Cuối tuần trước, trên sân vận động Cần Thơ diễn ra trận đấu giao hữu giữa đội U17 Cần Thơ với đội bóng khá đặc biệt của những cầu thủ còn đang ngồi ghế giảng đường: sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Đây là trận đấu tập huấn của đội bóng sinh viên miền Tây chuẩn bị tham dự Giải bóng đá chuyên nghiệp dành cho sinh viên - SV League 2020 lần đầu tiên được tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Cầu thủ của đội ĐH Cần Thơ (trái) trong trận đấu tập huấn với U17 Cần Thơ. Ảnh: HOÀNG QUYÊN
Tại Cần Thơ, phong trào sinh viên đá bóng đang phát triển mạnh với các sân cỏ nhân tạo tại các trường đại học, cao đẳng không còn giờ trống vào cuối ngày. Từ hàng chục ngàn sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Cần Thơ, ban huấn luyện không khó để chọn quân số cho đội bóng chuẩn bị tham dự giải đấu dành cho sinh viên. Không thiếu những cầu thủ có kỹ năng, kỹ thuật đá bóng nhưng vấn đề là họ có vẻ hơi lúng túng và “khớp” khi được ra sân cỏ tự nhiên 11 người. Thế nên, đội bóng của những sinh viên khoác áo số không thể cầm cự với đội bóng được tập luyện thường xuyên của Cần Thơ, dù là lứa U17. Đội bóng Trường Đại học Cần Thơ còn nhiều việc cần phải hoàn thiện trước khi bước vào giải đấu kéo dài như SV League.
Giải SV League được tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp như giải vô địch quốc gia V.League, với 8 đội bóng dự tranh ở mùa giải đầu tiên. 8 đội bóng đại diện của các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, gồm: Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Kỹ thuật, Nông Lâm, Sài Gòn, Tôn Đức Thắng, Văn Hiến và Cần Thơ. Các đội thi đấu theo thể thức đá vòng tròn sân nhà, sân khách vào mỗi cuối tuần, sau đó chọn ra 4 đội bóng vào bán kết, chung kết tranh vô địch với số tiền thưởng lên tới 200 triệu đồng.
Lâu nay, thể thao sinh viên nói chung và bóng đá sinh viên nói riêng luôn gặp khó khăn về tài chính, tài trợ, nên các giải đấu thường chỉ tập trung thi đấu trong một vài tuần hoặc 1-2 tháng, kể cả giải bóng đá sinh viên toàn quốc. Nhưng với SV League, các đội bóng sinh viên dự kiến thi đấu từ khoảng cuối tháng 3 đến tháng 11-2020. Vấn đề tài chính cũng được tháo gỡ, khi mỗi đội bóng nhận được sự bảo trợ của một ông bầu là chủ doanh nghiệp. Đó là những người đã để lại nhiều dấu ấn trong làng bóng đá Việt như các ông bầu Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Trần Thanh Hải (Nutifood), hay từ các doanh nhân Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu Group), Nguyễn Quốc Kỳ (Viettravel), Nguyễn Anh Khiêm (Hưng Phú), Nguyễn Hoàng Anh (Nam Miền Trung), Nguyễn Miên Tuấn (Rồng Việt).
Sự chung tay góp sức của các ông bầu được xem là sự đảm bảo cho tính chuyên nghiệp, lâu dài của giải đấu đầy hứa hẹn, hấp dẫn, sôi động. Đây có thể là giải đấu tiền đề để hướng đến thành lập đội tuyển Sinh viên Việt Nam đi thi đấu quốc tế, cũng như là nền tảng nâng cao thể chất cho các cử nhân tương lai của đất nước dựa trên nền tảng chuyên nghiệp từ sân bãi thi đấu, cho đến các HLV dẫn dắt.
Nhiều năm qua, các giải bóng đá dành cho sinh viên vẫn được tổ chức theo nhiều cách khác nhau, nhưng không đình đám bởi nguồn kinh phí hạn chế, cũng như được quảng bá theo dạng bóng đá phong trào. Năm nay, giải SV League do Công ty cổ phần Thể thao NutiFood đứng ra tổ chức mùa giải đầu tiên. Dù có thể còn nhiều khó khăn, nhưng SV League được kỳ vọng góp phần thúc đẩy nền tảng bóng đá phát triển mạnh hơn như nhiều quốc gia đang thực hiện.
NGUYỄN MINH