28/05/2017 - 09:11

Phía sau sự phát triển của điện ảnh Hàn

Tại châu Á, điện ảnh Hàn có nhiều bứt phá, vươn lên sánh vai cùng nền điện ảnh lâu đời của Nhật. Không chỉ được đánh giá cao ở các kỳ Liên hoan phim (LHP) quốc tế, phim Hàn còn tạo nên những cơn sốt phòng vé nội địa lẫn toàn cầu. Đằng sau sự phát triển thần tốc của điện ảnh Hàn là câu chuyện dài.

Những chính sách tích cực

 “The Admiral: Roaring Currents” - tác phẩm có trên 14 triệu lượt người xem tại Hàn, trở thành phim có nhiều người lượt xem nhất trong lịch sử điện ảnh quốc gia này. Trên toàn cầu, phim có trên 17 triệu lượt người xem.

Hàn Quốc được xem là nơi có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhanh nhất trong thế kỷ 21. Năm 2000, khán giả đến rạp khoảng trên 61 triệu người, năm 2015 con số này tăng lên 217 triệu người; lượng phim sản xuất trong nước tăng từ 57 lên 232 phim; số lượng màn hình tăng từ 720 đến 2.424. Một yếu tố tăng trưởng đáng chú ý khác số lần xem phim trên đầu người. Năm 2000, số lần xem phim trung bình hằng năm của người Hàn chỉ ở mức 1,3; đến năm 2013 con số này là 4,1 lần. Số liệu này tại Mỹ là 4 lần, tại Pháp là 3,1 lần, tại Anh là 2,6 lần, Nhật là 1,2 lần.

Đó là nhờ chính phủ Hàn Quốc đề ra nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi để tạo sự phát triển cho nền công nghiệp điện ảnh trong nước. Sự ra đời của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (The Korean Film Council- KOFIC) là một bước ngoặt, với nhiệm vụ huy động vốn, nghiên cứu, hỗ trợ quảng bá, tổ chức các liên hoan phim. KOFIC kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lấn sân đầu tư cho công nghiệp và văn hóa phim ảnh. Nhờ vậy mà Samsung, Daewoo, Hyundai, CJ, Orion, Lotte… đỡ đầu cho nhiều dự án phim; thậm chí tham gia vào cấp vốn, sản xuất, phát hành. Nhờ vậy, phim được đảm bảo đầu ra, các nhà làm phim chỉ tập trung vào chất lượng của tác phẩm.

KOFIC cũng chú trọng đào tạo nhân lực. Nhiều tài năng triển vọng của Hàn Quốc được cử sang Mỹ học tập và khi trở về, họ trở thành cột trụ của điện ảnh Hàn Quốc. Chính phủ Hàn cũng đề ra hạn ngạch nghiêm ngặt: các rạp phim của Hàn Quốc phải chiếu phim nội địa trên 73 ngày trong một năm. Kim Hyun Soo- Quản lý tại KOFIC, cho biết: "Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp các phim nghệ thuật, kén người xem cũng được ra rạp, từ đó tiếp cận công chúng". Những chính sách này giúp cho phim nội địa chiếm ưu thế về doanh thu.

Hiệu quả thấy rõ là trước sự cạnh tranh từ Hollywood, phim Hàn trung bình mỗi năm đều chiếm trên 50% lượng phim và doanh thu tại rạp. Cùng với Trung Quốc (58,6%) và Nhật Bản (60,6%), Hàn Quốc là số ít nơi có vị trí ngang bằng hoặc vượt trội hơn phim Mỹ tại thị trường nội địa. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn giữ mức cân bằng phim nội địa và quốc tế, thậm chí nhiều phim Hàn còn công phá trên thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, như: "The Host", "The Admiral: Roaring Currents", "Snowpiercer", "Train to Busan"…

Đầu tư cho chất lượng

Ngoài những chính sách bảo hộ, điện ảnh Hàn không hiếm đạo diễn tài năng với những tác phẩm chất lượng.

Từ năm 2000, đạo diễn Im Kwon Taek được quốc tế chú ý khi tác phẩm "Chunhyang" của ông được chọn tham dự LHP Cannes- cũng là tác phẩm đầu tiên của Hàn Quốc được mời tham dự LHP này. Hai năm sau, Im Kwon Taek chiến thắng Đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Cannes với "Painted fire" (2002). Thành công của Im Kwon Taek đã mở màn cho nhiều tên tuổi Hàn được biết đến tại các LHP quốc tế, như: Park Chan Wook, Lee Chang Dong, Hong Sang Soo, Kim Ki Duk… Trong đó, Park Chan Wook ghi dấu với Giải thưởng lớn cho bộ phim "Oldboy" (2004) và giải của Ban giám khảo cho phim "Thirst" (2009) tại LHP Cannes. Đạo diễn Lee Chang Dong chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất với "Poetry" (2010) tại LHP Cannes, Giải thưởng đặc biệt dành cho đạo diễn với "Oasis" (2002) tại LHP Venice. Kim Ki Duk chiến thắng Sư tử vàng tại LHP Venice với "Pietà" (2012), Nhãn quan độc đáo tại LHP Cannes với "Arirang" (2011), Gấu bạc Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin với "Samaritan Girl" (2004). Riêng tác phẩm "Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring" là một trong 7 phim châu Á được nhà phê bình gạo cội Roger Ebert xếp vào danh sách 250 tác phẩm điện ảnh xuất sắc quốc tế dựa trên dữ liệu trực tuyến về phim ảnh.

Giới chuyên môn nhìn nhận phim Hàn có đề tài đa dạng và sáng tạo. Từ quái vật ("The Host"), sử thi cổ trang ("The Admiral: Roaring Currents"), hậu tận thế ("Snowpiercer"), chính trị ("Assassination", "Veteran"), đến đề tài zombie, kinh dị ("Train to Busan"), đồng tính ("The Handmaiden")... Các nhà làm phim Hàn rất biết cân bằng khía cạnh giải trí đại chúng và nghệ thuật hàn lâm. Nhờ vậy, điện ảnh Hàn thỏa mãn nhu cầu của khán giả, nhưng vẫn giữ phong vị riêng.

Điểm đáng kể là mỗi tác phẩm điện ảnh Hàn luôn mang bản sắc địa phương, dẫu nó có sự pha trộn đề tài, ý tưởng, công nghệ từ Hollywood. Trong phim Hàn, tình cảm gia đình, lòng tự tôn dân tộc thường được đề cao, đi kèm kỹ thuật sử dụng melodrama (tình tiết đánh mạnh vào tâm lý người xem)- như là phong vị riêng, tạo cá tính. Vì thế, phim Hàn dẫu theo trường phái nghệ thuật hay đại chúng đều không kén người xem. Điều này cũng lý giải việc điện ảnh Hàn vẫn đang kéo dài danh sách phim đạt chục triệu lượt người xem như: "The King And The Clown" (2005), "The Host" (2006), "The Thieves" (2012), "Masquerade" (2012), "The Admiral: Roaring Currents" (2014), "Assassination" (2015), "Train to Busan" (2016)…

BẢO LAM
(Tổng hợp từ inaglobal, korea, variety, reelrundown)

Chia sẻ bài viết