07/07/2013 - 19:57

Phát triển thương mại, động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.
Ảnh: THU HOÀI

Thương mại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại trong gần hai thập kỷ qua đạt được là nhờ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giảm dần các rào cản thương mại và tham gia các hiệp định thương mại với đối tác. Tuy nhiên, cùng với tiến bộ trong quá trình thực hiện cam kết quốc tế, lợi thế của tự do thương mại trong việc đóng góp vào tăng trưởng thương mại đang đạt đến những giới hạn nhất định. Vì vậy, đây là thời điểm cần có một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tại Việt Nam.

Cải thiện năng lực cạnh tranh

Tại lễ công bố báo cáo “Tạo thuận lợi thương mại, Tạo giá trị và Năng lực cạnh tranh - Gợi ý chính sách cho Tăng trưởng Kinh tế của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế tổ chức, diễn ra ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng mặc dù hoạt động của hệ thống Logistics thương mại của Việt Nam đạt hiệu quả hơn một số nước trong khu vực, nhưng vẫn kém hơn một số nước châu Á đang phát triển. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực Logistics vẫn còn là một thách thức phát triển. Hiện rất nhiều chỉ số cho thấy lĩnh vực Logistics của Việt Nam, bao gồm những yêu cầu kinh doanh chủ yếu như chi phí chứa hàng trong chuỗi cung ứng, tỷ lệ vận chuyển và bốc dỡ hàng chậm trễ, tiếp cận nguồn nhân sự quản lý Logistics và xử lý các giấy phép và thủ tục thông quan trong thương mại quốc tế vẫn còn yếu hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và một số các quốc gia châu Á đang phát triển. Chính vì lẽ đó, báo cáo này đã xác định những thách thức cấp bách nhất thúc đẩy chi phí vận tải và Logistics ở Việt Nam, đề xuất các chính sách cũng như biện pháp can thiệp để tăng cường năng lực cạnh tranh.

Các chuyên gia thương mại cũng cho thấy năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được cải thiện chính là thị phần toàn cầu của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ khác nhau trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong số các nước châu Á, mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn, chỉ đứng sau Trung Quốc nhưng lại có thị phần và tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao tính theo đầu người thấp. Điều này cũng đúng với mặt hàng xuất khẩu công nghệ trung bình của Việt Nam. Riêng với ngành công nghệ thấp, Việt Nam có kết quả tương đối tốt với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với hầu hết các nước khác và đã đạt được thị phần nhất định. Việt Nam có lợi thế so sánh đối với xuất khẩu các sản phẩm chế biến công nghệ thấp, hàng nông sản và nguyên liệu thô. Điều này phù hợp với mô hình tăng trưởng dựa trên chiều rộng hơn là chiều sâu hiện nay của Việt Nam.

Tối đa hóa lợi ích thương mại

Đại diện cho chuyên gia phản biện, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Việt Nam đang trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 với nhiều thách thức cần giải quyết. Tuy đã thu được một số thành tựu kinh tế ấn tượng nhưng việc duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh này ngày càng trở nên khó hơn. Vì vậy, Việt Nam cần có những cải cách toàn diện về thể chế và chính sách trong nước để tối đa hóa được lợi ích do thương mại đem lại. Trong bối cảnh này, bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực thì sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế cũng là một nhân tố hết sức quan trọng để giúp Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia cao cấp của WB, để giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao và từng bước công nghiệp hóa nền kinh tế đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao và thể chế mạnh mẽ. Vì vậy, việc cải thiện lợi ích thương mại và Logistics sẽ mang lại nhiều kết quả hơn do cải thiện cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ liên quan tới thương mại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nếu được thực hiện theo cùng một khuôn khổ chính sách nhất quán, những sáng kiến này ắt sẽ dẫn tới nâng cao được giá trị hàng xuất khẩu và giúp giảm nhẹ các hệ quả phân phối bất lợi có thể phát sinh do tái cấu trúc công nghiệp. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm thời gian quý giá để từng bước chuyển đổi cơ cấu công nghiệp theo định hướng công nghệ cao hơn.

Tạo thuận lợi cho thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc đầu tiên theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, WB là cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô. Còn ở cấp độ doanh nghiệp hiện vẫn chưa có sự tham gia đầy đủ và tận dụng lợi thế thương mại một phần do liên kết vẫn còn lỏng lẻo. Do vậy, vai trò lãnh đạo của chính phủ là rất cần thiết nhằm tạo ra chuỗi cung ứng và điều phối cho các hoạt động thương mại để nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó cần tập trung vào 2 lĩnh vực chính là tạo giá trị cạnh tranh và Logistics thì WB mới đứng cạnh hỗ trợ Việt Nam xây dựng những ngành này.

Dự kiến tiếp sau lễ công bố này, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp với WB nghiên cứu, tiến tới xây dựng Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về Thuận lợi hóa Thương mại tạo thuận lợi thương mại quốc gia. Cùng với đó, khi chiến lược này được thực hiện sẽ tăng cường sức cạnh tranh và giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, Thứ trưởng Lê Dương Quang khẳng định.

UYÊN HƯƠNG (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết