03/01/2021 - 21:15

Sáng tạo với cách ghép trợ lực cho cây bưởi da xanh 

Tình cờ ghép cây bưởi long vào cây bưởi da xanh, ông Huỳnh Thanh Tùng (ấp 5, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã sáng tạo ra cách ghép trợ lực cho cây khá độc đáo. Quan trọng hơn hết, cách làm này đang là giải pháp hiệu quả trong việc cứu cây bưởi khi bị vàng lá thối rễ.

Kỳ lạ những cây bưởi nhiều gốc

Thời gian qua, ai tham quan vườn bưởi của ông Tùng cũng bất ngờ với những cây bưởi da xanh nhiều gốc kỳ lạ. Thấy nhiều người thắc mắc, ông Tùng giải thích là do ông ghép nhiều gốc bưởi long xung quanh cây bưởi da xanh để trợ lực. Theo ông Tùng, thường bưởi da xanh trồng từ nhánh chiết để mau cho trái nhưng tuổi thọ của cây không bằng trồng từ gốc ghép bởi khi trồng bằng cây chiết cành thì rễ lấy dinh dưỡng không mạnh như rễ nguyên thủy, do đó khi ghép thêm một số cây con vào sẽ giúp tăng cường hút dinh dưỡng nuôi cây mẹ. “Như 3-4 người đi làm mà nuôi 1 người thì người đó đương nhiên béo tốt rồi!” - ông Tùng ví von.

Ông Tùng cho biết đây là kỹ thuật mà ông tình cờ phát hiện ra khi trong vườn có một cây bị vàng lá thối rễ. Khi đó, ông trồng cây bưởi long kế bên rồi sử dụng gốc của nó trợ lực cho cây bưởi da xanh. Cây này không tốt lắm nhưng vẫn cứu được cây bưởi da xanh. Thấy hiệu quả, ông áp dụng qua các cây khác. “Cách làm cũng đơn giản, tôi lấy hạt bưởi long rải xung quanh gốc bưởi da xanh. Khi cây chuẩn bị ra đọt, lá già thì kéo những cây con này vô gốc, cạo đi lớp da rồi tháp vô cây mẹ và cắt bỏ phần đọt của cây bưởi long. Lúc này, cây bưởi mẹ vừa được tăng cường thêm một bộ rễ nên hút dinh dưỡng rất mạnh”.

Ông Tùng (trái) cho biết ghép gốc trợ lực giúp cây bưởi tăng cường sức chống chịu với bệnh vàng lá thối rễ.

Ông Tùng (trái) cho biết ghép gốc trợ lực giúp cây bưởi tăng cường sức chống chịu với bệnh vàng lá thối rễ.

Ông Tùng hiện có 4 công bưởi da xanh. Khi vừa đặt bưởi nhánh xuống thì ông trồng luôn cây bưởi long kế bên để chuẩn bị phương án ghép trợ lực cho cây. Ban đầu, ông chỉ ghép tăng cường 1 cây bưởi long cho 1 cây bưởi da xanh. Sau đó, rút kinh nghiệm dần, ông ghép thêm 3-4 cây bưởi long chỉ để nuôi 1 cây bưởi da xanh. Nhờ vậy, cây phát triển tốt và ra đọt nhanh hơn. “Mấy cây sau này tôi ghép nhiều gốc hơn nên cây cứng cáp, gió lớn cũng không sợ. Cách này rất dễ làm và tỷ lệ thành công đạt 100%” - ông Tùng giải thích thêm.

Giải pháp cứu cây bị vàng lá thối rễ

Thông thường, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi dễ nhận biết nhưng rất khó điều trị. Khi cây mắc bệnh thì trên đọt có xuất hiện lá vàng, đào gốc lên rễ bị thối. Năm 1997, tác giả Phạm Văn Kim đã thực hiện thành công việc chứng minh tác nhân gây bệnh vàng lá thối rễ của cam mật (Citrus cinensis) và quýt tiều (C. reculata) qua các bước thực hiện quy trình Kock và đã công bố tác nhân gây bệnh này là nấm Fusarium solani. Năm 2002, tác giả Lê Thị Thu Hồng và cộng sự đã nghiên cứu bệnh vàng lá chết nhanh trên cây quýt tiều tại Lai Vung (tỉnh Ðồng Tháp) cũng kết luận bệnh này do nhiều tác nhân gồm Fusarium, Pythium, Phytophthora và tuyến trùng gây ra. Trong đó sự tương tác giữa nấm Fusarium và tuyến trùng là quan trọng nhất.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết hiện nay nhiều nhà vườn làm cây giống không đạt tiêu chuẩn, do tập quán nhân giống của bà con là ít dùng gốc ghép vì tốn nhiều thời gian, chi phí. Thường người ta chỉ chiết để bán cho nhanh và cách làm giống này cần phải thay đổi. Bệnh vàng lá thối rễ do nấm Fusarium solani rất khó trị, cách tốt nhất là nhà nông nên dùng giống kháng bệnh. Trong khi đó, bưởi long là cây có múi có sức đề kháng rất tốt với nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh vàng lá thối rễ. Mô hình ghép gốc bưởi long vào cây bưởi da xanh đã giúp cây tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, tăng sức chống chịu đối với bệnh vàng lá thối rễ.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu nói: “Cây bưởi long chống chịu được nhiều loại bệnh trên cây bưởi nói chung. Tuy nhiên, hầu hết bưởi được trồng bằng giống chiết cành, bộ rễ rất yếu. Gần đây, tôi trực tiếp xem mô hình ghép bưởi long vào bưởi da xanh của ông Tùng, đây là cách làm thành công, không những chống chịu bệnh mà chịu hạn cũng rất tốt”.

Từ khi áp dụng kỹ thuật ghép trợ lực, vườn bưởi da xanh của ông Tùng hầu như không xuất hiện bệnh vàng lá thối rễ. Ông Tùng cho biết những cây bị bệnh, khi ghép cây bưởi long vào đã phục hồi dần và tốt trở lại, khi đó chỉ cần cắt đọt vàng bỏ đi. Hiện vườn bưởi của ông đã bước sang tuổi thứ 5, cây cho trái rất nhiều. Với 4 công bưởi, năm qua ông Tùng đã có thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật độc đáo này để bà con cùng xử lý khi cây bị bệnh vàng lá thối rễ. 

Bài, ảnh: BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết