29/10/2022 - 08:18

Phim chuyển thể - chỉ nên là “đãi cát tìm vàng” 

DUY KHÔI

Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt Nam ngày càng có nhiều tác phẩm ăn khách, được đánh giá cao. Tuy nhiên, phần nhiều trong đó là kịch bản chuyển thể. Kịch bản phim mới, hấp dẫn vẫn đang là vấn đề khiến các nhà làm phim loay hoay.

Phim “Duyên kiếp” được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên. Nguồn ảnh: ngaymoionline.com.vn

Phim “Duyên kiếp” được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên. Nguồn ảnh: ngaymoionline.com.vn

Khái niệm chuyển thể có thể được hiểu là kịch bản phim được chuyển thể từ nguyên tác của các loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, tác phẩm văn học... Một dạng chuyển thể khác là làm lại từ nguyên tác phim nước ngoài hoặc từ phim điện ảnh sang phim truyền hình...

Thử điểm qua một số bộ phim ăn khách trên sóng Đài PT&TH Vĩnh Long những năm gần đây, phần nhiều đều thuộc phim chuyển thể. Tạo dấu ấn mạnh mẽ nhất có lẽ là phim “Duyên kiếp” được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hoàng Song Việt. Gần đây nhất là phim truyền hình “Rồi 30 năm sau” được chuyển thể từ kịch bản cải lương cùng tên của liên danh Hà Triều - Hoa Phượng; hay trước đó là phim “Tiếng sét trong mưa”, dựa trên nền tác phẩm văn học “Lôi vũ” của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc)...

Ngay cả nhiều phim truyền hình ăn khách phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam thời gian gần đây cũng được chuyển thể. Bộ phim “Hành trình công lý” đang phát trên kênh VTV3 nhận được hiệu ứng khá tốt, được mua bản quyền từ Đài Truyền hình CBS (Hàn Quốc) là điển hình. Hay trên kênh HTV2 - Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đang phát sóng phim “Giấc mơ của mẹ” được làm lại từ tác phẩm “All about my mom” ăn khách của Hàn Quốc.

Và còn nhiều phim đang chiếu cũng được sản xuất theo dạng chuyển thể. Trước đó, trào lưu phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh được nhiều nhà sản xuất chọn, làm nên dòng phim hương xưa tạo ấn tượng. Sau này, nhiều tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... cũng được chuyển thể.

Thật ra, việc chuyển thể tác phẩm nghệ thuật của các thể loại khác thành phim truyền hình không phải là mới. Tuy nhiên, không thể quanh quẩn với cách làm này mãi vì sẽ khiến khán giả nhàm chán. Nghệ thuật phải luôn mang hơi thở của đời sống xã hội và người viết kịch bản sẽ dựa vào đó để làm nên tác phẩm. Việc chuyển thể cho phim truyền hình chỉ nên là “chọn mặt gửi vàng”, “đãi cát tìm vàng”, không thể xem là con đường dài hơi cho điện ảnh Việt Nam và càng không nên “đại trà” như một xu hướng.

Đó là chưa kể trong quá trình “chế biến lại”, nhiều nhà sản xuất phim đã không đủ khéo léo, tinh tế đã làm cho bộ phim truyền hình “nhuần nhuyễn” khiến khán giả có cảm giác như “ăn cơm sống”. Phim “Hành trình công lý” được chuyển thể từ phim của Hàn Quốc, đang phát trên kênh VTV3, dù có nhiều điểm khen nhưng cũng bị phản ứng vì những cảnh “nóng” tục và có cảm giác như đang bị lạm dụng. Trước đó, phim “Tiếng sét trong mưa” cũng bị phản ứng vì những phân cảnh loạn luân, trái luân thường đạo lý, bạo lực... do “nấu không chín”.

Chuyển thể một tác phẩm từ thể loại này sang thể loại khác là điều không dễ và càng khó hơn khi nguyên tác là một tác phẩm nổi tiếng, kinh điển. Việc cân phân đong đếm, lấy tình tiết nào, thêm tình tiết gì, sao cho hài hòa giữa “bình cũ” và “rượu mới” khiến nhiều nhà làm phim loay hoay. Trong khi, kịch bản mới đủ sức hấp dẫn vẫn đang hiếm hoi.

 

Chia sẻ bài viết