Cuộc đua trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gay cấn khi Trung Quốc tham vọng dẫn đầu, còn Mỹ không chịu “nằm kèo dưới”. Kết quả là hai nước đều đang mạnh tay chi cho lĩnh vực này.
Trung Quốc muốn trở thành “ông trùm AI”
Tân Hoa Xã ngày 8-11-2018 đã giới thiệu bản tin đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ AI. Theo đó, bản tin được một MC ảo, có giọng nói, gương mặt, cử chỉ như người thật, dẫn. MC ảo này tự học những chuyển động, cử chỉ từ các chương trình trước đó, có khả năng làm việc 24/7 trên trang web chính thức và nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, giúp hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cắt giảm phần nào chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất tin tức.
Trẻ em Trung Quốc hứng thú với “giáo viên” Keeko. Ảnh: AFP
Đây chỉ là một biểu hiện trong nỗ lực chiếm lĩnh vị trí số một thế giới về AI vào năm 2030 của Bắc Kinh. Nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển AI, kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ của doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực, chế tạo. Theo tờ Nature, Trung Quốc có kế hoạch chi 13,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,1 tỉ USD) để xây dựng một khu công nghiệp AI ở Bắc Kinh với mong muốn sẽ thu hút 400 công ty chuyên phát triển các sản phẩm và dịch vụ thuộc các lĩnh vực điện toán đám mây, dữ liệu lớn, nhận diện sinh trắc học…, mang lại doanh thu khoảng 50 tỉ nhân dân tệ/năm.
Và để thu hút nhân tài cho ngành công nghệ AI, Trung Quốc không ngại chi “khủng”. Theo đó, họ có thể nhận mức lương cao hơn 55% so với mức lương trung bình của nhân viên công nghệ thông tin và truyền thông. Đến nay, nhiều phòng thí nghiệm AI ở Trung Quốc đã được thành lập thông qua hình thức liên doanh giữa các tập đoàn và trường đại học, chẳng hạn như phòng thí nghiệm iFlytek và Aispeech tại Đại học Giao thông Thượng Hải. Mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố mục tiêu đầy tham vọng, đó là thiết lập 100 chuyên ngành “AI+X” vào năm 2020 trong các lĩnh vực như Toán học, Vật lý, Sinh học, Tâm lý học, Xã hội học, Luật cũng như các lĩnh vực chuyên môn có liên quan khác. “Kế hoạch hành động” này cũng sẽ biên soạn ra 50 tài liệu giảng dạy, mở 50 khóa học trực tuyến và mở thêm 50 trung tâm giảng dạy, nghiên cứu và phát triển AI trong thập kỷ tới.
Không chịu “lép vế”, Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây cho biết đang đầu tư 2 tỉ USD để phát triển AI thế hệ mới có các kỹ năng “giao tiếp như con người”. Steven Walker, Giám đốc Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiên tiến về quốc phòng Mỹ (DARPA), cho hay số tiền này sẽ được sử dụng cho 20 dự án hiện đang được triển khai nhằm nâng cao trình độ học máy. Theo ông Walker, DARPA đang đầu tư nghiên cứu nhiều dự án nhằm biến các máy tính từ những công cụ chuyên dụng trở thành đối tác trong việc giải quyết vấn đề cũng như chế tạo những máy móc và robot có khả năng tự cập nhật mỗi khi có công nghệ mới ra đời.
Theo DARPA, phần lớn các dự án nghiên cứu của cơ quan này nhằm vào những công nghệ có thể sử dụng trong chiến đấu như công nghệ liên quan máy bay không người lái. DARPA dự định sẽ triển khai dự án Blackjack, trong đó tập trung phát triển hệ thống vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp, có khả năng tự liên lạc với nhau và cập nhật liên tục thông tin về các hoạt động quân sự.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc còn đầu tư cho một chương trình nghiên cứu bí mật nhằm sử dụng AI để dự đoán việc phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân cũng như theo dõi và nhắm vào các bệ phóng di động.
Châu Á chuộng robot thông minh
Tại Trung Quốc, nhiều loại robot đã được phát triển để giao hàng, bầu bạn với người cao tuổi, làm cố vấn pháp lý... Riêng Keeko, một robot hình tròn, nhỏ nhắn đang được các nhà phát triển kỳ vọng sẽ đứng vào đội ngũ nhà giáo. Keeko hiện đã được đưa đến 600 nhà trẻ để kể chuyện và ra bài toán đố logic cho các bé giải.
Cảnh sát robot ở Dubai. Ảnh: Gulf Business
Không những vậy, nhiều công ty giáo dục trực tuyến tại Trung Quốc còn dùng AI để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó gồm Master Learner. Peter Cao, giáo viên dạy Hóa tại một trường trung học ở tỉnh An Huy, cho biết với chương trình giảng dạy trực tuyến với phần mềm AI của Master Learner, ông và 14 triệu đồng nghiệp tại Trung Quốc sẽ có thể “bàn giao” quá trình kiểm tra bài vở học sinh cho một “siêu giáo viên” có khả năng giải đáp gần 500 triệu câu hỏi Toán học, Vật lý và Hóa học thường có trong các kỳ tuyển sinh đại học 30 năm qua. Trong khi đó, Hujiang, một trong những trang web dạy kèm trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc, đang ứng dụng công nghệ AI nhận dạng hình ảnh và giọng nói để nắm bắt biểu hiện khuôn mặt và phản hồi của học sinh nhằm cải thiện sự tương tác giữa học sinh và giáo viên trong các lớp học trực tuyến.
Theo công ty tư vấn Accenture, AI dự kiến sẽ tác động đến 25% chi phí công nghệ trong tương lai và đang nhanh chóng giữ vai trò ngày càng quan trọng trong bộ máy hoạt động của doanh nghiệp. Giới phân tích dự báo thị trường AI sẽ đạt doanh số 47 tỉ USD vào năm 2020. |
AI cũng được ứng dụng một cách mạnh mẽ trong ngành giáo dục của Nhật Bản. Bộ Giáo dục xứ hoa anh đào cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm dạy tiếng Anh bằng robot được trang bị AI tại 500 trường học trên toàn quốc vào tháng 4-2019. Thời gian qua, một số trường học tại Nhật cũng đã sử dụng các robot tương tự để giúp học viên hào hứng hơn khi rèn luyện kỹ năng phát âm và giao tiếp bằng tiếng Anh. Giới phân tích cho rằng phương án sử dụng robot được trang bị AI thay giáo viên bản xứ hứa hẹn sẽ giúp Nhật Bản giải quyết được thực trạng học sinh yếu tiếng Anh cũng như việc thiếu tiền thuê giáo viên người nước ngoài với số lượng lớn cùng lúc.
Cũng tại Nhật Bản, robot hình người đang được sử dụng rộng rãi tại các nhà dưỡng lão trên khắp nước này. Đơn cử, các kỹ sư tại Trung tâm nghiên cứu Riken và Công ty Sumitomo Riko gần đây đã phát triển một robot gấu có khả năng giúp chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi. Chú gấu robot này thậm chí có thể nâng và di chuyển bệnh nhân từ nơi này đến nơi khác. Trước đó, những robot có tên Paro, Pepper, Dinsow cũng đã ra đời với mục đích đồng hành cùng người cao tuổi, với khả năng thực hiện một loạt hoạt động như trò chuyện với họ, đặt lịch kiểm tra sức khỏe và có thể đưa bệnh nhân đi dạo.
Ngoài giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công nghệ AI còn được các nước châu Á dùng để phục vụ cho công tác an ninh. Chẳng hạn, cảnh sát thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất đã đưa vào hoạt động cảnh sát robot đầu tiên do hãng Pal Robotics chế tạo, với nhiệm vụ tuần tra các trung tâm thương mại và địa điểm thu hút khách du lịch trong thành phố. Người dân có thể trình báo về tội phạm, nộp phạt và tìm kiếm thông tin bằng cách chạm vào màn hình trước ngực robot cảnh sát. Những dữ liệu do robot này thu thập cũng được chia sẻ cho các nhà quản lý giao thông.
TRÍ VĂN