06/11/2022 - 13:38

Quai nón lá nhung 

Truyện ngắn: Phát Dương

Thứ duy nhất bà ngoại để lại cho má là cái quai nón lá nhung. Vải nhung màu tím thẫm, ánh rực lên trong nắng, được may từ phần dư của bộ bà ba nhung ngoại hay mặc. Sáu Cam hay hỏi má, sao chỉ có cái quai nón này thôi, sao ngoại hổng để lại thứ gì giá trị hơn cho má con mình. Cũng như nhiều lần Sáu Cam hỏi, sao nó chỉ có mình ên mà trong tên có thứ sáu. Những lúc đó má cứ trầm ngâm rồi kiếm cớ làm chuyện khác, làm như má nghĩ ra cho heo ăn hay đi đãi đậu nấu chè còn vui hơn ngồi nói chuyện với Cam.

Cái nón lá có quai nhung đó má cưng dữ lắm. Má hay cất nó trên đầu tủ, bọc trong ni lông mấy lớp để đừng bụi, má chỉ đội nó những lúc quan trọng như đi chùa chẳng hạn. Mỗi ngày ra vườn hay đi chợ má đội cái nón lá cũ mềm, quai làm bằng vải vụn còn dư từ mấy bộ đồ bộ má đặt may cho hai má con. Nhiều khi Sáu Cam đòi đội nón lá quai nhung nhưng má không cho. Má kêu lớn lên đi. Cam không biết lớn theo ý má là chừng nào, trong khi đã có mấy người trong xóm ngỏ ý sang hỏi nó về làm vợ. Chắc ý má vầy vẫn còn nhỏ xíu xiu nên má từ chối hết.

Sáu Cam là đứa cứng đầu số một. Nó thừa biết kiên trì mưa dầm thấm lâu, hỏi hoài có ngày má cũng nói. Nó tranh thủ mỗi khi má vui là hỏi, nhưng má vẫn khéo léo đánh trống lãng qua chuyện khác được. Cho tới một ngày, má đi đám cưới bên xóm Nước Ngọn về, chắc bị ép rượu nên hơi say say, mà khi say má thiệt thà hay nói lắm, Cam chộp lấy cơ hội hỏi lại lần nữa. Má nhìn nó lâu ơi là lâu, thẽ thọt hỏi lại:

- Thiệt tình con muốn nghe hả?

Sáu Cam gật đầu cái rụp. Muốn lắm. Muốn dữ lắm nó mới hỏi hoài hỏi hủy nè, chớ không thôi ai rảnh đâu làm vậy.

- Dù cho khi trả lời khiến má thấy buồn, con vẫn muốn hỏi? - Má lại nói, ánh mắt cương quyết nhìn xoáy vô mắt Sáu Cam.

Cam cố tránh đi mà không được. Ánh mắt má như ghim đầu nó cứng đơ vào không trung, chỉ biết bất động nhìn thẳng má. Không thấy nó nói gì, má lại tiếp:

- Vậy má hỏi con chớ, nếu mai mốt má không để lại gì cho con hổng lẽ con ghét má luôn sao?

Sáu Cam đâu có ăn gì mà tự nhiên mắc nghẹn một cục đắng nghét ngay cổ, cứng họng không biết đáp sao. Mắt má cụp dần rồi nhắm tịt lại, má ngã ngược xuống võng ngủ luôn. Cam mừng húm. Hên sao má ngủ ngay lúc này. Từ đó về sau, nó không bao giờ dám hỏi những câu đó nữa.

***

Sáu Cam đi qua nhà bạn chơi, hai đứa buồn lấy điện thoại ra coi Youtube. Thấy có kênh kia làm bánh bò ngon quá, nó chép miệng thèm thuồng:

- Lát đi mua ăn mày ơi, bánh bò chan nước cốt dừa ăn ngon nhức nách!

- Ừa. Ra bà Ba bên cầu số Hai mua, bà đó bán ngon - Bạn Sáu Cam gật đầu cái rụp.

Má của bạn đi ngang qua buông một câu mềm như gió thoảng:

- Gì chứ bánh bò bà ngoại mày làm ngon nhất xóm này đó Sáu Cam!

Cam chưa kịp hỏi gì thêm, má bạn đã mất tiêu, chắc vội ra sau hè đập ốc cho bầy vịt sắp đẻ bồi dưỡng. Sáu Cam cố ngược dòng ký ức, nhớ mài mại hình như nó có ăn bánh bò ngoại làm mấy lần. Đúng là ngon thiệt. Nhưng ngon tới mức nào nó lại nhớ không nổi. Thời đó là thời xửa xưa xa lắc, lúc tay chân ngoại còn mạnh. Chứ sau này ngoại yếu đâu có làm bánh trái gì.

Sáu Cam về nhõng nhẽo với má, hỏi má biết làm bánh bò ngon như ngoại không. Má cười cười, lôi khuôn, mua bột đem ra chuẩn bị. Mất một buổi loay hoay mới xong, Cam sướng rơn ăn từng miếng bánh bò ngập nước cốt dừa vừa mịn vừa béo. Ăn tới đâu đã tới đó. Nó tấm tắc khen:

- Bánh má ngon y như bánh ngoại!

- Thì ngoại dạy má làm chớ đâu! - Má bật cười, đứng dậy lấy thêm bánh cho Sáu Cam. 

Cam ngồi chống cằm, tay di di cây muỗng còn dính đầy nước cốt dừa trên dĩa, vừa chờ bánh vừa suy nghĩ. Ngoại làm bánh bò ngon nhất, má làm bánh ít số một. Còn Sáu Cam chỉ giỏi làm bánh canh. Nhưng mà…

- Ủa má, ai dạy má làm bánh ít vậy má? - Sáu Cam nói luôn thắc mắc đang chạy loanh quanh trong đầu mình.

- Thì bà ngoại con chứ ai! - Má đáp gọn như khúc mía chặt nhỏ. Thấy mặt Sáu Cam lơ tơ mơ chưa ngấm kịp, má cười cười bồi thêm một câu - Còn bánh canh má dạy bây làm, cái món bánh canh bây tự hào làm ngon nhất đó, cũng do bà ngoại chỉ má, má mới biết mà chỉ cho bây.

Sáu Cam không biết nói gì thêm, nó chọn cách im lặng tiếp tục ăn bánh bò. Đầu nó đang chạy chữ nhiều lắm, nó đang nghĩ thầm, vậy là má với mình kế thừa bao nhiêu cách nấu ăn của ngoại lận ta?

***

Mùa này nắng hạn khiến cánh đồng trở bệnh liên tục. Lúa coi như thất, tính ngược xuôi cũng không đủ ăn nổi. Sáu Cam thấy tình hình rất là tình hình, năn nỉ má cho nó đi làm. Má gật đầu nhưng bắt hứa kiếm chỗ đàng hoàng làm.

Cam mừng dữ lắm nhưng kiếm cả tuần cũng không ai chịu mướn. Người ta chê Cam tướng tá như con nít, mấy việc tay chân ngó làm không nổi. Trầy trật chạy ngược xuôi hỏi hết đầu trên xóm dưới, hên có chú Bảy bên kia sông nhận Sáu Cam vô làm. Nhà chú bán phân bón, chú nhận Cam vô phụ bán hàng. Lương cũng đủ cho hai má con xoay xở vén khéo tới mùa mưa.

Sáu Cam rối rít cảm ơn, chú Bảy chỉ điềm nhiên lắc đầu:

- Có chi đâu con ơi, hồi ngoại mày còn sống giúp đỡ chú dữ lắm, coi như chú trả ơn.

Sáu Cam tan ca làm ngày đầu tiên, chân đi theo thói quen chớ đầu còn vướng câu nói của chú Bảy. Cam thấy câu này sao mà quen quen, hình như nó đã nghe vài lần rồi. Nghe chú Hiên nói. Thím Cưng nói, cô Tám Dầu nói… nhiều người đã nói y đúc vậy khi giúp đỡ má con Sáu Cam. Họ luôn nhắc tới ngoại. Sự trùng hợp này làm nó không khỏi thắc mắc, ngoại đâu có khá giả gì, sao giúp được người ta, hay ghê.

Cam đem chuyện này về hỏi má. Má gục gặc đầu kêu, đâu phải giúp tiền giúp bạc gì mới là giúp. Bà ngoại bây phụ người ta nấu đám, chăm cháu giùm, gặt giùm… dạy người ta làm bánh, may vá này kia… cho người ta mượn mớ lúa, ít củi dầu mắm muối… quý là quý tấm lòng khi khó khăn con ơi. Nghe tới đâu Sáu Cam nổi da gà tới đó. Hổng ngờ ngoại đã về trời rồi mà còn ảnh hưởng tới má con nó nhiều tới vậy. Nếu hồi xưa ngoại không tốt bụng với xóm giềng, chắc giờ này má con nó khó mà sống cho ra sống.

Nghĩ tới đoạn đó, Sáu Cam thấy hơi hơi có lỗi với ngoại. Nó nhìn lên nóc tủ, chỗ má cất cái nón lá quai nhung, nghĩ thầm, chèn ơi ngoại để lại nhiều thứ hơn nó nghĩ.

***

Năm đó có người ở xóm bên qua hỏi chuyện cưới xin, biết Sáu Cam ưng người ta từ trước rồi, má mới chịu gật đầu. Nghĩa là má cũng công nhận nó đã đủ lớn.

Bữa đó má nấu nồi chè đậu xanh lớn lắm, má kêu để cúng với cho vòng vòng quanh xóm. Món chè mà bà ngoại thích, hồi xưa ngoại ăn một lần ba bốn chén mới chịu thôi. Cúng kiếng xong hết rồi, má kêu Sáu Cam ngồi lại gần, má chải tóc cho. Má đội cái nón lá quai nhung lên cho Cam, má khen đẹp lắm, kêu lát nữa Sáu Cam đội nón này đi chùa với má.

Tự nhiên lúc này giọng mà bỗng trở nên khàn khàn, như cơn gió gặp phải táng cây chắn ngang trở cơn xào xạc. Má vỗ vỗ vai Sáu Cam, kêu đã tới lúc cho nó biết mọi chuyện rồi. Mấy câu mà nó hay hỏi hồi trước, giờ đã tới lúc má trả lời.

Má không phải là con ruột của ngoại. Hồi đó, má theo ba má ruột đi tới xứ này. Chẳng may gặp chuyện xui rủi, má mình ên sống tiếp. Thấy má mồ côi mồ cút, ngoại thương tình nhận về nuôi. Tuy không phải ruột rà nhưng ngoại lúc nào cũng dành những thứ tốt nhất cho má. Ngay cả những mùa thiếu ăn ngoại cũng không bao giờ để má bị đói.

Trước khi nhận má về nuôi, ngoại sẩy thai ba lần. Má cũng có hai người anh chẳng may ra đi sớm do bệnh sốt rét. Lúc nào má cũng tâm niệm rằng mình còn năm người anh em nữa, má là thứ Sáu, nên má mới đặt cho con cái tên Sáu Cam. Cam trong câu “khổ tận cam lai”, nghĩa là hết đắng rồi tới ngọt, má ít chữ nghe người ta nói thì biết vậy, chỉ mong con mình có cái tên đẹp đẽ sau này không phải chịu vất vả. Đời má xuôi ngược, hên lắm mới gặp được bà ngoại. Bà đã dành cả cuộc sống cho má, mọi thứ má có hiện giờ cũng là nhờ bà.

Tất cả những thứ đó, má sẵn sàng trao hết cho Sáu Cam. Cái nón lá quai nhung chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, như nhắc nhở má nhớ về ngoại, về tất cả những gì ngoại đã làm. Giờ, má cũng trao lại cho Cam.

Sáu Cam nâng niu quai nón, những ngón tay sờ lên vải nhung mìn mịn âm ấm. Nó thấy mắc cỡ vì những suy nghĩ ngô nghê thuở trước. Lẽ ra nó phải nhận ra từ lâu, rằng mọi thứ xung quanh đều có dáng hình của ngoại. Những thứ ngoại để lại cho má con nó đâu phải là vật chất hữu hình, đó còn là nhiều thứ thiêng liêng hơn nhiều. Những nét đẹp, những truyền thống, những bài học, những nghĩa tình.

Sáu Cam đội nón lá, xoay một vòng cho má coi. Má cười tươi rạng rỡ. Cam đoán ở trên trời nhìn xuống ngoại cũng mừng khi thấy cháu của ngoại đã trưởng thành. Đứa cháu kế thừa những điều quý giá ngoại để lại, tiếp tục con đường mới của riêng nó.

Đội cái nón lá quai nhung trên đầu, Sáu Cam thấy mình đã lớn hẳn rồi. Nó hoàn toàn tự tin khoe với mọi người nó là con của má, là cháu của ngoại, là người vinh dự được đội cái nón lá đẹp nhất trần đời này…

 

Chia sẻ bài viết