 |
Ngày 24-8, tàu khu trục “USS McFaul” của Mỹ chở hàng viện trợ nhân đạo đã cập cảng Batumi của Gruzia. Đây là chuyến hàng viện trợ đầu tiên kể từ xung đột giữa Gruzia và Nga. Ảnh: Reuters |
* Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Gruzia
(TTXVN)- Với 447 phiếu ủng hộ, ngày 25-8, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí thông qua một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Dmitry Medvedev công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai thuộc Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia. Trước đó cùng ngày, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) cũng đã thông qua nghị quyết về vấn đề nói trên với số phiếu ủng hộ tuyệt đối 130/130. Phát biểu sau khi thông qua nghị quyết nói trên, các nghị sĩ Nga đều kiên quyết loại trừ rằng việc công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia có thể dẫn đến một sự cô lập quốc tế đối với Nga.
Theo phân tích của tờ “Thương gia” (Nga), thỏa thuận hòa bình 6 điểm do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy dàn xếp thật ra “đã chết yểu” vì chính quyền Nga không hài lòng với nguyên trạng được xác định trong kế hoạch này. Mát-xcơ-va đã sẵn sàng từ bỏ yêu sách nguyên tắc của mình là Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili phải ra đi để đổi lấy việc bảo đảm cho Abkhazia và Nam Ossetia có thể tách khỏi Gruzia. Tuy nhiên, ngoài Tổng thống Sarkozy, không một nhà lãnh đạo nào của phương Tây ủng hộ việc này. Mỹ và Đức tuyên bố bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cho Gruzia là một nguyên tắc bất di bất dịch của giải pháp hòa bình.
Như vậy, “kế hoạch Sarkozy” không còn có ý nghĩa gì đối với Mát-xcơ-va nữa, do đó Điện Kremlin quyết định hành động theo kế hoạch riêng của mình là hai viện của Quốc hội liên bang sẽ thúc đẩy việc chính thức công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia. Sau khi hoàn thành tiến trình này, Mát-xcơ-va có thể sẵn sàng mở cuộc thương lượng mới về giải pháp hòa bình.
Trong khi đó, hôm 24-8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), đã triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của EU bàn về cuộc khủng hoảng tại Gruzia vào ngày 1-9. Cuộc họp diễn ra tại Brussels (Bỉ) này sẽ bàn về tương lai các mối quan hệ giữa EU và Nga cũng như việc viện trợ cho Gruzia theo yêu cầu của nhiều nước thành viên EU.
* Mỹ đang đổ nhiều tiền của để viện trợ quân sự cho Gruzia, hơn là giúp đất nước vùng Kavkaz này củng cố các thể chế dân chủ. Nhận định này của các chuyên gia Mỹ được báo “Bưu điện Washington” đăng tải trong số ra ngày 24-8. Theo các chuyên gia Mỹ, chính sách này của Washington đối với Tbilisi đang “phá hoại” tiến trình thúc đẩy dân chủ tại Gruzia. Tờ Bưu điện Washington cho biết, trong tài khóa 2009, chính quyền Tổng thống George Bush đề nghị Quốc hội thông qua khoản viện trợ quân sự cho Gruzia trị giá 15,2 triệu USD, trong khi kinh phí để “thúc đẩy dân chủ” là 14,8 triệu USD.
Trước đó, Nga từng cảnh báo việc viện trợ quân sự giúp Gruzia khôi phục và củng cố quân đội có thể dẫn tới một hành động “gây hấn” mới của Tbilisi chống nước cộng hòa trực thuộc Nam Ossetia.