16/03/2020 - 07:59

Sáng kiến giúp bệnh nhân ung thư thoải mái khi điều trị 

Trước những bất tiện của nhân viên y tế, người bệnh ung thư khi xạ trị bằng máy Cobalt 60, nhóm bác sĩ, kỹ sư của Khoa Điều trị tia xạ, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đã nảy ra sáng kiến cải tiến bàn xạ trị vùng chậu với giá vỏn vẹn chỉ 800.000 đồng. Trong khi đó, bàn xạ trị trên thị trường có giá thấp nhất 62 triệu đồng lên đến vài trăm triệu đồng.

Nhân viên Khoa Điều trị tia xạ cho bệnh nhân ung thư với bàn cải tiến.

Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ là BV chuyên khoa loại 1, chuyên điều trị bệnh ung thư cho bệnh nhân khu vực  ĐBSCL, vì thế, lượng bệnh nhân ở các tỉnh, thành đổ về điều trị rất đông. Trong đó, có khoảng 70% bệnh nhân cần xạ trị. Bình quân mỗi ngày, Khoa Điều trị tia xạ xạ trị cho khoảng 90 bệnh nhân. Máy Cobalt 60 hoạt động hết công suất 24 giờ/7 ngày mà cũng chưa đáp ứng hết yêu cầu của người bệnh.

Máy Cobalt 60 do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua Chính phủ Ấn Độ tặng cho bệnh viện vào năm 2010. Khi xạ, nhân viên phải thay đổi bàn xạ trị khi xạ các vùng khác nhau trên cơ thể người bệnh; hạn chế trong việc che chắn các cơ quan lành; bàn ngắn nên người bệnh khó nằm… Từ những bất tiện trên, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Phong, Trưởng Khoa Điều trị tia xạ, cùng kỹ sư vật lý phóng xạ Dương Tấn Phúc và Biện Minh Tâm nảy ra ý tưởng cải tiến bàn xạ trị.

Bệnh nhân đông, thời gian làm việc của nhân viên y tế rất bận rộn nên các bác sĩ tranh thủ làm thêm thứ 7, Chủ nhật. Sau khi lên ý tưởng, bàn bạc, nhóm đã tiến hành cải tiến làm bàn xạ mới bằng vật liệu gỗ. Do kỹ sư Biện Minh Tâm có nghề thợ mộc nên khá thuận lợi để triển khai ý tưởng. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bàn xạ trị mới ra đời. Bàn mới dài thêm 28,5cm, hai bên khoét sâu hơn 2,5cm, đầu bàn dài thêm 31cm. Nhóm đã tiến hành sử dụng bàn này thay thế bàn cũ từ tháng 3-2018, trong việc điều trị bệnh nhân xạ trị tại Khoa và ghi nhận được nhiều kết quả tích cực.

Theo kỹ sư Dương Tấn Phúc, bàn dài hơn nên người bệnh nằm duỗi chân thoải mái hơn. Chỗ khoét để máy cobalt 60 xoay chiều dễ dàng. Phát triển lên từ kỹ thuật xạ trị 3D thành 3D-CRT (Three-Dimensional Conformal Radiation Therapy) là xạ trị 3 chiều theo hình dạng khối u. Ngoài ra, người bệnh được sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gối kê chân, bộ cố định khuỷu chân và wedge (dụng cụ chỉnh liều vùng xạ)… sẽ giúp giữ cố định lâu để xạ trị chính xác hơn. Từ đó, ít biến chứng, kết quả điều trị tốt hơn. Đồng thời, người vận hành máy cũng đỡ vất vả hơn vì không phải thay đổi bàn khi xạ trị các vùng khác nhau.

Không dừng lại ở đó, từ tháng 5-2019, nhờ bàn cải tiến, Khoa đã áp dụng thêm kỹ thuật mới đỗ khuôn đúc chì cá nhân cho bệnh nhân. Bệnh viện đã đầu tư mua chì, đúc thành các khuôn chì cá nhân gắn vào khay che chắn các cơ quan lành trên cơ thể người bệnh. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Phong cho biết: Hiện tại, sáng kiến này đang sử dụng cho máy xạ trị Cobalt 60 để xạ trị các bệnh nhân vùng chậu, vùng đầu mặt cổ và ngực có trường chiếu bên che chắn chì, che chắn được các cơ quan lành của người bệnh, giúp liều xạ trị tối ưu hơn. Đến nay, sáng kiến này ứng dụng điều trị cho trên 5.000 bệnh nhân. Bệnh nhân không phải chi trả thêm chi phí. Đồng thời, tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị của bệnh viện.

Giải pháp “Cải tiến bàn xạ trị vùng chậu cho máy Cobalt 60” của Khoa Điều trị tia xạ, Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ đã đạt giải Nhì của Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật của TP Cần Thơ năm 2019. Nhưng điều làm các bác sĩ, kỹ sư vui hơn là hàng ngàn bệnh nhân ung thư – những người không may mắc phải căn bệnh nan y này, được điều trị tốt hơn, thoải mái hơn.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết