21/06/2020 - 06:25

Phương pháp MRI mới cải tiến điều trị Parkinson 

Nghiên cứu do Đại học Tây Nam Texas (UTSW, Mỹ) thực hiện, sử dụng 3 kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) nâng cao: chụp các bó sợi thần kinh, lập bản đồ định lượng tổn thương và chụp chuỗi xung đảo ngược (IR) tìm các tổn thương liên quan đến chất xám.

Hàng triệu bệnh nhân Parkinson có hy vọng cải thiện cuộc sống nhờ kỹ thuật MRI mới. Ảnh: Getty Images

Theo nhóm nghiên cứu, các kỹ thuật chụp MRI tiên tiến giúp điều trị hội chứng liệt rung (Parkinson) mà không cần phẫu thuật và ít tác dụng phụ hơn thông qua việc cho phép các chuyên gia tập trung vào từng khu vực nhỏ ở vùng đồi thị sâu bên trong não liên quan cử động. Nhờ vậy, họ có thể loại bỏ hoặc đốt các mô não có vấn đề bằng công nghệ siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU). Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là hạn chế rủi ro phá hủy mô não khỏe mạnh, ngăn ngừa tác dụng phụ ảnh hưởng khả năng đi lại, khó nói hoặc nói lắp. Thường các tác động như vậy là tạm thời, nhưng khoảng 15-20% các trường hợp kéo dài vĩnh viễn.

Bệnh Parkinson xảy ra khi các tế bào sản sinh dopamine (chất dẫn truyền thần kinh cần thiết để khởi đầu vận động của toàn cơ thể) ở thân não bị chết. Nguyên nhân chính xác tình trạng này vẫn chưa được làm rõ, nhưng có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ như di truyền, phơi nhiễm hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Bện h này hiện chưa có cách chữa trị mà chỉ có thể dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng.

Hiện 3 kỹ thuật MRI mô tả trong nghiên cứu đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép áp dụng trên người. UTSW cho biết họ sẽ bắt đầu điều trị cho bệnh nhân vào mùa thu này.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Health Site)

Chia sẻ bài viết