05/06/2022 - 08:38

Sách xưa trong diện mạo mới 

Gần đây, nhiều tác phẩm văn học kinh điển và sách về lịch sử được nhiều đơn vị xuất bản giới thiệu với diện mạo mới. Về nội dung, các tác phẩm được giữ nguyên bản thảo gốc nhưng có thêm chú giải, lời giới thiệu để bạn đọc ngày nay dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, những danh tác xưa với sự đầu tư về trình bày, minh họa, có sự tham gia của các họa sĩ đương đại nổi tiếng tạo nên nét độc đáo cho các ấn phẩm.

Bộ sách “Đại Nam thực lục”.

Bộ sách “Đại Nam thực lục”.

Đầu tháng 6 này, VinaBoooks phối hợp với NXB Hà Nội, Viện Sử học tổ chức lễ ra mắt bộ sách “Đại Nam thực lục” gồm 10 tập. Đây là bộ chính sử lớn, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm, gồm 560 quyển ghi chép thực toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn, cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn.

Bộ sách được biên soạn theo phương pháp biên niên nên rất cần, rất dễ để tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chí theo trình tự thời gian và phương pháp ký sự có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử theo lát cắt của thời gian. Những năm 60 của thế kỷ XX, Viện Sử học đã tập hợp các nhà nghiên cứu uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương... để dịch và hiệu đính. Năm 1962, Viện Sử học xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt (tập 1) bộ “Đại Nam thực lục” và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập. Đây là công trình dịch thuật đồ sộ được đông đảo độc giả hoan nghênh và đánh giá cao. Nhân kỷ niệm 60 năm (1962-2022) ra đời, bộ sách được tái bản lần thứ hai, gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang, khổ 16x24cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp, thẩm mỹ và trang trọng.  

Cũng viết về lịch sử nhưng bộ tiểu thuyết viết về nhà Trần và cuộc chiến chống Nguyên Mông, của nhà văn Hà Ân là sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử, cảm xúc dạt dào và tưởng tượng phong phú của nhà văn. NXB Kim Đồng vừa tái bản trọn bộ tiểu thuyết này, gồm: “Trên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mạc”, “Trăng nước Chương Dương”, “Người Thăng Long”, “Khúc khải hoàn dang dở”. Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc vì nó được tác giả viết trong khoảng thời gian kéo dài 35 năm (“Bên bờ Thiên Mạc” ra đời năm 1967 đến “Khúc khải hoàn dang dở” là năm 2002). Lần tái bản này, 5 tiểu thuyết được in thành 3 cuốn sách bìa cứng với tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong, tạo nên bộ sách đẹp về nội dung lẫn hình thức.

Để những danh tác xưa gần gũi và có sức hút hơn với độc giả hôm nay, các đơn vị xuất bản chú trọng đầu tư tranh minh họa cho các tác phẩm. Tiêu biểu như NXB Kim Đồng đã đưa tới độc giả ấn bản mới “Lĩnh Nam chích quái” với phiên bản minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long. Tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng được Công ty Sách Đông A và NXB Văn học ấn hành có nhiều hình minh họa của họa sĩ Thành Phong, phần nào chuyển tải được tinh thần trào phúng, châm biếm, giễu nhại của tác phẩm qua cách nhìn hiện đại. Tiểu thuyết dã sử “Tiêu Sơn tráng sĩ” của nhà văn Khái Hưng xuất bản thành sách năm 1937, được Nhã Nam in lại trong bộ “Việt Nam danh tác” cùng bộ tranh minh họa của họa sĩ Trần Bình Lộc... Đặc biệt, có những tác phẩm được làm thành artbook (sách tranh) rất công phu, tỉ mỉ. Điển hình như bộ đôi tác phẩm nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam: “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ và “Nam Hải dị nhân liệt truyện” của Phan Kế Bính được NXB Kim Đồng làm mới bằng artbook qua gần 400 tranh minh họa được vẽ tay hoàn toàn của họa sĩ Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tạ Huy Long.

Sự nỗ lực của các đơn vị xuất bản trong việc tái bản sách xưa với diện mạo mới không chỉ truyền tải giá trị của quá khứ, mà còn đưa câu chuyện mang âm hưởng thời đại, giúp thế hệ trẻ tiếp cận nhiều hơn về sách sử cũng như tác phẩm văn học kinh điển.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết