21/05/2010 - 22:12

Phụ nữ Trung An với "Hũ gạo tình thương"

 Chị Đặng Thị Thanh Tuyền cẩn thận bỏ một nắm gạo vào hũ gạo tình thương của gia đình mình trước khi vo gạo nấu cơm chiều.

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2007, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Thốt Nốt (nay là quận Thốt Nốt) đề ra chỉ tiêu mỗi đơn vị Hội LHPN xã đăng ký thực hiện 2 mô hình thi đua. Và “Hũ gạo tình thương” là 1 trong 2 mô hình được Hội LHPN xã Trung An chọn đăng ký. Đến nay, mô hình này được nhiều hội viên và người dân đồng tình hưởng ứng...

* “Hũ gạo tình thương” theo lời Bác dạy

Lời nói và cũng là hành động của Bác Hồ vào năm 1945: “Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”, đã cho Hội LHPN xã Trung An ý tưởng và đi đến thống nhất đăng ký thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương”.

Ngay sau khi đăng ký, ấp Thạnh Phước 1 được chọn làm thí điểm mô hình “Hũ gạo tình thương”. Chị Thái Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung An, nhớ lại: “Những tháng đầu triển khai thực hiện mô hình ở ấp Thạnh Phước 1, các hội viên chưa hiểu hết ý nghĩa của mô hình nên chưa mạnh dạn tham gia. Để tạo lòng tin cho hội viên, các chị em là trưởng tổ, nhóm phụ nữ ấp tự nguyện đi đầu trong phong trào. Cuối mỗi tháng, các thành viên trong Ban chấp hành Chi hội phụ nữ đi gom được từ 15 đến 20 kg gạo, chia cho 2-4 hộ nghèo, mỗi hộ được 5-7 kg gạo. Nhờ các thành viên trong Chi hội phụ nữ ấp nhiệt tình vận động nên số gạo ngày càng tăng lên”. Đến đầu năm 2009, do chia tách địa giới hành chính, xã Trung An trực thuộc huyện Cờ Đỏ, riêng ấp Thạnh Phước 1 trở thành khu vực Thạnh Phước 1, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, mô hình này được chuyển về ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An.

Từ kinh nghiệm sau gần 2 năm thực hiện “Hũ gạo tình thương” ở ấp Thạnh Phước1, mô hình này được Ban Chấp hành Chi hội triển khai đến các tổ, nhóm phụ nữ ấp, sau đó, lồng ghép giới thiệu đến các hội viên thông qua các buổi họp, tuyên truyền. Nhờ vậy, người dân ở ấp Thạnh Lợi 1 nhanh chóng làm quen và dần tích cực tham gia thực hiện mô hình. Đến nay, số gạo trung bình quyên góp được từ mô hình “Hũ gạo tình thương” của ấp Thạnh Lợi 1 đã lên đến khoảng 60-70 kg/tháng, chia cho 6-7 hộ nghèo, đảm bảo mỗi hộ nhận được 10kg gạo/lần. Đầu năm 2010, mô hình chính thức được nhân rộng sang ấp Thạnh Lộc 2 của xã Trung An.

Chia sẻ cách thực hiện mô hình của mình, chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1, cho biết: “Cũng như ấp Thạnh Phước 1, lúc mới triển khai, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Biết những khó khăn này là tất yếu nên chúng tôi càng quyết tâm thực hiện các khâu của mô hình thật công khai, minh bạch để tạo lòng tin cho hội viên”. Hàng tháng, sau khi thu gom gạo từ hội viên, số gạo góp được dù ít hay nhiều, các chị đều công khai với hội viên; đối tượng được nhận gạo do tập thể hội viên thống nhất chọn ra. Với các gia đình neo đơn, người già hay trẻ nhỏ,... điều kiện đi lại khó khăn, Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1 cùng một số hội viên đi đến nhà, trao tận tay những hạt gạo nghĩa tình.

Hơn 1 năm qua kể từ khi chính thức triển khai mô hình “Hũ gạo tình thương” ở Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1, đã có 25 hũ gạo tình thương được xây dựng và duy trì tốt bên cạnh nhiều nhà hảo tâm tin tưởng, thường xuyên ủng hộ. Những tưởng, số gạo góp được mỗi ngày không bao nhiêu nhưng tổng số gạo góp được trong năm qua lên đến 2.800kg, hỗ trợ 186 chị em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, số gạo này được ưu tiên cho những hộ nghèo nhưng chí thú làm ăn, qua đó góp phần thúc đẩy ý chí phấn đấu vươn lên của họ và ngày càng tạo được lòng tin trong hội viên.

* Những hạt gạo nghĩa tình

Chị Đặng Thị Thanh Tuyền cũng như nhiều chị em hội viên hội phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, xem phong trào “Hũ gạo tình thương” như một công việc không thể thiếu của gia đình. Chị Tuyền cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhờ Hội LHPN xã tạo điều kiện giúp tôi được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cờ Đỏ để làm vốn mua bán. Hiện tại, thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi muốn làm một việc gì đó giúp ích cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn khác”. Còn chị Huỳnh Thị Nguyệt, cùng ngụ ấp Thạnh Lợi 1, cho biết mình tích cực tham gia phong trào này vì: “Mình còn may mắn hơn nhiều chị em khác, của ít lòng nhiều, mỗi bữa cơm, chia sẻ một nắm gạo chẳng có là bao mà mình lại có được niềm vui vì giúp được chị em”.

Có thêm một chiếc xô đựng gạo bên cạnh thùng gạo của gia đình đã không còn là hình ảnh lạ ở góc bếp gia đình của nhiều chị em hội viên phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An. Mỗi ngày 2 lần, lúc xúc gạo nấu cơm, các chị đều dành lại 1 nắm hoặc 1 lon gạo để cho vào “Hũ gạo tình thương” của gia đình. Gần 3 năm qua, “Hũ gạo tình thương” đã như một sợi dây nối liền những tấm lòng thơm thảo của các chị em lại với nhau. Không những vậy, nó còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, làm xích lại gần nhau hơn hoàn cảnh và điều kiện sống của các chị em.

Tất cả các chi phí sinh hoạt của gia đình chị Nguyễn Kim Thúy chủ yếu nhờ vào tiền công làm thuê của anh Nguyễn Văn Vũ, chồng chị nhưng sức khỏe của anh cũng đang ngày càng giảm sút nên gia đình anh chị thường xuyên thiếu trước hụt sau. Những lúc quá túng bấn, có được 10kg gạo từ phong trào “Hũ gạo tình thương” của Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1 đem đến hỗ trợ, gia đình như trút được phần lớn gánh nặng. Chị Thúy chia sẻ: “Từ lúc phong trào “Hũ gạo tình thương” được triển khai đến nay, gia đình tôi nhận được 2 lần gạo, mỗi lần 10kg. Có gạo ăn, chúng tôi mừng lắm và yên tâm làm mướn kiếm tiền nuôi con ăn học”. Cũng như chị Thúy, gia đình anh Nguyễn Ngọc Thanh cũng nhận được 2 lần hỗ trợ từ phong trào “Hũ gạo tình thương”. Anh tâm sự: “Chúng tôi rất biết ơn những sự quan tâm của các cán bộ Hội LHPN xã, Chi hội Phụ nữ ấp đã dành cho gia đình tôi. Tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để không phụ lòng các cô, các chị”. Đối các chị đã bỏ công gầy dựng và phát triển phong trào, phần thưởng lớn nhất có được chính là niềm vui, sự yêu mến, tin tưởng của bà con dành cho các chị. Chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1, tâm sự: “Có lần, chúng tôi đến gia đình hội viên Nguyễn Thị Thảo để trao gạo cho chị. Trong căn nhà trống trước trống sau, chị Thảo nhận gạo mà mừng đến rơi nước mắt. Thấy vậy, chúng tôi cũng không nén được xúc động và tự hứa sẽ duy trì mô hình này để giúp chị em được nhiều hơn. Thấy chị em vui, mình cũng vui lây”.

Với phương châm “1 nắm khi đói bằng 1 gói khi no”, các chị kiên trì vận động chị em tham gia “Hũ gạo tình thương” với thái độ hòa nhã, thân thiện, để các hội viên tự nguyện trải lòng với những chị em còn khó khăn. Đến nay, phạm vi vận động phong trào “Hũ gạo tình thương” của Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1 không chỉ dừng lại ở hội viên mà còn mở rộng đến các mạnh thường quân là chủ các công ty, cửa hàng,... ngày càng tạo thêm tính vững mạnh cho mô hình. Với những thành công đó, mô hình “Hũ gạo tình thương” của Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1 đã nhận được nhiều giấy khen của Hội LHPN huyện, UBND huyện Cờ Đỏ và Hội LHPN TP Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Mặc dù triển khai thực hiện chưa lâu nhưng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An đã gặt hái được nhiều thành công với mô hình “Hũ gạo tình thương”. Trong hơn 3 năm qua, mô hình đã thể hiện rất sâu sắc tinh thần tương thân, tương ái, cùng sẻ chia khó khăn của các chị em, đồng thời tạo được lòng tin trong nhân dân”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết