* Họp mặt thân mật với gần 2.000 cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer
Chiều 23-6, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã thân mật tiếp đoàn đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công tỉnh Đắc Nông.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ sự hy sinh, công lao đóng góp to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, các gia đình chính sách đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, tuy điều kiện kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn cố gắng dành những ưu tiên tốt nhất về an sinh, xã hội cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, người có công với Tổ quốc. Chính phủ quyết tâm làm hết sức mình để cùng toàn dân tộc xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, cuộc sống người dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công tỉnh Đắc Nông nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc, tiếp tục đóng góp tâm sức của mình vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc; dạy dỗ và là tấm gương tích cực cho con cháu nỗ lực học tập, làm việc, xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Trong thời gian ở thăm Hà Nội, Đoàn đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công tỉnh Đắc Nông đã tới viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Trước khi trở về Đắc Nông, đoàn sẽ đi thăm Quảng Ninh và thăm quê Bác.
* Từ ngày 23 đến 26-6, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ do đồng chí Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ làm Trưởng đoàn, phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức họp mặt, nói chuyện thân mật với gần 2.000 cán bộ, sư sãi, ban quản trị chùa và đồng bào Khmer các huyện: Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm.
Đồng chí Sơn Song Sơn bày tỏ sự phấn khởi khi đời sống vật chất và tinh thần của trên 20.000 đồng bào Khmer ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung ngày càng khởi sắc. Điển hình tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long), trong tổng số trên 1.300 hộ Khmer với hơn 5.200 người, thì hộ đồng bào Khmer khá, giàu chiếm tới 67%. Huyện có 4 chùa Khmer trong đó chùa Tòa Sen được công nhận di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh. Tất cả các chùa Khmer trong tỉnh đều được nhà nước hỗ trợ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, truyền hình, dàn nhạc ngũ âm và ghe ngo. Ngoài ra, mỗi năm có hàng trăm đồng bào Khmer được hỗ trợ vốn sản xuất, trao tặng nhà đại đoàn kết, được ban ngành đoàn thể thăm, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc. Con em các gia đình được tạo điều kiện tốt nhất để học tập ở các cấp học, bậc học.
Đồng chí Sơn Song Sơn nhấn mạnh: Dân tộc Khmer là một trong cộng đồng 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam, do đó các cán bộ, sư sãi, các ban quản trị các chùa và đồng bào Khmer không chỉ cộng đồng trách nhiệm với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng quê hương mà còn phải cảnh giác, đập tan các âm mưu chia rẽ dân tộc, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng vững mạnh.
XUÂN KHU - PHẠM THỊ BÌNH (TTXVN)