26/02/2009 - 08:47

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn

* 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm lên 5,328 tỉ USD
* Người lao động thất nghiệp trong năm 2009 sẽ được nhận hỗ trợ khi mất việc làm

Tại cuộc họp giao ban sản xuất tháng 2-2009 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tại Hà Nội, ngày 25-2 đại diện các Bộ ngành và doanh nghiệp có chung nhận định: Tuy tình hình sản xuất kinh doanh tháng 2 có dấu hiệu khá hơn so với tháng 1, nhưng nhìn chung đang gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải kịp thời hơn nữa và đồng bộ hơn nữa các giải pháp về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; về kích cầu tiêu dùng; về an sinh xã hội....

Theo báo cáo của Bộ KHĐT, tuy tháng 2 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) tăng 21,6% so với tháng 1 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp bởi tính chung 2 tháng mức tăng chỉ đạt 2,5% so với cùng kỳ 2008; trong khi cùng kỳ năm 2008 mức tăng so với cùng kỳ 2007 lên tới 16,3%.

Hiện nay, đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm 2008 và chỉ có một số ít mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là gạo tăng 113,2%, than đá tăng 9,4%, hạt tiêu tăng 6,5%, hạt điều tăng 2,1%. Nguyên nhân được nhận định là do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới và sự thu hẹp của thị trường do suy giảm kinh tế. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản đều giảm 20%. Việc nhập khẩu giảm tới 43,1% trong 2 tháng đầu năm cũng được xem là một trong những yếu tố gây khó khăn cho nền kinh tế đang phát triển như nước ta cần được theo dõi và có giải pháp phù hợp.

* Tin từ Cục đầu tư Nước ngoài (ĐTNN)-Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), do lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được trong tháng 2 cao hơn gấp nhiều lần so với tháng 1 nên đã nâng tổng vốn FDI đăng ký mới từ 160 triệu USD lên 1,513 tỉ USD với 68 dự án FDI được cấp phép trên cả nước trong vòng 2 tháng qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng dự án chỉ bằng 35% và tổng vốn đăng ký chỉ bằng 31%.

Do được đánh giá cao về triển vọng trung và dài hạn, xu hướng tăng vốn đầu tư cho các dự án FDI đang hoạt động vẫn được tiếp tục.Trong 2 tháng qua, các địa phương đã điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 3,815 tỉ USD. So với cùng kỳ, số dự án tăng thêm tuy có ít hơn nhưng lại tăng 41% về tổng vốn đăng ký. Như vậy, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong 2 tháng đầu năm đã lên 5,328 tỉ USD.

Mới đây, Cục Đầu tư Nước ngoài đã có Công văn số 901/BKH-ĐTNN gửi các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát và nêu rõ các dự án FDI gặp khó khăn cũng như các vướng mắc cụ thể để có biện pháp hỗ trợ hữu hiệu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thu hút và giải ngân FDI trong năm 2009.

* Tại cuộc họp báo giới thiệu Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động (NLĐ) mất việc làm trong doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, được tổ chức tại Hà Nội, chiều 25-2, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhấn mạnh: theo Quyết định, chỉ có các DN gặp khó khăn và số NLĐ bị mất việc của năm 2009 mới được trợ cấp, còn số NLĐ mất việc trong năm 2008 không thuộc diện được trợ cấp vì không thể xác định chính xác địa chỉ và họ có việc làm mới hay chưa. Số người lao động mất việc trong năm 2008 sẽ có những chính sách hỗ trợ khác.

Đối tượng được vay vốn lãi suất 0% để trả lương, trợ cấp cho NLĐ mất việc làm là những DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho NLĐ bị mất việc làm trong năm 2009, với thời hạn vay tối đa là 12 tháng. Mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán số nợ tiền lương và các khoản khác phải trả cho NLĐ bị mất việc làm.

Đối với NLĐ bị mất việc tại doanh nghiệp mà chủ bỏ trốn trong năm 2009, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm ứng ngân sách địa phương trả cho NLĐ có trong danh sách trả lương của DN khoản tiền lương mà DN đó còn nợ NLĐ. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của DN theo quy định của pháp luật. Nếu không đủ thì báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

NLĐ bị mất việc làm trong năm 2009, kể cả NLĐ đi làm việc tại nước ngoài phải về nước trước thời hạn do doanh nghiệp nước sở tại gặp khó khăn, sẽ được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm, được vay vốn để học nghề hoặc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày NLĐ bị mất việc làm hoặc ngày NLĐ phải về nước.

MINH CHÂU - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết