16/03/2008 - 10:51

Ra đảo trồng... rau!

Sau hàng chục năm gắn bó với nghề trồng trọt, kỹ sư Đinh Công Mười không chỉ làm chủ quy trình trồng dưa hấu, dưa lê mà còn là người đầu tiên ở Việt Nam trồng và cung cấp cho thị trường những trái dưa hấu hình hộp vuông độc đáo. Chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được, kỹ sư Đinh Công Mười đang tiếp bước Mai An Tiêm (sự tích Mai An Tiêm trồng dưa hấu giữa đảo hoang) khi quyết định thành lập công ty chuyên trồng các loại rau màu ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

ĐƯA RAU MÀU RA ĐẢO

Vừa đáp máy bay về đất liền, anh Mười vội đến thăm rẫy dưa lê rộng đến 120 công đất đặt ở Nông trường Sông Hậu. Khung cảnh đẹp của những trái dưa vàng mượt sắp đến kỳ thu hoạch nằm cạnh nhau đã giúp chúng tôi quên đi cái mệt khi lội bộ khắp 6 lô đất thuê để trồng dưa của anh Mười. Trong quá trình tham quan các rẫy dưa lê ở Nông trường Sông Hậu và ruộng trồng dưa vuông ở huyện Phong Điền, anh Mười đã cung cấp những thông tin về việc anh cùng các cộng sự của mình đưa các loại rau màu ra trồng ở đảo Phú Quốc.

Tháng 7-2007, anh Mười cùng các cộng sự của mình đã thực hiện chuyến khảo sát đầu tiên tại đảo Phú Quốc. Đến tháng 9-2007, Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái được thành lập tại Phú Quốc với qui mô 7 ha đất sản xuất, kỹ sư Đinh Công Mười là thành viên hội đồng quản trị, chuyên lo về sản xuất. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý vừa qua, Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái đã cung cấp cho thị trường Phú Quốc khoảng 10 tấn dưa hấu và một số rau xanh được trồng tại đảo.

Kỹ sư Đinh Công Mười bên rẫy dưa lê sắp thu hoạch ở Nông trường Sông Hậu. 

Anh Mười nhớ lại: “Trong chuyến khảo sát đầu tiên, vừa đặt chân đến khu đất dự kiến lập công ty, tôi liền nhảy xuống một giếng nước cạn nằm cạnh con đường mòn và dùng hai tay bụm nước đưa vào miệng uống thử. Không chỉ phát hiện nguồn nước nơi đây ngọt và mát lạnh, tôi còn phát hiện vùng đất nơi đây rất tơi xốp và màu mỡ khi dùng cây xới đất trên bờ. Khi tôi thông báo với các thành viên trong đoàn: Vùng đất này rất phù hợp cho việc trồng các loại rau màu, vợ tôi (tiến sĩ Trần Thị Ba-NV) liền hỏi: Có chắc ăn không mà tuyên bố chắc nịch vậy ông?”. Anh Mười nói anh tin rằng đất đai ở Phú Quốc rất phù hợp để trồng rau màu là có cơ sở vì ngoài yếu tố nước ngọt, đất tơi xốp anh còn tận mắt nhìn thấy những giàn bầu, đám rau muống xanh tốt được người dân trên đảo trồng nhỏ lẻ.

Khi được hỏi cơ duyên nào khiến anh và đối tác của mình gặp nhau và quyết định cùng nhau ra đảo trồng rau, anh Mười nói vui: “Có lẽ do cơ duyên trời định nên tôi và anh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, mới gặp nhau; bởi vì từ năm 2002 đến nay tôi luôn bận rộn với việc trồng dưa hấu, dưa lê ở ĐBSCL, còn anh Quang thì chuyên kinh doanh bất động sản ở TP Hồ Chí Minh. Cũng như các nhà đầu tư khác, anh Quang ra Phú Quốc tìm mua đất để đầu tư khai thác các dịch vụ du lịch. Khi đến Phú Quốc, anh Quang mới phát hiện ra rằng huyện đảo này thu hút rất đông khách du lịch nhưng lại cực kỳ khan hiếm các loại rau xanh. Do đó, khi mua được đất, anh Quang quyết định tìm người hợp tác trồng rau...”.

