30/11/2012 - 09:04

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Bác sĩ Đội Thầy thuốc trẻ tình nguyện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở nông thôn.

Cơ thể khỏe mạnh, minh mẫn, ít bệnh tật là ước ao của nhiều người khi bước vào tuổi xế chiều. Tuy nhiên, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mãn tính do sức đề kháng của cơ thể kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Ba (82 tuổi, ở quận Ô Môn) thường xuyên có cảm giác ăn không ngon, ngủ không yên giấc, mình mẩy đau nhức lại hay ho khan, khò khè, rất khó chịu vào lúc nửa đêm gần sáng. Bà cho biết, mình có tiền sử bệnh phổi. Qua thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ, bà bị cao huyết áp, loãng xương, viêm dạ dày. Tương tự, bà Huỳnh Thị Nguyệt (86 tuổi, ở quận Ô Môn) than thở với bác sĩ, bà bị bệnh cao huyết áp đã nhiều năm, thường nhức đầu, chóng mặt, hay hồi hộp, uống thuốc thì khỏe, hết thuốc lại đau và mệt mỏi trong người. Bà còn hay đau nhức khớp, ăn mặn thì càng đau nhức hơn. Bác sĩ khuyên bà nên giảm chế độ ăn mặn, hạn chế ăn mỡ động vật để đảm bảo sức khỏe.

Trong các đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí của Đội thầy thuốc trẻ tình nguyện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ về các vùng nông thôn, người cao tuổi chiếm hơn 70% tổng số người đến khám chữa bệnh. Hầu hết bà con mắc một số bệnh lý thông thường như cao huyết áp, loãng xương, đau nhức xương khớp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, đau dạ dày,… Theo chính sách bảo trợ xã hội, các cụ từ 80 tuổi trở lên được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tuy nhiên, do đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế hạn chế, con cái bận làm ăn nên nhiều cụ tuổi cao, sức khỏe kém chưa được chăm sóc sức khỏe hợp lý. Mỗi khi thấy khó chịu trong người, các cụ thường mua vài liều thuốc tây về uống hoặc đến y, bác sĩ gần nhà chích một hai mũi thuốc, chứ ít có điều kiện đến các cơ sở y tế để điều trị đến nơi đến chốn. Bác sĩ Chuyên khoa II Hồng Quốc Thích, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thường xuyên theo đoàn khám chữa bệnh tình nguyện cho bà con nghèo nông thôn, nên có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị và tư vấn đối với đối tượng này, cho biết: "Đối với người cao tuổi, cao huyết áp là căn bệnh phổ biến và là kẻ giết người thầm lặng. Người mắc bệnh cao huyết áp phải uống thuốc liên tục và đều đặn hàng ngày".

Bên cạnh cao huyết áp, bệnh đau nhức xương khớp có tỷ lệ mắc cao, đó cũng là một trong những dấu hiệu lão hóa ở người già. Khi đau nhức, bà con thường tự ý mua thuốc về uống. Trong những đợt khám chữa bệnh tình nguyện, các bác sĩ thường tư vấn cặn kẽ cho bà con về tác dụng phụ của thuốc. Bệnh đau nhức xương khớp không thể điều trị dứt điểm bằng thuốc nhức, thuốc giảm đau. Ngược lại, nếu sử dụng lâu dài, các loại thuốc này còn gây hại. Nhiều trường hợp mắc bệnh đau nhức xương khớp nhập viện trong tình trạng bị biến chứng do tác dụng phụ của thuốc, như: xuất huyết tiêu hóa, hội chứng cushing, biểu hiện giống như bệnh phù thủng, làm ảnh hưởng suy giảm miễn dịch...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cũng gắn bó với công tác khám chữa bệnh tình nguyện, chia sẻ, hầu hết người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi ở vùng nông thôn chưa quan tâm đúng mức đến bệnh lúc tuổi già, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh của người cao tuổi, trong đó, có ý thức chăm sóc sức khỏe người dân, kinh tế gia đình không đảm bảo việc khám bệnh kịp thời, dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân bà con không nhận thức được tầm quan trọng của bệnh nên bệnh xảy ra đột ngột, không cấp cứu kịp thời và đúng cách, dẫn đến biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, đột quỵ, ảnh hưởng đến sức khỏe, chi phí điều trị tốn kém, thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu chủ động chăm sóc sức khỏe, đến điều trị bệnh tại các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn sức khỏe và những hệ lụy của bệnh gây ra.

Khám sức khỏe người cao tuổi là việc làm thiết thực, góp phần cùng xã hội tăng cường chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi, theo chủ trương của Nhà nước. Ông Trần Văn Thứ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: "Phường có 18 khu vực, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ít nhiều còn hạn chế. Thỉnh thoảng các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, góp phần chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu bức thiết của các cụ".

Để góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe người cao tuổi, các bác sĩ khuyên, gia đình nên dành thời gian quan tâm, gần gũi, theo dõi tình hình sức khỏe, để kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của các cụ. Đồng thời, cần có kế hoạch thăm, khám bệnh thường xuyên cho các cụ ở các cơ sở y tế, để được chẩn đoán điều trị theo phác đồ, không nên tự ý uống thuốc. Khi hết thuốc phải tái khám theo lời dặn của bác sĩ để có kế hoạch điều trị mới.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết