14/07/2020 - 10:08

Quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách 

Trong bối cảnh tác động từ dịch bệnh COVID-19, ngành Tài chính quyết tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện "nhiệm vụ kép" - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngành Tài chính tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động Công ty Cổ phần May Tây Đô.

Thu - chi ngân sách bị ảnh hưởng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp, giá dầu thô giảm sâu. Cùng với đó, việc triển khai các giải pháp tài khóa để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2020.

Trong đó thu nội địa đạt 44,11% dự toán, giảm 8% so với cùng kỳ; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,5% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,4% dự toán, giảm 21,9% so với cùng kỳ. Ðây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013 và suy giảm so với cùng kỳ ở cả 3 lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, thu từ khu vực DN nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực DN FDI đạt 41,8% dự toán, giảm 6,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán, giảm 16,1%. Ðáng chú ý, trong số 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% dự toán, 8/16 địa phương đạt dưới 40% dự toán. Ðiều này cho thấy tình hình hoạt động của DN thực sự nhiều khó khăn.

Hỗ trợ DN, cá nhân ảnh hưởng dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và trình Quốc hội quyết định giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có doanh thu chịu thuế không quá 200 tỉ đồng một năm; phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho DN và người dân…

Chi NSNN 6 tháng đầu năm cơ bản theo tiến độ dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng phát sinh về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Lũy kế 6 tháng, chi NSNN đạt 41,8% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán và chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, mặc dù đạt tiến độ khá so cùng kỳ năm 2019 (33,1% so với mức 28,6% của cùng kỳ năm 2019), song nếu so với số vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang thì số giải ngân 6 tháng mới đạt 28,94% kế hoạch. Ðặc biệt, giải ngân vốn ngoài nước mới đạt 10,2% dự toán năm 2020.

Không lùi bước trước khó khăn

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm 2020 của Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo một số địa phương đều bày tỏ quyết tâm không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, phấn đấu đạt mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách đề ra.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, 6 tháng đầu năm, thu nội địa trên địa bàn đạt hơn 48% dự toán Bộ Tài chính giao. Trong đó, có nhiều nguồn thu đạt thấp, dưới 50% dự toán là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chi ngân sách trên địa bàn đạt 42% so với dự toán HÐND thành phố giao. Chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách địa phương đạt hơn 21% dự toán HÐND thành phố giao. Mặc dù, lường trước những tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Cần Thơ quyết tâm phấn đấu thu đạt 100% kế hoạch Bộ Tài chính giao. Ðể đạt được mục tiêu đó, Cần Thơ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp Bộ Tài chính đề ra. Thành phố thực hiện rà soát các sắc thuế, đánh giá các khoản thu của năm 2020, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương quan tâm phối hợp, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Ðồng thời, tập trung xử lý kịp thời hồ sơ giãn thuế và tiền thuê đất theo quy định, không gây khó khăn, phiền hà cho DN và hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); tập trung thực hiện rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự
cần thiết…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
chi ngân sách