27/02/2017 - 20:53

Phòng tránh đái tháo đường ở phụ nữ

Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính không lây. Theo thống kê của Tổ chức đái tháo đường thế giới, cứ 24 giờ trên thế giới, có 3.600 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh này, trong đó, nữ chiếm 2/3 tỷ lệ mắc bệnh so với nam giới.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe cho phụ nữ về bệnh lý đái tháo đường. Chương trình thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, trình bày thắc mắc về bệnh: nguyên nhân, triệu chứng của bệnh đái tháo đường; người thích ăn và ăn nhiều thức ăn ngọt có phải là triệu chứng của bệnh đái tháo đường; khi mắc bệnh, người bệnh dùng thức ăn gì; luyện tập và phòng bệnh ra sao; …

 Bác sĩ Lương Tuyết Liễu tư vấn cho chị em về bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ CKI nội tiết Lương Tuyết Liễu, diễn giả của chương trình, giải đáp các thắc mắc của chị em. Bệnh đái tháo đường là bệnh tự miễn, có yếu tố di truyền. Mẹ bị đái tháo đường thì con có 25% nguy cơ mắc bệnh; cha lẫn mẹ đều bị đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh của con là 50%. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể do nhiễm siêu vi (quai bị, rubella…), béo phì, ít vận động. Ăn ngọt cũng là một trong những triệu chứng của bệnh đái tháo đường, là yếu tố thuận lợi tiến triển bệnh. Về cách phòng tránh bệnh, mọi người nên tầm soát định kỳ 1 lần/năm đối với người có yếu tố nguy cơ, thực hiện chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý. Tuy nhiên, nếu là yếu tố di truyền thì không ngăn ngừa được. Người thuộc nhóm nguy cơ đái tháo đường nên sớm có ý thức về chế độ dinh dưỡng và luyện tập để phòng tránh bệnh.

Bác sĩ Lương Tuyết Liễu cho biết thêm về các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như: tiểu nhiều, khát và uống nước nhiều, mau đói, thèm ăn, sút cân nhanh, mệt mỏi, uể oải toàn thân, hoa mắt, choáng váng… Bệnh dẫn đến nhiều biến chứng, riêng đối với phụ nữ, dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nấm phần phụ. Bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, do sử dụng thuốc ngừa thai thì khó kiểm soát đường huyết, trong khi đặt vòng tránh thai thì dễ nhiễm trùng. Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ thai to (gấp 2-3 lần) so với bình thường, dị tật thai, thai đa ối. Việc sinh nở ở thai phụ đái tháo đường cũng đối diện nhiều nguy cơ như: sinh non, sẩy thai, sản giật, sanh mổ…

Bác sĩ khuyến cáo, cả nam lẫn nữ, nhất là nữ, từ 45 tuổi trở lên, có thể trạng béo phì, thừa cân, tăng huyết áp; gia đình có người thân đái tháo đường; tiền sử tăng đường huyết, đái tháo đường thai kỳ, sẩy thai, đa nang buồng trứng, nên tầm soát bệnh đái tháo đường. Hiệu quả điều trị bệnh tùy thuộc nhiều yếu tố: kết hợp điều trị dùng thuốc với chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong điều trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh, với sự hợp tác tích cực của bệnh nhân. Kiểm soát đường huyết bằng cách dùng thuốc khi cần thiết; chế độ ăn phù hợp và thường xuyên vận động, để giữ cân nặng ở giới hạn cho phép, ngăn ngừa và làm chậm các biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

Các bác sĩ chuyên khoa đưa ra các nguyên tắc dinh dưỡng chung dành cho người đái tháo đường. Đó là, ăn đủ để đạt cân nặng lý tưởng; không được bỏ bữa, ăn điều độ, đúng buổi dù không thấy đói để tránh hạ đường huyết; không nên ăn bữa ăn lớn, thịnh soạn, chia làm 3 bữa với một bữa chính và hai, ba bữa phụ; hạn chế ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào (bơ, phủ tạng, cốt dừa); ăn đủ chất đạm (thịt, cá, đậu…); lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường cần giảm bớt lượng muối, dưới 6gr/ngày; tăng cường ăn nhiều rau củ, trái cây nguyên xác để cung cấp nhiều chất xơ, từ 2 - 4 suất/ngày; hạn chế rượu bia. Đồng thời, thực hiện chế độ tập luyện thể dục phù hợp như: đi bộ, đi xe đạp 30 - 45 phút/ngày, ít nhất mỗi tuần 3 lần. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết