14/06/2014 - 21:11

Rộng cửa cho người dân mua nhà ở xã hội

Gói tín dụng của Chính phủ dành cho nhà ở xã hội 30.000 tỉ đồng, sau hơn một năm triển khai nhằm "giải cứu" thị trường bất động sản (BĐS) đã giải ngân được 13,2%. Mới đây, Bộ Xây dựng chủ trương thúc đẩy nhanh hơn giải ngân nhằm mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội.

* Rộng cửa cho người có thu nhập thấp

Thực tế sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, thị trường BĐS cả nước đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp... Có thể nói, trong 5 tháng đầu năm 2014 gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Nếu như tại thời điểm 31-12-2013, tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỉ đồng, thì đến thời điểm 31-5-2014, tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỉ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn. Riêng tại TP Cần Thơ, ngoài dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Mỹ Hưng đã được giải ngân trên 30 tỉ đồng, thì Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TP Cần Thơ cũng vừa được Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương và ghi vốn để sắp tới sẽ triển khai hoàn thiện các dãy nhà nằm trong khu chung cư 5 tầng Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng phục vụ nhu cầu người dân có thu nhập thấp.

Nhà xây thô ở các dự án Nam Cần Thơ đang rất khó tìm đầu ra.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng ghi nhận, vấn đề khiến người dân vẫn còn "ngại" tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là lãi suất cho vay mặc dù đã được ưu đãi điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1-2014, nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội… Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 22/TTr-BXD về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Sắp tới Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn đi kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng này nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân.

* Vẫn còn nhiều băn khoăn

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - nơi "tấc đất tấc vàng", để sở hữu được một căn hộ là mơ ước lớn lao của những người chưa có nhà ở. Tuy nhiên, xuôi về miền Tây, đất đai còn rộng lớn, tập quán, thói quen ở chung cư, nhà cao tầng còn mới mẻ đối với không ít người là một thực tế.

Ông Đỗ Công Quyền, Giám đốc sàn giao dịch nhà đất MêKông land- Nam Cần Thơ, cho biết: Khoảng tháng 3, tháng 4 thị trường giao dịch nhà đất tại TP Cần Thơ có dấu hiệu khởi sắc, việc mua bán của người dân diễn ra khá nhộn nhịp. Nhưng từ cuối tháng 5 trở lại đây, giao dịch diễn ra ít hơn và có dấu hiệu chững lại... Trong khi đó, nhà xây dựng sẵn tại một số khu dân cư thuộc khu Nam Cần Thơ có xu hướng giảm giá. Chẳng hạn, nhà 1 trệt, 1 lầu (tái định cư) ở khu dân cư Phú An (xây dựng cách nay khoảng 5-6 năm), nay nhiều hộ kêu bán lại với giá trên dưới 600 triệu đồng/căn. Nhà ở thương mại 1 trệt, 1 lửng, 1 lầu (diện tích đất khoảng 100m2) cũng đang được kêu bán khoảng 1 tỉ đồng/căn. Các dạng nhà phố thương mại xây thô 1 trệt, 2 lầu cũng được kêu bán khoảng 700-800 triệu đồng/căn. Còn tại một số khu tái định cư tự phát, nhà xây sẵn trên đất thổ cư, diện tích đất khoảng 50-70m2 ở một số phường An Khánh, An Bình cũng được rao bán phổ biến với giá 600-700 triệu đồng/căn, tùy vào vị trí và diện tích nhà...

Ông Lại Đức Thiện, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà đất Đại Tín (khu dân cư 586), cho biết: Thời gian gần đây các giao dịch nhà, đất có phần giảm sút. Mỗi tháng công ty chỉ môi giới thành 3-4 trường hợp. Nhà xây dựng thô (chưa hoàn thiện) đang được rao bán rất nhiều ở các khu đô thị mới, còn giá đất nền 300-400 triệu đồng/nền rất dễ tìm mua. Tuy nhiên, hầu hết người dân có nhu cầu mua hiện nay đều là nhu cầu thực để ở, ít có trường hợp mua đi bán lại để kiếm lời...

Nhưng theo ghi nhận của một số đơn vị môi giới kinh doanh bất động sản tại TP Cần Thơ, trong khi thị trường đang gặp nhiều khó khăn, nhà phố, nhà ở liền kề có mức giá trên dưới 600 triệu đồng cũng rất khó bán. Nhà ở xã hội có giá trên 300 triệu đồng, được trả trước 20%, số còn lại hưởng lãi suất vay 5%/năm là điều kiện thuận lợi để người dân thu nhập thấp chưa có nhà ở sở hữu. Anh Nguyễn Văn Bình, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, chia sẻ: Tôi định mua một căn hộ trong chung cư thu nhập thấp thuộc dự án nhà ở xã hội. Nhưng tính đi tính lại, tổng số tiền gốc phải bỏ ra trên 300 triệu đồng, chưa kể lãi suất phải trả trong 10 năm (lại 5%/năm), tính ra trên 400 triệu đồng. "Tôi đang cân nhắc nếu bỏ ra số tiền nhiều hơn khoảng 250 triệu đồng, phần còn lại cũng được ngân hàng cho vay, sẽ mua được căn nhà phố có giá trị hơn so với nhà chung cư." - anh Bình phân vân. Do đó, để tìm đầu ra thuận lợi cho nhà ở xã hội, ngoài những chính sách tạo thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư cần phải lựa chọn vị trí sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, đi lại, nơi làm việc của người dân thu nhập thấp, để phát huy tối đa lợi ích của những dự án nhà ở xã hội.

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết