Bài 2: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhóm PV Báo Khmer ngữ
Song song với chăm lo an cư, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở ÐBSCL còn nỗ lực nâng cao dân trí cho đồng bào. Bởi nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là bài toán căn cơ để vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển bền vững.
![Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL](https://baocantho.com.vn/imagetsdt/tsdt/2023/20230721/images/z4535521210089_355dee91bb8a5a82ef0ddd7717e72121.jpg)
Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng, đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Lý Then
Nâng chất giáo dục
Ðể nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục của vùng DTTS nói riêng, các địa phương ở ÐBSCL tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tại tỉnh Vĩnh Long, hiện có trên 70% trường lớp đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ này ở TP Cần Thơ là trên 77%. Ở tỉnh Hậu Giang, các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đều cao. Ðiển hình như: huyện Châu Thành A có trên 72% trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ này ở huyện Vị Thủy là trên 77%, huyện Long Mỹ trên 79%. Và điểm đặc biệt chung ở ÐBSCL, hầu hết các trường vùng DTTS đều đạt chuẩn quốc gia.
Khi Nhà nước đầu tư trường lớp khang trang, phụ huynh càng muốn cho con học hành đến nơi đến chốn. Cô Kim Thị Rum Chonl, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai ở xã Ðông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long sinh ra và lớn lên ở sóc Chòm Tre - nơi đặt điểm chính của Trường Mầm non Sao Mai. Sau tốt nghiệp Sư phạm Mầm non, cô Chonl được phân công về dạy tại điểm trường này. Là người địa phương, biết tiếng dân tộc, nên cô thường được phân công cùng chính quyền địa phương vận động học sinh ra lớp. Nhớ lại thời điểm đó, cô Chonl kể: “Phụ huynh hay nói con còn nhỏ, không an tâm cho con đi học. Có người lại nói trường lớp ọp ẹp, để con ở nhà mình trông cho tiện, người thì cho là đường đi sình lầy, đưa rước mất công… Ðến khi trường được xây dựng khang trang và đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016, công tác vận động học sinh ra lớp dễ dàng hơn. Mấy năm gần đây, cứ gần đến ngày tựu trường là phụ huynh hỏi bao giờ nhập học để đăng ký cho con cháu mình”.
Nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và có lực lượng giáo viên đạt, vượt chuẩn, các trường dân tộc nội trú (DTNT) đã và đang khẳng định về chất lượng đào tạo. Ðiển hình như Trường Phổ thông DTNT THPT Kiên Giang, không chỉ là trường đạt chuẩn quốc gia nổi bật trong hệ thống trường DTNT mà còn đủ khả năng cạnh tranh “sòng phẳng” về chất lượng đào tạo với các trường THPT khác trên địa bàn. Năm học 2021-2022, Trường có 12 học sinh tham gia dự thi và đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; trong đó, có 1 học sinh đủ điều kiện dự thi kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia. Bà Châu Quỳnh Dao, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT Kiên Giang, cho biết: “Ngoài sự quan tâm đầu tư phát triển chung như các trường phổ thông khác, Trường còn được ưu đãi nhiều chính sách đặc thù cho học sinh DTTS, nên thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng dạy và học nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước”.
Có thể thấy, ngoài việc đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc, các địa phương còn tập trung phát triển hệ thống trường DTNT. Toàn vùng ÐBSCL hiện có 34 trường phổ thông DTNT, với quy mô hơn 11.600 học sinh, chiếm 12% số học sinh DTTS. Có 16/34 trường DTNT đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 47%). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các trường DTNT tăng đều từng năm, nếu như năm học 2010-2011, tỷ lệ tốt nghiệp là 85,75%, thì đến năm học 2019-2020, các trường DTNT có tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân trên 95%, một số trường luôn giữ mức đậu tốt nghiệp trên 99%. Ðặc biệt, gần 50% học sinh DTNT trúng tuyển vào các trường đại học có chất lượng trong cả nước.
Nguồn nhân lực cơ sở từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển
Nền tảng dân trí được nâng lên tạo thuận lợi cho các địa phương, đơn vị thực hiện công tác xây dựng lực lượng cán bộ DTTS. Ông Hồ Văn Hạnh, Bí thư Ðảng ủy xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Trong công tác quy hoạch cán bộ, xã luôn đảm bảo tỷ lệ cán bộ nguồn là người dân tộc Khmer. Sau đó, tạo điều kiện để các cán bộ nguồn tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị để đảm bảo đủ các tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm. Hiện, đồng chí Sơn Công Vinh - Bí thư Xã đoàn, đang là Ðảng ủy viên của xã. Mặc dù còn trẻ, nhưng đồng chí Vinh đã có đầy đủ các điều kiện để bổ nhiệm, luân chuyển ở các vị trí công tác mà Ðảng bộ cần. Ðồng chí Phó Bí thư xã Ðoàn cũng là người dân tộc Khmer, vừa tham gia công tác ngay sau khi tốt nghiệp đại học chính quy, hiện được qui hoạch để tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị”.
![Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL](https://baocantho.com.vn/imagetsdt/tsdt/2023/20230721/images/20230207_092751.jpg)
Trẻ của Trường Mầm non Sao Mai, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được học trong phòng học sạch mát, đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: L.G
Một trong những giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực DTTS có chất lượng cho cơ sở là chương trình cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ. Tiến sĩ Nguyễn Thành Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ thông tin, Trường đã và đang đào tạo 833 sinh viên thuộc hệ cử tuyển của địa phương, trong đó, có 697 sinh viên là người dân tộc Khmer (chiếm 83,7%). Lực lượng cán bộ y tế người DTTS do Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ đào tạo được phân công công tác ở các địa bàn vùng dân tộc, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng. Ðiển hình như Trạm Y tế xã Ðịnh An, huyện Gò Quao, có 6/10 cán bộ y tế là người DTTS, trong đó, có đồng chí trưởng trạm là người Khmer. Bà Dương Thùy Dung, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ðịnh An, cho biết: “Tất cả cán bộ là người DTTS đang công tác tại trạm đều có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu và có tinh thần cầu tiến. Ðặc biệt, nhờ trình độ dân trí tại các phum sóc có đông đồng bào DTTS được nâng lên, nên Trạm xây dựng được lực lượng cộng tác viên y tế là người dân tộc Khmer ở tất cả 9 ấp. Ðây cũng là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia”.
Không thể phủ nhận những thay đổi vượt bậc trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở ÐBSCL. Tuy nhiên chuyển biến này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như chưa tương xứng với tiềm năng mà vùng châu thổ Cửu Long đang có. Vì vậy, sự nâng chất về vật chất, tinh thần của người dân nói chung chỉ ở mức cao hơn chính mình so với trước đây, còn so với mặt bằng chung của cả nước thì vẫn ở mức thấp. Ðể đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS ở ÐBSCL không tiếp tục “tụt hậu” so với các địa phương khác, cần có những giải pháp đồng bộ, hài hòa để các chính sách đầu tư chung và ưu đãi đặc thù của Nhà nước phát huy tác dụng.
Theo số liệu điều tra thống kê 53 DTTS:
- Tỷ lệ trẻ em DTTS ở ĐBSCL đi học đúng độ tuổi các cấp: mẫu giáo: trên 98%, tiểu học: 95,5%, THCS 71,1% và THPT là 38,4%. So với bình quân chung cả nước và với vùng khác, ĐBSCL có tỷ lệ thấp gần nhất nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên.
- Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên, ở ĐBSCL, biết đọc biết viết chữ của dân tộc mình là 19,96%.
- Tỷ lệ biết đọc biết viết chữ phổ thông của người DTTS từ 15 tuổi trở lên, ở ĐBSCL, là 78,51%, thấp hơn bình quân cả nước (81,49%) và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (74,79%).
- Tỷ lệ lao động DTTS từ 15 tuổi trở lên, ở ĐBSCL, được đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ rất thấp: 9%.
Nguồn: Vụ Công tác Dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc
(Còn tiếp)
-------------
Bài cuối: Cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn