01/10/2021 - 14:34

Vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á

Phòng ngự lên ngôi 

Vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á đã trải qua 2 lượt trận đầu tiên và các đội tuyển chuẩn bị bước vào lượt trận thứ ba, thứ tư trong tháng 10 này. Những đội mạnh nhất của châu lục đã thể hiện bản lĩnh, nhưng cũng cho thấy khoảng cách trình độ giữa các đội không còn quá chênh lệch. Trong bối cảnh đó, lối đá thiên về phòng ngự lên ngôi.

 

Pha sút bóng của Quang Hải (số 19) trong trận gặp Úc. Ảnh: VNN

Theo trang the-AFC.com, các trận đấu ở vòng loại cuối cùng diễn ra gay cấn ở cả bảng A và B, với rất nhiều cơ hội được tạo ra, nhưng tỷ lệ bàn thắng chưa cao. Qua 2 lượt trận mở màn, chỉ có 18 bàn thắng được ghi sau 12 trận, trung bình 1,5 bàn/trận. Chỉ có 3 trận đấu diễn ra với số bàn thắng ​​nhiều hơn 2, trong khi có 2 trận hòa không bàn thắng và 6 trận có tỷ số 1-0. Tuy nhiên, những con số đó không thể hiện rằng các trận đấu kém hấp dẫn, bởi có tới 7 trong số 12 đội đã tạo ra hơn 20 cú dứt điểm trong 180 phút của họ.

Đội tạo được thế trận lấn lướt trước đối thủ, nhưng lãng phí cơ hội thành bàn nhiều nhất là Hàn Quốc. “Các chiến binh Taeguk” có tổng cộng 35 lần dứt điểm về phía cầu môn của Iraq và Lebanon. Tuy nhiên, chỉ 1 lần đưa bóng vào lưới. Bù đắp cho sự vô duyên của hàng công là Hàn Quốc có hàng thủ rất chắc chắn, chưa bị thủng lưới. Sau 2 trận, “các chiến binh Taeguk” đã giành được 4 điểm, đứng ở vị trí thứ hai bảng A.

Về tỷ lệ dứt điểm thành bàn thắng, Iran là đội thi đấu hiệu quả khi đã ghi được 4 bàn thắng sau 22 lần nỗ lực sút bóng. Tiền vệ cánh Alireza Jahanbakhsh (Feyenoord) và tiền đạo Mehdi Taremi (Porto) tiếp tục thể hiện phong độ rất cao, góp công lớn trong 2 trận thắng của Iran trước Syria và Iraq, tạm thời xếp trên Hàn Quốc, giữ vị trí đầu bảng A.

Xét về tỷ lệ bàn thắng, bảng B có con số nhỉnh hơn nhờ chiến thắng 3-0 và 3-1 của Úc và Saudi Arabia lần lượt trước Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, “ba ông lớn” là Úc, Saudi Arabia và Nhật Bản đã phải tạo ra vô số lần dứt điểm, với tổng cộng 85 cú sút và chỉ 9 ghi bàn thắng. Trong đó, hàng công của Nhật Bản kém duyên nhất khi chỉ ghi được một bàn thắng sau 28 lần dứt điểm.

Ở chiều ngược lai, số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc là đội có hàng công tệ nhất, với 10 cú sút về phía khung thành đối phương nhưng không trúng đích. Sau 2 trận thua và thủng lưới 4 bàn, Trung Quốc đang đứng chót bảng B, không có điểm nào. Trong khi đó, Việt Nam sẽ cần phải cải thiện khả năng ghi bàn nếu muốn đi sâu ở một bảng đấu khó khăn. Sau 2 trận, các cầu thủ Việt Nam ghi được 1 bàn thắng.

Thống kê cho thấy chiến thuật của các đội ở vòng loại cuối cùng này là sự lên ngôi của lối chơi phòng ngự. Một trong những yếu tố giúp Iran dẫn đầu bảng A là sự vững chắc ở tuyến sau. Các học trò của HLV Carlos Queiroz đã trải qua 9 trận không để thủng lưới và chỉ đối mặt với 2 cú sút nguy hiểm trong 2 trận vừa qua.

Hàng thủ của tuyển Úc thậm chí chưa gặp khó khăn. “Những chú chuột túi” chỉ phải đối mặt với 2 cú sút nguy hiểm, trong đó cú dứt điểm của tiền vệ Nguyễn Quang Hải. Có thể đã có kết quả khác nếu như mặt sân cỏ tốt hơn và không làm Quang Hải bị trượt.

Qua 2 lượt trận, Oman là đội gây bất ngờ nhất khi quật ngã Nhật Bản ngay trên sân Osaka và chỉ thua sít sao Saudi Arabia. Những con số thống kê cho thấy kết quả không phải là may mắn với Oman. Trước hai đối thủ được đánh giá cao hơn, các cầu thủ Oman đã tạo ra 20 cơ hội ghi bàn, đứng thứ tư trong số 12 đội.

Oman đã không cho đối thủ của họ nhiều cơ hội và đây là đội bóng sẽ đối đầu với tuyển Việt Nam vào ngày 12-10 tới.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết