07/08/2023 - 12:43

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL 

Bài cuối: CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ VÀ HIỆU QUẢ HƠN

Nhóm PV Báo Khmer ngữ

Các chương trình hỗ trợ sinh kế, các dự án đặc thù… của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả. Từ đó, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở ĐBSCL ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ hộ DTTS nghèo của vùng châu thổ Cửu Long vẫn còn cao, sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng đồng bào DTTS chưa đáp ứng kỳ vọng. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn để vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Phát huy mô hình sinh kế hiệu quả cao

Anh Dương Văn Hồng ở ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thoát nghèo nhờ trồng rau màu. Ảnh: MA LAI

Anh Dương Văn Hồng ở ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thoát nghèo nhờ trồng rau màu. Ảnh: MA LAI

Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Dương Văn Hồng ở ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là một trong những điển hình nổi bật về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cách nay 5 năm, anh Hồng vẫn là một trong những hộ Khmer nghèo. Nhờ Hội Nông dân (HND) xã tạo điều kiện, anh được dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên đã ứng dụng thành công vào trồng rau muống, dưa leo, rau má ruộng. Gia đình anh Hồng trồng 2-3 vụ/năm, thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/vụ. Anh Hồng kể: “Gia đình tôi được HND xã giới thiệu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện 40 triệu đồng, gia đình tích lũy thêm để làm nhà lưới và trang bị hệ thống tưới phun. Nhờ có hệ thống tưới này, tôi giảm được một phần chi phí”. Ông Dương Hưng, Phó Chủ tịch HND xã Đa Lộc, chia sẻ: “Hội tăng cường phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập. Đồng thời, giới thiệu nhiều hộ vay vốn hỗ trợ của NHCSXH để thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp”.

Bà Huỳnh Thị Kim Liên ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, thoát nghèo từ mô hình mua bán nhỏ. Bà Liên chia sẻ: “Nhà tôi không ruộng đất, nên sống bằng nghề đi cắt lúa thuê khắp nơi. Khi máy cắt lúa ra đời, công việc ít đi, cuộc sống khó khăn… Tôi tham gia Chi hội Phụ nữ ấp, được Hội LHPN phường Trường Lạc giới thiệu vay tiền mở quán tạp hóa nhỏ. Việc mua bán thuận lợi, Hội tiếp tục giới thiệu tôi vay khoản vay lớn hơn để mở rộng việc kinh doanh. Đến nay, tôi có nhà, có đất và mua được 15 công ruộng cũng nhờ nguồn vay khởi nghiệp mà Hội giới thiệu”. Theo chị Đặng Thị Thấm Tháp, Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Lạc, nguồn vốn của Hội LHPN xã ít nên giai đoạn đầu, mỗi chị chỉ được vay 1-2 triệu đồng để mua bán nhỏ. Ngoài ra, một số chị được Hội giới thiệu đến NHCSXH và được vay số vốn lớn để mở tiệm tạp hóa, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cải tạo vườn tạp... Từ 7 hội viên đầu tiên, đến nay, mô hình này đã có 39 hộ DTTS tham gia. Hầu hết các chị trong mô hình đều thoát nghèo.

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy vốn là một trong những điều kiện cần thiết để các hộ nghèo thực hiện những mô hình sinh kế nhằm vươn lên thoát nghèo. Thời gian qua, NHCSXH các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã phát vay vốn hỗ trợ hàng ngàn hộ đủ điều kiện. Từ đó, có hàng ngàn hộ nghèo nói chung, hộ DTTS nghèo nói riêng vươn lên thoát nghèo. Theo bà Trịnh Bích Tuyền, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng, 9 năm qua, Ngân hàng giúp 377.727 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số tiền 8.808 tỉ đồng, giúp hơn 85.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.  Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo của tỉnh giảm còn 15.139 hộ, chiếm 4,5% tổng dân số. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là 7.121 hộ, chiếm 7%. Kết quả này là nhờ tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan làm tốt việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội vào các dự án, đề án của tỉnh. Đồng thời, gắn kết các chương trình tín dụng chính sách xã hội với hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo nghề… giúp các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc triển khai các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS cần có sự đồng bộ trên phương diện sinh kế, văn hóa, xã hội, tùy đặc điểm của từng tỉnh, thành. Chẳng hạn như, mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer ở An Giang; mô hình cải tạo vườn tạp, mua bán nhỏ ở Cần Thơ; mô hình trồng các giống lúa đặc sản có bao tiêu sản phẩm ở Sóc Trăng… Các mô hình cụ thể thành công là tiền đề để các địa phương hướng đến những giải pháp phát triển KT-XH vùng DTTS một cách bền vững.

Bà Huỳnh Thị Kim Liên (bên phải) và bà Dương Thị Sà Pha ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ thành công nhờ mô hình Phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế. Ảnh: L.G

Bà Huỳnh Thị Kim Liên (bên phải) và bà Dương Thị Sà Pha ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ thành công nhờ mô hình Phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế. Ảnh: L.G

Đến giải pháp phát triển bền vững

Theo Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang, giảm nghèo trên phương diện sinh kế, văn hóa, xã hội ở địa phương đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên giải pháp này cần quan tâm đến các vấn đề về hệ thống hạ tầng, thông tin liên lạc, dịch vụ vui chơi giải trí, bảo tồn văn hóa và an ninh trật tự. Hiện nay, một số hộ DTTS tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, như: mua bán các loại đặc sản địa phương, các món ăn tại các điểm du lịch: đồi Tà Pạ, hồ Ô Thum, Soài Chek... Chính sách này không chỉ bảo tồn và phát huy các lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực truyền thống mà còn khuyến khích hộ DTTS phát triển sản phẩm du lịch dựa trên bản sắc văn hóa địa phương. Đây cũng là phương cách giảm dần tình trạng di cư ra thành phố hay bỏ vùng quê để di chuyển lên các thành phố lớn tìm việc làm. Địa phương cũng cần hoàn thiện các chương trình, chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp, hạn chế nhiều đầu mối, tránh trồng chéo, tập trung nguồn lực và nâng cao tác động giảm nghèo.

Khẳng định những giải pháp mà các địa phương vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống thời gian qua mang lại hiệu quả tích cực, ông Nguyễn Hoàng Hành, Vụ phó Vụ Công tác Dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc cho rằng, trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, tạo sinh kế bền vững cho vùng đồng bào DTTS nói riêng và cả ĐBSCL nói chung.

Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Chính phủ ban hành về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025, Chương trình gồm 10 dự án thành phần; tổng mức vốn thực hiện trên 137.000 tỉ đồng. Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: Chương trình tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; có ý nghĩa to lớn, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS; tạo bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Chương trình cũng tạo động lực quan trọng đối với đồng bào DTTS trong công cuộc giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển bền vững vùng DTTS trong giai đoạn hội nhập. Thời gian qua, Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, bố trí nguồn lực, hướng dẫn triển khai, tăng cường đôn đốc các địa phương chủ động tổ chức thực hiện Chương trình... Song song đó, các địa phương đã phản ánh nhiều mặt tích cực cũng như bất cập trong ban hành cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn, công tác phối hợp điều hành, triển khai trong thực tế.

Để Chương trình phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn nữa, ông Sơn Phước Hoan đề xuất: Các địa phương cần tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình, rà soát hoàn thiện các dự án, không bỏ sót đối tượng và địa bàn thụ hưởng; tổ chức triển khai Chương trình nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Trung ương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn, điều hành chương trình, dự án thành phần; rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm các kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc trong áp dụng các thông tư do cấp bộ ban hành theo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Chương trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp thực tiễn địa phương, không trái quy định của pháp luật. Các cấp liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện chương trình. Khẩn trương phân bổ, giao kế hoạch vốn; đôn đốc, kiểm tra, định kỳ sơ kết, đánh giá tiến độ triển khai theo quy định. “Tin rằng với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, bằng các biện pháp khoa học của cơ chế đặc thù từ Chương trình sẽ tác động mạnh đến hoạt động KT-XH các địa bàn vùng DTTS cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng. Việc triển khai Chương trình sẽ đem lại bước tiến mới trong công tác và thực hiện chính sách dân tộc; tích cực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc” - ông Sơn Phước Hoan kỳ vọng.

-----------

Bài 1:  ÐỜI SỐNG AN VUI NƠI VÙNG QUÊ KHỞI SẮC

Bài 2:  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chia sẻ bài viết