nhà máy có vị thế tuyệt đẹp, hướng tầm nhìn về ngã ba sông – nơi giao thoa của 2 con sông lớn chảy qua 4 tỉnh An Giang – Đồng Tháp – Cần Thơ và Kiên Giang. Nơi hội tụ những “tài sản quí báu” của dòng Mekong hình thành nên thánh địa của nghề nuôi trồng thủy sản và canh tác lương thực. Tựa lưng vào những tài nguyên tiềm tàng, Nhà máy chế biến TATS Sao Mai sẽ vực dậy đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân giúp họ bám đất, giữ ruộng để sáng tạo. Sao Mai Super Feed – sản phẩm của Nhà máy là sự chắt chiu, hội tụ tinh hoa của ĐBSCL, sẽ trở thành người bạn đồng hành tin cậy, thủy chung gắn kết bền vững, vì lợi ích chung của cả toàn ngành công nghiệp cá tra Việt Nam.

Phán đoán chính xác và hành động nhanh

Gần hai mươi năm qua, từ một loài cá bản địa, khai thác tự nhiên, con cá tra đã phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược của Việt Nam khi thị trường tiêu thụ đã vươn đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, sản lượng nuôi trồng đã tăng hơn 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần, đóng góp gần  2% GDP cả nước. Nhóm sản phẩm cá tra chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển thủy sản cả nước, bởi chỉ sử dụng diện tích rất nhỏ để nuôi (khoảng 6.000 ha mặt nước, bằng 1% diện tích nuôi tôm) nhưng lại có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục vạn công nhân, nông ngư dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở vùng ĐBSCL.

Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành, tương lai của ngành cá tra Việt Nam sẽ bị đe dọa nếu không đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu & phát triển (R&D) và trong rất nhiều lĩnh vực cần quan tâm, thì những vấn đề R&D cần được tập trung đầu tư càng sớm càng tốt là: Nghiên cứu sinh sản, cải thiện di truyền giống cá tra, nghiên cứu dinh dưỡng và thức ăn cho cá tra.

Tập đoàn Sao Mai đã có sự phán đoán chính xác về nhu cầu của khách hàng luôn hướng đến việc kiểm soát được chất lượng cho toàn chuỗi và dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, Sao Mai đã nhanh chóng đầu tư rất lớn vào chuỗi giá trị cá tra bao gồm: Các trang trại nuôi cá của Tập đoàn và các trang trại nuôi liên kết, 2 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu công suất 600 tấn nguyên liệu/ngày, nhà máy chế biến phụ phẩm công suất 300 tấn nguyên liệu/ngày, nhà máy tinh luyện dầu cá cao cấp công suất 200 tấn nguyên liệu/ ngày. Mô hình 3 F (Feed-Farm-Food) của Sao Mai đã hình thành từ bài học kinh nghiệm của ngành nông nghiệp Nhật Bản theo tiêu chí 3 H (Health, Hi.Quality, Hi.Technology – Sức khỏe - Chất lượng cao - Công nghệ cao). Đó cũng là xu hướng chung của ngành sản xuất nông nghiệp hiện đại trên thế giới mà Tập đoàn Sao Mai đã nắm bắt trước đây nhiều năm.

Bài, ảnh: Quang Trưởng 

Chia sẻ bài viết