Theo sự giới thiệu của tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp xuất sắc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, anh Quang đến Cần Thơ gặp tiến sĩ Trần Thị Ba để bàn bạc và thống nhất về nguyên tắc hợp tác nghiên cứu việc trồng rau màu ở Phú Quốc. Tuy nhiên, khi tiến sĩ Ba băn khoăn về nhân lực thực hiện dự án thì anh Quang liền đề nghị cho gặp anh Mười theo sự chỉ dẫn của tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng. Anh Mười nói: “Có lần, anh Quang hỏi vì sao tôi quyết định làm ăn với anh ta ngay sau lần gặp đầu tiên, tôi trả lời rằng: Tôi rất muốn mở rộng qui mô trồng các loại rau màu nhưng lại thiếu đất, thiếu vốn. Trong khi đó, anh có đất, có vốn và sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ 3 năm đầu nên tôi không hợp tác với anh mới là chuyện lạ”.

Được biết, dù mới thành lập nhưng Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái đã kịp trồng và cung cấp cho thị trường Phú Quốc 10 tấn dưa hấu trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ngoài ra, công ty này cũng đã trồng thử nghiệm thành công hàng chục loại rau, màu khác như: khổ qua, dưa leo, cà chua, đậu bắp, bí rợ, bí đao, cải xanh, cải ngọt, rau muống, rau thơm...

TÍNH CHUYỆN LÂU DÀI

Anh Mười nhớ lại khi anh đi đặt làm bảng hiệu của Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái với chức năng trồng và cung cấp các loại rau màu, người làm bảng hiệu ở Phú Quốc liền phán rằng: “Các ông định treo đầu dê bán thịt chó à? Xứ này có ai trồng được cà chua và các loại rau màu để bán đâu?”. Anh Mười nói: “Khi ấy, tôi không giải thích vì chuyện trồng rau, màu để bán còn là chuyện lạ ở Phú Quốc. Thậm chí, khi anh Quang mang rau muống trồng ở Phú Quốc về TP Hồ Chí Minh để giới thiệu cho người thân và bạn bè cũng bị hải quan sân bay Phú Quốc nghi ngại trước cảnh chở củi về rừng”.

Do nằm xa đất liền, trong điều kiện thời tiết bình thường giá bán các loại rau, màu ở Phú Quốc thường cao gấp 3 lần so với đất liền. Khi biển động, ít chuyến bay, chuyến tàu ra Phú Quốc thì giá các loại rau, màu ở Phú Quốc còn tăng cao gấp nhiều lần so với ở đất liền. Trong bối cảnh đó, giá bán các loại vật tư nông nghiệp tại Phú Quốc chỉ cao hơn đất liền là 10%. Do đó, trồng các loại rau, màu ở Phú Quốc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ở đất liền. Theo tính toán của anh Mười, khi sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động, lượng khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ đông hơn hiện nay rất nhiều lần. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các loại rau sạch và hoa tươi ở Phú Quốc sẽ tăng mạnh. Mặt khác, môi trường (nước, không khí) ở Phú Quốc rất trong lành nên phù hợp cho việc trồng các loại rau màu an toàn. Với những lý do trên, Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái đang thực hiện việc mở rộng qui mô sản xuất các loại rau màu và hoa tươi để vừa cung cấp cho Phú Quốc và hướng đến cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Anh Mười nói: “Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo huyện Phú Quốc về việc thuê 100 ha đất để sản xuất rau xanh kết hợp khai thác du lịch sinh thái. Hiện tại, chúng tôi đang tuyển dụng thêm 10 kỹ sư nông nghiệp ra Phú Quốc làm việc. Song song đó, chúng tôi đang nhờ Viện Công nghệ sau thu hoạch ra Phú Quốc thiết kế cho chúng tôi một dây chuyền rửa và đóng gói các loại rau nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi phấn đấu thực hiện hết các phần việc đó trong 5-6 năm tới để lo chuyện nghỉ hưu của mình. Những phần việc còn lại tôi sẽ giao lại cho con tôi là tân kỹ sư nông nghiệp Đinh Trần Nguyễn”.

Giờ đây, kỹ sư Đinh Công Mười rất đổi phấn chấn: “Tôi đã theo nghề nông mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy “đã” như hiện nay. Giám đốc nhiều nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn sao ở Phú Quốc đã đến gặp và nài nỉ tôi cung cấp rau xanh cho họ dù mình chưa có nhiều sản phẩm để bán”.

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH

Kỹ sư chuyên ngành trồng trọt Đinh Công Mười sinh ra trong một gia đình nông dân ở Phụng Hiệp có 10 anh, chị em. Năm 1981, anh Mười ra trường và được giữ lại làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ đến năm 1992. Từ năm 1993 đến tháng 5-2002, anh Mười công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ. Từ năm 2002 đến nay, anh Mười trực tiếp trồng và hướng dẫn nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Cần Thơ cùng trồng dưa hấu, dưa lê với mình.

Chia sẻ bài viết