03/08/2019 - 15:02

Phụ nữ Saudi Arabia được tự do đi du lịch nước ngoài 

Saudi Arabia tuyên bố sẽ cho phép phụ nữ được làm hộ chiếu và du lịch nước ngoài mà không cần sự đồng ý của “người giám hộ” nam, chấm dứt quy định vốn gây tranh cãi và chỉ trích của cộng đồng quốc tế. 

Phụ nữ Saudi Arabia đi du lịch nước ngoài. Ảnh: WSJ

Theo những nghị định Hoàng gia đăng trên bản tin chính thức Umm Al Qura của chính phủ, bất kỳ công dân Saudi Arabia nào nộp đơn đều được cấp hộ chiếu. Quy định này sẽ được áp dụng đối với cả phụ nữ trên 21 tuổi, những đối tượng trước đây phải được phép của “người giám hộ” nam, như chồng, cha hoặc người thân là nam giới, mới được cấp hộ chiếu hoặc tổ chức cưới hỏi. Ngoài ra, những quy định sửa đổi trên cũng trao cho phụ nữ nhiều quyền kiểm soát hơn trong các vấn đề gia đình, như phụ nữ được phép làm đăng ký khai sinh cho con, làm thủ tục cưới và ly dị.

 Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch giải phóng phụ nữ do Thái tử Mohammed bin Salman đi đầu nhằm vận động thay đổi tư tưởng bảo thủ vốn bị chỉ trích lâu nay về cách hành xử đối với phụ nữ. Nỗ lực cải cách trên bao gồm cả quyết định được thực thi từ tháng 6 năm ngoái, bãi bỏ lệnh cấm “có một không hai” trên thế giới không cho phép phụ nữ được lái xe, chơi thể thao với đàn ông hoặc đảm nhận những công việc nằm ngoài ranh giới “hạn hẹp” liên quan đến vai trò giới truyền thống của nước này.

Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạt động về quyền phụ nữ đã vận động để chống lại hệ thống “giám hộ” nam giới, mà phụ nữ luôn bị coi như những “món đồ sở hữu hợp pháp” trong suốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, hiếm quốc gia nào trên thế giới còn duy trì sự “giám hộ” của đàn ông đối với phụ nữ nghiêm khắc như Saudi Arabia. Theo đó, phụ nữ đã kết hôn phải được phép của người “giám hộ” là chồng để được đi du lịch nước ngoài, đi làm, thậm chí là chữa bệnh. Sự ràng buộc này kéo dài từ lúc họ sinh ra đến khi qua đời. Nếu chưa lấy chồng, họ cần sự cho phép của người cha, còn nếu chồng qua đời, cần sự cho phép của con trai, hoặc của người thân là nam giới. 

Giới chỉ trích cho rằng cải cách này vẫn chỉ là “món đồ trang sức” cho đến khi Saudi Arabia bãi bỏ hoàn toàn hệ thống “giám hộ” cho phép nam giới “quyền độc đoán” đối với những người thân là phái yếu.

Phương Hoa (TTXVN)

Chia sẻ bài viết