30/01/2012 - 21:23

TP CẦN THƠ

Quan tâm phát triển công nghệ sau thu hoạch

Cải thiện công nghệ sau thu hoạch là một trong những biện pháp then chốt nhằm cải thiện chất lượng hạt gạo, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: MỸ THANH

Năm 2011, sản lượng lúa của TP Cần Thơ tiếp tục giữ vững ở mức 1 triệu tấn, xuất khẩu gạo ước thực hiện 857,6 ngàn tấn, giá trị hơn 416 triệu USD. Tuy nhiên, sản xuất lúa hàng hóa đang đặt ra yêu cầu phải cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch. Trên cơ sở đó, TP Cần Thơ xác định tiếp tục đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa...

* Nhu cầu tất yếu

Trong chuỗi cung ứng lúa gạo, chất lượng sản phẩm làm ra phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của tất cả các công đoạn sản xuất. Trong quá trình sản xuất và chế biến lúa gạo, từ khâu thu hoạch đến sau thu hoạch luôn xảy ra tình trạng tổn thất làm ảnh hưởng chất lượng lúa gạo và lợi nhuận của người nông dân giảm đi. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP), ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, tổn thất sau thu hoạch tập trung ở 2 khâu: sấy (4,2%) và tồn trữ (2,6%). Việc “thắt cổ chai” tại 2 khâu then chốt này đã và đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của vùng. “Trước tình hình diện tích lúa đang có chiều hướng giảm mạnh, năng suất lúa lại không tăng bao nhiêu, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và dành một phần đáng kể cho xuất khẩu, không còn cách nào khác hiệu quả hơn là phải giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị hạt gạo ĐBSCL”-Tiến sĩ Phạm Văn Tấn nói.

Thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg (Quyết định 63) ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản”, các khâu gặt đập, phơi sấy và bảo quản trong sản xuất lúa ở TP Cần Thơ từng bước được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Với chính sách của thành phố hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đến nay đã thực hiện được 182 máy đạt trên 90% chỉ tiêu đề ra (200 máy), nâng số máy gặt đập liên hợp hiện có 346 máy, có khả năng đảm bảo cắt gặt trên 41% diện tích trồng lúa của toàn thành phố. Song song với việc đưa máy GĐLH vào sản xuất nhằm hạn chế hao hụt trong khâu thu hoạch, thì công nghệ phơi sấy cũng mang tính chất quyết định đối với chất lượng lúa gạo. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, TP Cần Thơ hiện có 796 lò sấy, đảm bảo sấy trên 40% sản lượng lúa hè thu và thu đông. Trong đó, trên 300 lò sấy với quy mô lớn, còn lại là những lò quy mô từ 4-10 tấn/mẻ.

Trước đây, những lò sấy quy mô nhỏ giúp nông dân chủ động việc sấy lúa khi thời tiết bất lợi, nhưng do hiệu quả không cao nên hiện nay những lò sấy nhỏ không phát triển. Thay vào đó, những lò sấy quy mô lớn có xu hướng tăng lên theo hình thức dịch vụ để phục vụ nhu cầu phơi sấy ngày càng cao của người dân. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trước đây, đầu ra của hạt lúa thường dựa trên mối liên kết “3 nhà” gồm thương lái thu mua lúa, các chủ lò sấy và DN chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài, những DN có tiềm lực sẽ tham gia bao tiêu lúa cho nông dân và đầu tư theo quy trình khép kín. Đồng thời, trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, thu gom lúa tươi về sấy tại lò và đưa vào kho bảo quản. Có như vậy, chất lượng gạo làm ra sẽ được bảo đảm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân.

* Cải thiện qua từng năm...

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Với mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, HĐND TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND về chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2012. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho nông dân để trang bị 200 máy GĐLH và 50 máy kéo. Với chính sách này, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch của thành phố sẽ nâng lên 60%, tập trung ở các huyện trồng lúa trọng điểm của thành phố như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai”.

Trong đợt hỗ trợ mua máy GĐLH năm 2009-2010, Vĩnh Thạnh là huyện đi đầu của TP Cần Thơ trong việc tiếp cận nguồn vốn để trang bị máy GĐLH cho nông dân. Trong số 200 máy GĐLH được mua dưới hình thức hỗ trợ lãi suất, Vĩnh Thạnh trang bị được 156 máy. Có được kết quả này là nhờ địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện để nông dân tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ mua máy GĐLH phục vụ sản xuất. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Trong điều kiện thâm canh tăng vụ, việc gieo sạ đồng loạt, tập trung và thu hoạch nhanh chóng, dứt điểm đòi hỏi phải tiến hành cơ giới hóa các khâu sản xuất. Với những kinh nghiệm đã có trong đợt 1, Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục tiếp cận hiệu quả với chính sách này để từng bước cơ giới hóa nền sản xuất của huyện, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện huyện đang tiến hành triển khai mua máy GĐLH và máy kéo đợt 2 cho nông dân. Nhờ địa phương và ngành nông nghiệp phân tích những yếu tố thuận lợi do cơ giới hóa nông nghiệp mang lại, nhiều nông dân đã mạnh dạn đăng ký làm hồ sơ, thủ tục vay vốn để mua máy”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhấn mạnh: “Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong giai đoạn hội nhập, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm là nhu cầu bức thiết. Thời gian qua, ĐBSCL đã có những bước đột phá trong thu hoạch lúa. Điển hình, chỉ với vài trăm máy GĐLH năm 2006, đến nay, toàn vùng đã có hơn 6.000 máy GĐLH, góp phần cơ giới hóa khâu thu hoạch hơn 35% diện tích lúa. Người nông dân đã biết được hiệu quả thiết thực của việc thu hoạch lúa bằng máy GĐLH nên một số hộ đã mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ”. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, trong thu hoạch lúa ngành nông nghiệp và người nông dân cần chú ý đến đường giao thông thủy, tạo thuận tiện cho máy móc vận hành; chủ động trong việc quản lý nước trên đồng ruộng; có giải pháp gieo cấy tốt, bón phân hợp lý, tránh lúa bị đổ ngã... Sau thu hoạch, khâu phơi sấy, bảo quản và tồn trữ phải được thực hiện một cách hợp lý, kịp thời. Có như vậy, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch mới được triển khai thuận tiện và phát huy tối đa tác dụng.

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết