21/05/2014 - 20:57

Phòng ngừa trẻ em tiêu tiền qua điện thoại thông minh

Điện thoại thông minh và máy tính bảng đang ngày càng trở nên phổ biến và không thể thiếu đối với nhiều người. Các thiết bị này không chỉ là phương tiện hữu ích cho người lớn mà còn rất thu hút đối với trẻ em, vì chúng có thể cài đặt nhiều trò chơi hấp dẫn. Nhiều trẻ em, thậm chí là người lớn không thể nhận ra rằng một số ứng dụng đặc biệt là trò chơi dẫn dắt người dùng đến chỗ mua hàng “in-app”. Từ một trò chơi miễn phí, nhưng khi sử dụng bạn phải mua thêm một vài thứ và tiền bị trừ trực tiếp vào tài khoản mà bạn đã lưu số trên điện thoại hoặc máy tính bảng.

Mua hàng “in-app” là gì?

Hệ điều hành với các cửa hàng ứng dụng dành cho điện thoại thông minh như iOS, Android và Windows Phone cho phép các ứng dụng bạn đã cài đặt từ các cửa hàng được sử dụng để mua hàng “in-app” – mua trong quá trình sử dụng. Ví dụ, bạn có thể cài đặt một ứng dụng lưu trữ video, sử dụng ứng dụng để tìm kiếm video, sau đó trả tiền để thuê video đó. Ứng dụng có thể sử dụng để mua một món hàng trong lúc sử dụng và tính phí vào thẻ tín dụng của bạn, do đó bạn có thể nhanh chóng trả tiền mà không cần thoát khỏi ứng dụng. Đây là khái niệm mua hàng “in-app”.

Hiện nay, nhiều trò chơi đã chuyển sang hoạt động theo mô hình này. Các trò chơi cho phép cài đặt miễn phí, nhưng khi chơi, nó đòi hỏi hoặc khuyến khích thanh toán một khoản tiền để tiếp tục chơi theo từng cấp độ. Nhiều trò chơi “gạ gẫm” nâng cấp hoặc mua hàng bằng nhiều cách, đẩy người chơi đến chỗ chi tiêu hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm USD cho các sản phẩm trong trò chơi, làm cho các trò chơi “miễn phí” trở nên đắt hơn so với trò chơi trả tiền.

 

Một số trò chơi sử dụng mua hàng “in-app” có trách nhiệm, nhưng một số - đặc biệt là các trò chơi dành cho trẻ em - sử dụng các hình thức kinh doanh rất “vơ vét”. Ví dụ, trò chơi nuôi cá ảo trên điện thoại di động (Tap Fish). Đó là một hồ cá ảo. Trong đó, cá sẽ chết nếu bạn quên cho chúng ăn. Nhưng, nếu cá ảo của bạn chết, bạn có thể cho hồi sinh với chi phí là tiền thật. Điều này không khó để bạn thấy lý do tại sao tài khoản bị “bốc hơi” một cách “bí ẩn” nếu bạn để trẻ em chơi Tap Fish hoặc các trò tương tự như thế.

Cách ngăn chặn

Các hệ điều hành iOS, Android và Windows Phone đều cho phép tạo mã PIN để bạn phải nhập mỗi khi mua ứng dụng từ cửa hàng hoặc mua hàng “in-app”.

• iPhone và iPad

- Mở cài đặt ứng dụng (Settings), bấm vào General.

- Bấm Restrictions trên màn hình General.

- Kích hoạt (Enable) Restrictions và tạo mật khẩu.

- Di chuyển xuống Allowed Content, chuyển “In-App Purchases” sang chế độ Off. Điện thoại sẽ yêu cầu mật khẩu mỗi khi mua hàng “in-app”.

• Điện thoại/máy tính bảng Android

- Mở cửa hàng ứng dụng (Google Play).

- Vào Menu và chọn Settings.

- Bên dưới User Controls, bấm “Set or change PIN”, tạo một mã PIN. Chọn mã PIN sao cho bọn trẻ không biết hoặc khó đoán.

- Đánh dấu vào tùy chọn “Use PIN for purchases”.

• Windows Phone

- Vào cửa hàng ứng dụng (Store).

- Vào Settings, bấm vào mã PIN.

- Kích hoạt mã PIN (chuyển sang ON).

- Nhập mã PIN và xác nhận lại mã PIN.

Như vậy, khi bạn mua ứng dụng hay bất cứ thứ gì thông qua điện thoại, nó đều yêu cầu bạn nhập mã PIN để xác nhận việc mua bán.

• Kindle Fire

Amazon Appstore trên Kindle Fire cũng cho phép bạn hạn chế mua hàng “in-app”, thậm chí vô hiệu hóa chúng hoàn toàn.

- Mở App Store, bấm nút Menu, và chọn Settings.

- Bấm Parental Controls.

- Đánh dấu vào ô “Enable Parental Controls”. Bây giờ, bạn sẽ phải nhập mật khẩu Amazon.com của bạn mỗi khi bạn thực hiện mua hàng. Bạn cũng có thể đánh dấu vào ô “Use PIN” để tạo mã PIN sử dụng cho việc mua hàng “in-app”.

HOÀNG THY

Chia sẻ bài viết