29/04/2018 - 09:12

Sau thượng đỉnh liên Triều

Quả bóng hạt nhân nằm trong sân Donald Trump 

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28-4 hết sức lạc quan cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử mở ra kỷ nguyên mới sau khi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cam kết theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa và xây dựng một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. 

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên (trái) và Hàn Quốc nói lời chia tay tại buổi lễ tối 27-4. Ảnh: AFP
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên (trái) và Hàn Quốc nói lời chia tay tại buổi lễ tối 27-4. Ảnh: AFP

KCNA công bố toàn văn Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (Panmunjom) và cho rằng cuộc gặp này mở đường cho “hòa hợp và thống nhất, hòa bình và thịnh vượng dân tộc”. Trong văn kiện, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định “mục tiêu chung xây dựng một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Hai bên cũng cam kết tìm kiếm một hiệp ước hòa bình ngay trong năm nay nhằm chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên sau 65 năm ngừng bắn. Đây là điểm khác biệt rất quan trọng so với hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. 

Cũng trong bài tường thuật “cột mốc lịch sử” trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều số ra ngày 28-4, KCNA mô tả lãnh đạo hai nước đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn và cởi mở” trên nhiều vấn đề cùng quan tâm như cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên, đảm bảo hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, KCNA nói rằng buổi yến tiệc tối 27-4 diễn ra trong “bầu không khí thân ái chan chứa tình cảm của những người cùng chung huyết thống”. KCNA bình luận Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm sẽ giúp “nối lại các dòng máu quốc gia bị chia cắt và thúc đẩy tương lai cùng thịnh vượng và tái thống nhất” bán đảo Triều Tiên. 

Hãng tin AP cho biết ngoài cam kết phi hạt nhân hóa và đàm phán hiệp ước hòa bình, lãnh đạo hai miền Triều Tiên cũng đạt nhiều thỏa thuận có ý nghĩa. Hai nước sẽ lập văn phòng liên lạc tại thành phố Kaesong của Triều Tiên, nơi nằm gần biên giới Hàn Quốc và có khu công nghiệp chung vốn bị đóng cửa trong nhiều năm qua. Tổng thống Moon hứa sẽ thăm Bình Nhưỡng vào mùa Thu, trong khi đối thoại quân sự cấp cao sẽ được tổ chức vào tháng 5 và các cuộc gặp giữa các gia đình ly tán trong chiến tranh sẽ được nối lại. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh cuộc gặp lịch sử liên Triều trên Twitter và trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington hôm 27-4. Tổng thống Trump cũng khẳng định ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên và cho rằng Mỹ có trách nhiệm trong việc giúp bán đảo Triều Tiên đạt được mục tiêu hòa bình và phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố “chỉ có thời gian mới trả lời” và Bình Nhưỡng  phải chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa của mình trước khi Mỹ có thể thay đổi chính sách gây áp lực tối đa lên Triều Tiên. 

Thực tế, theo AP, việc lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc thống nhất quan điểm bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân thông qua quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể được diễn giải ngoại giao khác nhau. Dù Mỹ không còn duy trì vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc từ đầu những năm 1990, nhưng Triều Tiên  vẫn cho rằng phi hạt nhân hóa cũng có nghĩa Mỹ phải chấm dứt chính sách “ô hạt nhân” đối với Hàn Quốc.  Thế nên, phi hạt nhân hóa theo Bình Nhưỡng nghĩa là Washington  phải đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ được an toàn trước mối đe dọa tấn công hạt nhân, điều mà AP cho rằng rất phức tạp để Mỹ cam kết. Thượng đỉnh liên Triều rõ ràng đã thống nhất vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời đặt quả bóng hạt nhân vào phần sân của ông Trump. 

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết