10/12/2023 - 13:05

Phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ lên đến 90% nếu không được dự phòng kịp thời. Tiêm vaccine ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Cán bộ Trạm Y tế phường Hưng Phú, quận Cái Răng, tư vấn cho thai phụ. Ảnh: H.HOA

Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng, tùy thể trạng từng người. Sau đó, virus bắt đầu hoạt động và gây viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính và nhiễm virus HBV suốt đời. Viêm gan B có 3 đường lây truyền chủ yếu: truyền từ mẹ sang con; truyền qua đường tình dục; truyền qua đường máu. Trong đó, đường lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là nguy hiểm nhất.

Theo Cục Y tế dự phòng, khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B thì tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi rất cao, tăng dần từ lúc mang thai cho đến khi sinh. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm là 10% và 3 tháng cuối tăng lên 60-70%. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời ngay sau sinh. Có 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

ThS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết: Đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B, các thai phụ cần được thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi, đánh giá tình trạng viêm gan B. Nếu xét nghiệm tải lượng virus ở ngưỡng thấp thì không cần uống thuốc kháng virus mà chỉ cần theo dõi và dự phòng cho con. Đối với những trường hợp cần phải điều trị, bác sĩ điều trị sẽ kê thuốc kháng virus. Ngừng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, đối với bà mẹ đang điều trị viêm gan B mong muốn có thai hoặc đã mang thai thì phải tiếp tục điều trị thuốc kháng virus. Trong thời gian mang thai, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp cho cả mẹ và thai nhi. Trẻ được sanh ra từ bà mẹ có mắc bệnh viêm gan B vẫn có thể bú sữa mẹ bình thường.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó, tiêm ngừa kháng huyết thanh, tiêm ngừa viêm gan B càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Nên tiêm ở hai vị trí khác nhau. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả.

Sau đó, tiêm ngừa cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng vào tháng thứ 2, thứ 3 và tháng thứ 4 sau sinh. Sau khi trẻ đã tiêm đủ các mũi cơ bản, các bà mẹ nên cho trẻ làm xét nghiệm HBsAg và anti HBS vào tháng thứ 7 và tháng thứ 12 sau khi sinh để đánh giá tình trạng viêm gan B của trẻ. Nếu HBsAg dương tính, cần theo dõi thăm khám trẻ tại cơ sở y tế điều trị viêm gan B. Nếu HBsAg âm tính, trẻ đáp ứng kháng thể đầy đủ thì không cần theo dõi. Nếu HBsAg âm tính nhưng chưa đáp ứng kháng thể đầy đủ thì cần tiêm vaccine ngừa viêm gan B nhắc lại cho trẻ.

Vaccine viêm gan B rất an toàn, đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Sau khi tiêm vaccine viêm gan B có thể gặp các phản ứng thông thường: đau tại chỗ tiêm, sốt. Những phản ứng nặng sau tiêm vaccine viêm gan B thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, các bà mẹ nên tiêm vaccine viêm gan B khi trẻ đã bú tốt và đề nghị để trẻ được cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm.

Thiên Thanh

Chia sẻ bài viết