03/02/2023 - 09:46

Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp:

Quản lý hiệu quả bằng công cụ pháp lý giúp tăng quyền tự chủ 

BÍCH NGỌC (Thực hiện)
 

Tự chủ đại học (TCĐH) là chủ trương của Đảng và Nhà nước phù hợp xu thế phát triển giáo dục trên thế giới. Thực hiện công tác này, Trường ĐH Đồng Tháp thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn. Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết:

- Trường ĐH Đồng Tháp đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định điều hành hoạt động chuyên môn, học thuật; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính, tài sản theo hướng tự chủ, đúng quy định của pháp luật, gắn liền với tình hình thực tế của trường. Trường thực hiện phân quyền tự chủ và giải trình đến từng đơn vị trong các lĩnh vực hoạt động, nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của các đơn vị.

Trường tự chủ mở ngành, phát triển chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các yêu cầu của nhà tuyển dụng và thực tế xã hội mà người học tham gia sau khi tốt nghiệp. Tiếp cận các chuẩn kiểm định quốc tế và triển khai tự đánh giá một số chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn quốc tế (AUN-QA hoặc FIBAA); ban hành quy định xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.

* Thưa tiến sĩ, trong quá trình thực hiện TCĐH, trường gặp những khó khăn gì và có những giải pháp thế nào?

- Việc thực hiện TCĐH là công tác lâu dài và có những khó khăn nhất định. Trong đó có sự chưa đồng bộ của cơ chế chính sách, nhận thức và năng lực quản lý điều hành của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh.

Để khắc phục những khó khăn trên, trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm tiếp cận cũng như cách hiểu nội hàm khái niệm tự chủ đại học; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ và cơ chế giám sát chặt chẽ; phân biệt, làm rõ mối quan hệ giữa các thiết chế trong nhà trường, có sự phân công, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản trị, quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường một cách hợp lý hơn; đổi mới cơ chế tài chính phù hợp, đồng thời nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các hình thức ký kết, hợp tác trong giáo dục ĐH.

Một buổi chia sẻ về kỹ năng ICT của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh do trường cung cấp

Một buổi chia sẻ về kỹ năng ICT của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh do trường cung cấp

* Theo tiến sĩ, thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của trường như thế nào?

- Trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tập thể sư phạm nhà trường và người học đã nỗ lực làm việc gấp đôi, đóng góp vào thành tích chung trên tất cả các lĩnh vực. Trường đã nhận chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục thêm 6 chương trình đào tạo; hoàn thành kiểm định trường chu kỳ 2 và kiểm định mới 7 chương trình đào tạo. Trường ĐH Đồng Tháp được xếp hạng thứ 15 trên tổng số các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI và xếp hạng 53 trong danh sách 180 trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometries. Bên cạnh đó, Trường ĐH Đồng Tháp đã công bố Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm học 2021-2022, các đơn vị của trường bám sát chủ đề “Chuyển đổi số, thích ứng nhanh” đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực; phát triển các hình thức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp; chế độ hội họp linh hoạt; chuyển giao 2 đề tài khoa học công nghệ cho các đơn vị trong tỉnh Đồng Tháp để ứng dụng vào sản xuất. Sinh viên của trường đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi như: Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka”, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ… Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ giai đoạn 2018-2021.

Trường tiếp tục triển khai phát triển chương trình đào tạo trình độ ĐH, cao đẳng Giáo dục Mầm non theo chuẩn CDIO chu kỳ 2021-2025; phát triển các ngành đào tạo mới như: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý, chương trình Giáo dục thể chất không chuyên; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành như triển khai chữ ký số; giao nhiệm vụ và quản lý công việc trên phần mềm quản lý chung; thành lập Câu lạc bộ Chuyển đổi số Trường ĐH Đồng Tháp. Năm học qua, mô hình “Ngôi nhà 5.000 đồng” của trường đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam. Đây là mô hình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho sinh viên khó khăn thông qua quỹ đóng góp hàng tháng từ cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong trường đầu tiên ở Việt Nam (được thực hiện từ năm 2010 đến nay).

* Tiến sĩ có đề xuất gì để trường ĐH Đồng Tháp nói riêng, các trường ĐH nói chung thực hiện cơ chế tự chủ đạt hiệu quả?

- Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm có tác động qua lại, tăng tự chủ mà không yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt. Ngược lại, tăng tự chịu trách nhiệm mà hạn chế quyền tự chủ sẽ trói buộc các cơ sở giáo dục, không tạo ra nguồn lực để đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội. Do vậy, Nhà nước chỉ cần quản lý thông qua các công cụ pháp lý, quy chế, quy định để tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Các trường ĐH nói chung và Trường ĐH Đồng Tháp nói riêng, cần tăng cường tính tự chủ trong công tác tổ chức, nhân sự, đồng thời chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước về các quyết định về tổ chức, nhân sự của mình. Về tài chính, cần thực hiện phân cấp cho các đơn vị mở rộng nguồn thu và khoán chi; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tăng cường kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường. Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để có thể thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong lĩnh vực đào tạo; tuyển dụng đội ngũ giảng viên đúng chuẩn; sử dụng, bố trí đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người.

Các trường muốn mở một số hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, từ xa, bồi dưỡng… phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nên không khai thác hết tiềm năng, hiệu quả của các cơ sở đào tạo. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần ban hành chuẩn cho các loại hình đào tạo (về nhân lực, cơ sở vật chất, quy chế đào tạo), còn để cho các trường tự tổ chức đào tạo theo chuẩn ban hành trên tinh thần tự chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bên cạnh đó, để tạo động lực cho giáo dục ĐH một cách đúng mức, cần có sự tham gia của các bên trong và ngoài nhà trường vào việc điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

Chia sẻ bài viết