16/08/2021 - 10:54

Phòng chống thiên tai phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay, thời tiết, thủy văn diễn biến bất thường, thường xuyên xuất hiện mưa lớn kèm giông lốc, sạt lở bờ sông… gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Mùa mưa bão đang vào thời kỳ cao điểm, công tác phòng, chống thiên tai đang cần sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tập trung thực hiện.

Thiệt hại do giông lốc

Nhánh cây sao cổ thụ tại Công viên Đồ Chiểu gãy cành (do mưa giông ngày 27-7-2021), rơi xuống đường Nguyễn Trãi, đè lên đường dây điện chiếu sáng công cộng rất nguy hiểm.

Nhánh cây sao cổ thụ tại Công viên Đồ Chiểu gãy cành (do mưa giông ngày 27-7-2021), rơi xuống đường Nguyễn Trãi, đè lên đường dây điện chiếu sáng công cộng rất nguy hiểm.

Người dân TP Cần Thơ còn nhớ cơn mưa, lốc xoáy vào lúc 3 giờ sáng 25-7-2021 đã gây hậu quả nặng nề. Chị Cẩm Thúy ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Gần 3 giờ sáng, tôi chợt nghe tiếng gió rất mạnh, mưa tạt thẳng vào cửa nên vội thức dậy kiểm tra. Gió rất lớn, trước nay tôi chưa chứng kiến lần nào, mái tôn bị gió kéo kêu rắc rắc nhưng rất may nhà tôi không bị tốc mái”.

Trận mưa giông  đã làm 45 căn nhà tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Thới Lai, Phong Điền bị sập, tốc mái. Trong đó, Phong Điền là địa phương bị thiệt hại nặng nhất khi có 3 căn nhà bị sập, 8 căn bị tốc mái. Ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Phong Điền, cho biết: “Trận mưa giông đã gây thiệt hại nặng cho 11 hộ gia đình có nhà bị ảnh hưởng thuộc các xã Tân Thới, Giai Xuân và Trường Long. Chính quyền địa phương kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân sửa chữa nhà cửa. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện thống kê thiệt hại để đề xuất Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị sập, tốc mái. Qua đó, mỗi căn nhà bị tốc mái được hỗ trợ 3-5 triệu đồng, còn nhà sập được hỗ trợ từ 10-20 triệu đồng, tùy mức độ thiệt hại. Nhờ đó, người dân có điều kiện sửa chữa nhà, ổn định cuộc sống”.

Cùng ngày, quận Ninh Kiều có 21 cây xanh trên nhiều tuyến đường, như: Quang Trung, Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Công viên Hùng Vương… bị bật gốc, gãy nhánh. Tổng thiệt tài sản do trận mưa giông ngày 25-7 trên 400 triệu đồng.

Ngày 27-7, TP Cần Thơ tiếp tục xuất hiện cơn mưa kèm giông lốc, làm 10 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Một số cây xanh trên vỉa hè ở quận Ninh Kiều bị đổ, gãy cành. Thiên tai không gây ảnh hưởng về người nhưng thiệt hại tài sản gần 100 triệu đồng. Trong đó, huyện Cờ Đỏ là địa phương có nhà bị tốc mái, hư hại nhiều nhất với 5 căn nhà của người dân tại xã Trung Thạnh và Đông Hiệp. Tại quận Ninh Kiều, mưa giông đã làm tốc mái trụ sở làm việc của Công ty CP Nông sản Xuất khẩu Cần Thơ trên đường Trần Hưng Đạo; làm tốc mái hoàn toàn căn nhà của hộ bà Phạm Kim Hồng ở khu vực 4, phường Cái Khế; một số cây xanh tại đường Xuân Thủy (khu dân cư Hồng Phát), đường Nguyễn Trãi bị đổ, gãy cành… Anh Nguyễn Văn Tâm, ở đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Một cây sao cổ thụ trên vỉa hè công viên Đồ Chiểu, đường Nguyễn Trãi bị tét nhánh, rơi xuống giữa đường. Cành cây bị gãy đè lên dây điện của một trụ đèn chiếu sáng khiến trụ đèn bị hư hỏng nặng. Rất may vào thời điểm trên không có người và phương tiện lưu thông nên không xảy ra tai nạn”.

Trong những ngày TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19, người dân cùng phương tiện ít ra đường nên các vụ cây đổ không gây nhiều thiệt hại. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, thành phố xảy ra 2 loại thiên tai là lốc xoáy và sạt lở bờ sông, gây thiệt hại tài sản khoảng 8,5 tỉ đồng. Trong đó, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã xảy ra 15 đợt, làm sập hoàn toàn 7 căn nhà; làm tốc mái, xiêu vẹo, bị ảnh hưởng 75 căn, ước thiệt hại tài sản khoảng 1,715 tỉ đồng. Riêng trong tháng 7-2021, mưa lớn kèm theo giông lốc đã xảy ra nhiều, với tổng cộng 10 đợt, làm sập 4 căn nhà, tốc mái và ảnh hưởng 66 căn, ước thiệt hại trên 1,4 tỉ đồng. Đến ngày 31-7-2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 23 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 36 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 679m, với tổng thiệt hại tài sản khoảng 7,1 tỉ đồng. Rất may các vụ thiên tai không ảnh hưởng về người.

Nỗ lực phòng tránh

Tại các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, UBND TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các quận, huyện đã thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được khẩn trương, đạt kết quả, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Thành phố cũng đã hỗ trợ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả với số tiền 1,781 tỉ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố tiếp tục rà soát, theo dõi tình hình thiệt hại và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các quận, huyện để tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ Phòng chống thiên tai hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng…

Mùa mưa bão năm 2021 đang vào thời kỳ cao điểm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố yêu cầu UBND, ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế thiệt hại khi mưa giông xuất hiện. Nhất là chằng chống nhà cửa; chặt tỉa cây xanh trên vỉa hè, gần nhà; hạn chế ra đường, đồng ruộng khi mưa giông xuất hiện…

Mới đây, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cũng có văn bản hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Theo đó, đội xung kích làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn, như: công an, dân phòng, chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân… Trong đó, đội xung kích do chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã làm đội trưởng; phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã và phó trưởng công an cấp xã, bí thư đoàn thanh niên cấp xã là đội phó. Đội xung kích là lực lượng tại chỗ tham gia xử lý giờ đầu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, đội xung kích cấp xã, lực lượng làm nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19. Mùa mưa bão vào thời kỳ cao điểm, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cũng đề nghị UBND và ban chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện tăng cường công tác phòng tránh; thực hiện rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết